Nhà Vương – Niềm tự hào của kiến trúc vùng cao
Nhà Vương mô phỏng một phần kiến trúc đời Thanh (Trung Quốc) kết hợp với các hoa văn của người Mông. Công trình được tạo nên bởi sự phối hợp hài hòa giữa các nguyên liệu gỗ thông, đá xám, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm - dương.
Khu dinh thự họ Vương hay còn gọi là nhà vua Mèo ở thung lũng Sà Phìn - Đồng Văn là một trong những địa điểm du lịch độc đáo bậc nhất của vùng núi cao Hà Giang.
Nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, cách trung tâm Hà Giang 125km, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, nhà Vương thuộc xóm Sà Phìn A, xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, được xây dựng trên quả đồi có hình mai rùa, nhìn về hướng nam. Công trình mang vẻ đẹp bề thế, uy nghi với kiến trúc hình chữ “vương”, vừa làm dinh thự vừa làm pháo đài phòng thủ. Trải qua bao sương gió khắc nghiệt, về cơ bản công trình vẫn giữ được nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Quy mô của dinh thự không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và hội tụ những tinh hoa kiến trúc của vùng cao này.
Một thế kỉ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương, người Mông vẫn thường gọi là vua Mèo. Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, vua Mèo Vương Chính Đức đã cho xây dựng một khu tư dinh theo kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ. Phải mất hơn 8 năm với 150.000 đồng bạc trắng khu dinh thự này mới được hoàn thành. Nhà Vương được dựng nên bởi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa đến từ Vân Nam (Trung Hoa) cùng những tốp thợ giỏi nhất của người Mông. Do vậy, dễ hiểu khi công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa đời Thanh kết hợp với tinh hoa của người Mông bản địa.
Dẫn lên dinh Vua mèo là con đường lát bằng đá tảng vuông lớn. Qua thời gian, nơi đây như phủ một màu rêu phong, màu của lịch sử một thời tưởng như chia cắt nay đã yên bình. Phía trước khu dinh thự là khu mộ nhỏ trong đó có một ngôi mộ khá lớn được chạm khắc rất tỉ mỉ của mẹ Vua mèo Vương Chính Đức.
Đi dọc theo con đường chính, bước lên 10 bậc đá là cổng dẫn vào bên trong. Toàn khu dinh thự được bao bọc bởi hai vòng tường đá hộc, tường vòng ngoài dày khoảng 60 đến 80cm, cao khoảng 2,5m đến 3m.
Cả khu dinh thự rộng 1.120m vuông, trước cửa nhà là cả bốn 4 dãy ngang và 6 dãy dọc, kết cấu hai tầng với 64 buồng. Tường rào đá đã rêu xanh có chỗ cây mọc lòa xòa. Biệt thự qua bao nắng mưa, bão gió, có chỗ đã bị thời gian mài mòn, hoang phế nhưng về cơ bản vẫn giữ được hình xưa dáng cũ nhà chính quay ra cổng, còn những ngôi nhà khác xây dọc hai bên song song và vuông góc với nhau.
Vẻ bề thế, uy nghi của công trình này được tạo nên bởi sự phối hợp hài hòa đến tinh sảo giữa các nguyên liệu quý như: đá xanh, gỗ sa mộc, ngói đất nung lợp theo lối âm – dương... Các bộ phận dù bằng đá hay gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình rồng, phượng, dơi... tượng trưng cho sự trường tồn, hưng thịnh của các dòng họ quyền quý.
Ngày nay, khi du khách tới Đồng Văn không ai muốn bỏ qua di tích dinh thự Vua Mèo Vương Chính Đức, để tận mắt nhìn ngắm một ngôi nhà mang nhiều nét kiến cung điện Trung hoa nằm giữa miền đá ngút ngàn của miền cao nguyên đá hùng vĩ Hà Giang.
Cổng ngoài khu dinh thự
Một đoạn tường rào
Cầu thang lên gác
Lỗ châu mai trong lô cốt
Mái ngói
Ý kiến bạn đọc