Nắng Xuân đã hừng lên!
(Xuân Quý Tỵ 2013)- Sương mù theo từng đợt gió mùa Đông Bắc kéo nhau về phủ mịt mùng rừng đá cao nguyên. Cái rét cắt da, cắt thịt, giá lạnh liên miên thấu lòng người những ngày cuối Đông ở Cao nguyên đá Đồng Văn. Đã hết mùa hoa Tam giác mạch, hoa Bạc hà cũng sắp tàn nhưng ủ trong sương trời, khí núi khắc nghiệt kia, nụ mận, nụ đào, nụ lê trắng đang cựa mình bật nở, hòa mình vào hơi thở của mùa Xuân đang men mén đến gần. Và rồi, thời khắc thiêng liêng chuyển giao cũ mới ập về. Sức Xuân tràn trề, òa đến lồng lộng giữa mây trời, đá núi cao nguyên.
Du khách thập phương tấp nập đến đắm mình trong trong gió lộng đỉnh trời cực Bắc, nơi Cột cờ Lũng Cú hiên ngang ngự trên đỉnh núi Rồng để tận hưởng cảm giác thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ Tổ quốc rộng 54 mét vuông mang hồn dân tộc; hòa mình vào lối kiến trúc độc đáo của dinh thự nhà Vương. Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, khu Phố cổ sẽ níu chân du khách bởi giá trị lịch sử cũng như khung cảnh thâm trầm của phố núi. Hòa với cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, con người nơi đây sống thật thà, thân thiện. Dù còn nhiều lắm những gian nan nhưng trong mỗi con người ở đây luôn ngời lên sức sống mãnh liệt. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã tôi luyện cho họ có sức mạnh bền bỉ, tinh thần vững chắc để chống trọi với giá lạnh, mưa sa với khô khan cằn cỗi. Thật tự hào, trong điều kiện khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn năm 2012 đã có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng đạt 15,4%. Sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 506,8 tỷ đồng, tăng 86,8 tỷ đồng so với năm 2011; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt trên 149 tỷ đồng; tổng giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 468,7 tỷ đồng, tăng 80,7 tỷ đồng so với năm 2011... Qua những con số trên mới biết sự nỗ lực vượt lên gian khó, sự kiên cường, bất khuất trước thiên nhiên khắc nghiệt của người Đồng Văn lớn lao đến nhường nào. Trên những nẻo đường tuần tra, màu áo xanh của chiến sĩ Biên phòng ẩn hiện, thấp thoáng bên họ là những thiếu nữ dân quân người Lô Lô, người Mông, người Tày... luôn cầm chắc tay súng vì sự bình yên lãnh thổ, vì sự vững chắc biên cương. Rồi sẽ có những mối tình nở hoa như cây đào trước ngõ, kết trái như quả mận ngoài sân. Họ xây dựng tổ ấm để bảo vệ, giữ gìn mảnh đất quê hương còn muôn vàn gian khổ nhưng rất đỗi thiêng liêng nơi cực Bắc.
“Quê hương tôi tự nó đã cao rồi/Gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm”, xin chia sẻ với cảm xúc của nhà thơ Cao Xuân Thái khi nhà thơ cảm nhận sâu sắc những gian khó của người dân vùng cao núi đá phía Bắc. Tuy nhiên, Xuân đã sang, mây mù, sương muối, giá lạnh đã qua đi, nắng đã hừng lên rồi. Nắng tràn trề trên bầu trời, ngọn đá. Nắng bao la trên mái nhà, vạt cỏ. Nắng long lanh trong khéo mắt, trên má hồng thiếu nữ. Nắng dịu dàng ve vuốt những rừng cây. Nắng đã về, Xuân đã sang và lòng người mở hội.
Cây lê già Sảng Tủng khoe màu hoa trắng tinh khiết vớiĐào phai phớt hồng cổ thụ Ma Lé. Ở ven đường, nơi khe núi những đóa hoa rừng, những khóm hoa dại khiêm nhường e ấp đưa hương. Mưa Xuân Lũng Phìn bay cùng nhịp với lọn gió Mã Lủ Kha. Sương trắng và đá xám không át nổi màu xanh của cây trồng vụ Đông. Rau cải nương mọc viền sườn núi, những cánh hoa vàng nhỏ nhoi mà miên man đến nao lòng. Những luống cày vướng đá ngả mình đón hạt, ôm vào lòng bật nở màu xanh tươi.
Ý kiến bạn đọc