Chung tay tuyên truyền, góp phần cho du lịch tỉnh nhà phát triển

09:53, 29/01/2013

(Xuân Quý Tỵ 2013)- Kế hoạch xuất bản hàng tháng của Báo Hà Giang trong thời gian gần đây đã nhiều hơn, phong phú hơn, nội dung viết về du lịch. Nhớ lại, từ năm 2010 trở về trước, tháng có, tháng không, cũng không sao, vì thực tiễn du lịch tỉnh nhà chưa có gì khởi sắc; phóng viên được phân công đi cơ sở về thở dài, “gạo” kém quá anh ạ, không biết có nên “cơm, cháo” gì không? Nhưng từ 2011 đã khác: Đầu vào cho chủ đề du lịch đặt ra không ít vấn đề, có nhiều nội dung để ca ngợi hay phê phán và góp ý, bổ sung; để rồi có những bài viết đúng, trúng, hay về thực trạng lĩnh vực này của tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy du lịch Hà Giang ngày một phát triển.



                 Nghiên cứu các điểm di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu.


Bắt đầu từ Nghị quyết đúng:

Đầu tháng 10.2010, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2010 – 2015; sau 4 ngày làm việc, Đại hội đã thành công tốt đẹp, với bản Nghị quyết quan trọng, có nội dung trọng tâm khẳng định: Bốn đổi mới, tám đột phá, mười lăm Chương trình trọng tâm, mười chín chỉ tiêu chủ yếu và sáu nhiệm vụ chủ yếu cho thời kỳ 2011 – 2015. Trong 8 đột phá thì nội dung thứ 4 chỉ rõ: Đột phá về phát triển thị trường và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở cho dịch vụ, du lịch; trong 15 Chương trình trọng tâm có mục thứ 8 nhấn mạnh: Chương trình phát triển văn hóa gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, địa chất, tâm linh... Và Chương trình thứ 10 về xây dựng Nông thôn mới và xây dựng, phát triển các đô thị – đó chính là cơ sở hạ tầng bền vững cho du lịch “cất cánh”. Còn trong 6 nhiệm vụ chủ yếu thì nhiệm vụ thứ 2 đã khẳng định quy hoạch, xây dựng thị trấn Đồng Văn, thị trấn Tam Sơn thành trung tâm, điểm du lịch của Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.



Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà tại Lễ hội Chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc). Ảnh: AN GIANG

Đến cách nghĩ, cách làm của những người làm báo:

Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, với trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền của Đảng bộ; những người làm Báo Hà Giang đã xác định rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, quảng bá cho du lịch tỉnh nhà. Có Nghị quyết đúng là bước đi quan trọng đầu tiên; thực hiện Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, để thực tiễn cuộc sống kiểm nghiệm và chứng minh tính đúng đắn của Nghị quyết là bước đi tiếp theo mang tính quyết định thành công. Cũng thời điểm này, việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về “Xây dựng Nông thôn mới” đồng thời diễn ra, với nhiều yêu cầu, nội dung cấp bách, thiết thực nhằm tạo nền móng vững chắc về cơ sở hạ tầng và những tiêu chí cơ bản về đời sống văn hóa cho cộng đồng dân cư nông thôn trong tỉnh. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của Chính phủ như được “chắp thêm cánh” khi thực hiện ở Hà Giang vì cũng vào thời điểm thành công của Đại hội XV Đảng bộ tỉnh (tháng 10.2010), Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận chính thức là thành viên hệ thống Công viên Địa chất Toàn cầu. Đây chính là dấu mốc lớn mở ra vô vàn tiềm năng và đương nhiên sẽ đi cùng vô vàn thách thức cho mục tiêu, mong muốn, cách nghĩ, cách làm của chúng ta về du lịch, dịch vụ. Bởi lẽ, nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng cho Nông thôn mới và phục vụ du lịch, dịch vụ, sinh hoạt đời sống của nhân dân; với mục tiêu về bảo tồn cảnh quan, thiên nhiên, gìn giữ phong tục tập quán văn hóa truyền thống của nhân dân vùng Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văntưởng như thống nhất; nhưng nếu không làm tốt tuyên truyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong hành động cụ thể, chắc chắn sẽ xảy ra những mâu thuẫn, bất cập vì không đồng thuận trong tiêu chí và cách làm, như bê-tông hóa, chất lợp Phibrô xi-măng, xây tường rào bê-tông, tường rào hoa sắt sẽ phá vỡ yêu cầu về bảo vệ cảnh quan của di sản, bảo vệ tính nguyên bản, kiến trúc truyền thống, bản địa của Cao nguyên đá.



     Ruộng bậc thang xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì). Ảnh: BIỆN LUÂN


Vì vậy, lãnh đạo Báo Hà Giang đã kiến nghị với tỉnh:

1. Nên sớm có Nghị quyết chấm dứt sử dụng chất lợp Phibrô xi-măng tại 4 huyện vùng Cao nguyên Địa chất Toàn cầu.

2. Có giải pháp cụ thể khôi phục nghề làm ngói máng truyền thống; sử dụng ngói máng, chất lợp tôn tại địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá.

3. Quy hoạch các bãi đá được khai thác, nghiêm cấm khai thác đá ven các tuyến đường giao thông trong khu vực Công viên Địa chất.

4. Khuyến khích và yêu cầu nhân dân, các cơ quan Nhà nước xếp đá làm tường rào theo phương pháp tường rào đá truyền thống của người Mông.

5. Cần có Quy chế phối hợp làm việc giữa Ban quản lý xây dựng Nông thôn mới, Ban quản lý XDCB và Ban quản lý Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; để tạo sự thống nhất về nội dung, tiêu chí, cách làm, không gây mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau khi thực hiện nội dung của từng Ban quản lý.


Những kiến nghị trên cùng các nội dung hoạt động du lịch, dịch vụ gắn liền với thế mạnh của tỉnh là du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch tìm về cội nguồn đã được Tòa soạn chú trọng thường xuyên trong công tác tuyên truyền. Có nhiều bài viết, ảnh, phóng sự ảnh, video của truyền hình mạng giới thiệu vẻ đẹp, sự cuốn hút, lan tỏa, những nội dung cần tìm hiểu, khám phá, làm rõ về Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; với những địa danh: Đường Hạnh phúc, Cổng trời, Núi Đôi, Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú, Dinh Nhà Vương, Chợ tình Khau Vai, sông Nho Quế...; rồi Khu nghỉ dưỡng Panhous, Đèo Gió, Bãi đá cổ, Cổng trời phía Tây gắn liền với danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì... cho đến một thoáng Bắc Quang, Quang Bình yêu thương, Bắc Mê mời gọi, Vị Xuyên quê em và thành phố trẻ Hà Giang đều đã xuất hiệntrên Báo Hà Giang. Mỗi nơi, mỗi chỗ vẻ đẹp, sự thích thú khác nhau, nhưng thông qua từng bài viết tốt, những bức ảnh đẹp, những đoạn clip hay của Báo Hà Giang đã thực sự tạo nên sức lan tỏa, cuốn hút du khách trong nước và Quốc tế đến với tỉnh nhà ngày một đông hơn, nhiều hơn trong những năm gần đây.


Và những tín hiệu tốt lành:

Cả năm 2012 có 380.000 lượt khách du lịch, trong đó có 90.000 lượt khách Quốc tế đến với Hà Giang, tăng 15% so năm 2011. Con số trên thực sự là tín hiệu tốt lành, cho thấy sự đúng đắn trong Nghị quyết của Đảng, khẳng định nỗ lực tuyệt vời của những người làm du lịch tỉnh ta. Đồng thời, cũng là câu trả lời ngắn gọn nhưng chính xác, hiệu quả công tác tuyên truyền của Báo Hà Giang trong lĩnh vực du lịch. Cũng con số này của năm 2009 là 160.000 lượt khách du lịch, trong đó khách Quốc tế 47.500 lượt; như vậy, sau 3 năm đã tăng gần 70%, riêng khách du lịch nước ngoài tăng gần 50%.


Khách đến tham quan, du lịch Hà Giang hiện có nhiều loại hình khác nhau: Đi đoàn đông thực hiện theo các tua của Công ty Du lịch Hà Giang và các Công ty Du lịch trong nước, Quốc tế; đi theo nhóm, tổ, gia đình, cá nhân vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần; phượt tự do của các bạn trẻ học sinh, sinh viên, khách Quốc tế. Khách có thể đăng ký trước theo tua, tuyến, nhưng có rất nhiều người đi phượt tự do, du lịch khám phá, du lịch sinh thái cả đoàn hoặc một vài nhóm lang thang, hăm hở tìm đến các địa chỉ du lịch của Hà Giang mà trước khi đi, họ đã tìm hiểu kỹ lưỡng qua Báo Hà Giang thường ngày và Hà Giang o­nline, qua các tờ rơi hướng dẫn địa chỉ đỏ về du lịch của cực Bắc Hà Giang. Tháng 9 vừa qua, khi tôi đưa mấy người bạn ở Báo Hải Dương, Kinh tế đô thị, Báo Hải Phòng lên Cao nguyên đá, đã gặp khá đông các bạn sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh đang chụp ảnh say sưa trên những cánh đồng hoa tam giác mạch dưới chân Cột cờ Lũng Cú. Hỏi chuyện, các bạn cho biết: - Em tìm hiểu qua Hà Giang o­nline thấy háo hức quá, giờ đến tận nơi, điểm tột cùng cực Bắc, bọn em như bị choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của Cao nguyên đá, tuyệt vời quá anh ạ! Thích lắm, hè sang năm sẽ đi nữa, nhưng chuyển hướng sang miền Tây cơ, để chụp ảnh Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và thăm Đèo Gió, Bãi đá cổ Xín Mần...


Du lịch Hà Giang đang thực sự khởi sắc, ngày nghỉ cuối tuần ở trung tâm thành phố Hà Giang và các huyện phía Bắc, phía Tây thường xuyên đông khách du lịch; các nhà nghỉ kín chỗ, nhiều nơi, khách gọi điện đặt trước cả tuần. Một giải pháp về đánh giá, quy hoạch thực tế để xác định chính xác giữa cung và cầu là việc nên làm ngay, đây là bước tiếp theo quan trọng sau công tác tuyên truyền, quảng bá - có thể khẳng định là đã rất thành công trong thời gian vừa qua mà Báo Hà Giang luôn là người đi tiên phong.


LÊ TRỌNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cao nguyên đá, phía sau những điểm đến quen thuộc
HGĐT- Có nhiều người bạn hỏi tôi, mình có 3 ngày đi từ Hà Nội để lên với Cao nguyên đá (CNĐ), vậy thì đi những điểm nào hay nhất!?. Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời, đó là một câu hỏi quá khó, khó là bởi mình đã lang thang trên CNĐ không biết bao lần rồi, giờ chẳng thể biết điểm nào là hay nhất. Với mình CNĐ đã là một phần trong tâm hồn, nó đã quen thuộc như một miền quê
29/11/2012
Ngành du lịch Việt Nam trên đường về đích
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11-2012 đạt gần 656 nghìn lượt (tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2011), góp phần nâng tổng số khách đến nước ta trong 11 tháng đạt hơn 6 triệu lượt (tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2011).
28/11/2012
BQL Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nỗ lực qua 1 năm hoạt động
HGĐT- Với quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC CNĐĐV), năm 2012, dù còn nhiều khó khăn, nhưng BQL CVĐCTC CNĐĐV đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, từng bước xây dựng, phát triển CNĐĐV đáp ứng đủ tiêu chí của UNESCO về CVĐCTC, đồng thời đưa hình ảnh CNĐĐV đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước...
27/12/2012
Đi Bắc Hà xem ngựa
Là vật nuôi quen thuộc của người dân vùng cao, nhưng trong bối cảnh xe máy ngày càng rẻ, đường sá ngày càng được nâng cấp, nên ngựa ngày càng ít đi trên nhiều vùng sơn cước. Tuy nhiên, ở một số huyện của tỉnh Lào Cai như Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương… những con ngựa dùng để cưỡi hoặc thồ hàng vẫn là hình ảnh rất thường gặp và hấp dẫn đối với du khách.
26/01/2013