Ngành du lịch thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng
Theo dự báo đến năm 2015, ngành du lịch trong nước cần đến khoảng nửa triệu người lao động có tay nghề chuyên môn vững vàng
Để đạt được con số này cũng như đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực là thách thức lớn của ngành. Bởi cho đến nay việc đào tạo sinh viên ngành du lịch ở các trường chưa thật sự hiệu quả. Trong thời gian tới, nếu việc đào tạo không có bước đột phá chắc chắn ngành du lịch sẽ không có được nguồn nhân lực như mong muốn.
Mỗi trường dạy mỗi kiểu
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng (trong đó có 8 trường cao đẳng nghề), 117 trường trung học chuyên ngành (có 12 trường trung cấp nghề).
Nhìn chung, chương trình, giáo trình đào tạo ở các trường đã từng bước được chuẩn hóa, khắc phục phần nào tình trạng dạy “chay,” học “chay.” Tuy nhiên, hầu như mỗi giảng viên, mỗi cơ sở đào tạo chỉ cố gắng vận dụng những gì có sẵn để phục vụ đào tạo, mà chưa có chương trình thống nhất mang tính chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Khắc Chương - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho biết, dưới góc độ giữa các cơ sở đào tạo, vẫn còn sự chênh lệch về chất lượng đào tạo du lịch giữa các trường nghề với các trường không thuộc khối này, giữa các trường công lập, với trường ngoài công lập. Lấy ví dụ, nếu ở các trường trung cấp nghề thiên về thực hành cho sinh viên thì các trường đại học, cao đẳng lại nghiêng về hướng hàn lâm, thiếu trầm trọng việc thực hành.
Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết thêm, tiêu chuẩn bằng cấp giữa hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa cũng rất khác biệt. Nếu muốn trở thành hướng dẫn viên quốc tế, sinh viên phải hội tụ đủ nhiều điều kiện trình độ đại học, bằng anh văn ngành du lịch. Trong khi đó, hướng dẫn viên nội địa chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học và học thêm các khóa đào tạo ngắn hạn ba tháng hay sáu tháng về nghiệp vụ.
Cần thống nhất các tiêu chí về đào tạo nguồn nhân lực
Để có được số lượng sinh viên ra trường có chung mặt bằng đào tạo, đảm bảo đáp ứng được công việc, ngành du lịch nhất thiết phải đưa ra được các tiêu chí chung về đào tạo nguồn du lịch. Đây sẽ là cơ sở cho các trường dựa vào đó để hoàn chỉnh giáo trình giảng dạy, hay nói cách khác, các tiêu chí này sẽ làm kim chỉ nam giúp cho việc đào tạo nhân lực ngành du lịch đi theo con đường đúng đắn nhất.
Theo tiến sĩ Phan Thành Vĩnh, nguyên Hiệu trưởng trường Du lịch và Tiếp thị Quốc tế (Thành phố Hồ Chí Minh), những năm gần đây, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra bộ “Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” (do EU tài trợ) làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch.
So với các tài liệu khác, tài liệu này hướng dẫn được những kỹ năng nghề, kỹ năng đào tạo cần thiết cho một số nghiệp vụ ngành du lịch. Và nhờ áp dụng bộ hướng dẫn này, kết quả đầu ra của sinh viên một số trường đã đáp ứng được nhiều yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Ông Lê Văn Hùng - Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc phụ trách cơ quan đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc giảng dạy cần những tiêu chuẩn xuất phát từ thực tế môi trường du lịch Việt Nam, cũng như nhu cầu của chính ngành du lịch Việt Nam.
Vì thế, sắp tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ đưa ra bộ Tiêu chí kỹ năng nghề Quốc Gia gồm tám lĩnh vực từ dịch vụ nhà hàng, kỹ thuật chế biến món ăn đến các ngành quản trị khác. Bộ tiêu chí này sẽ hiện thực hóa tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đào tạo nghề từ đó góp phần nâng cao năng lực nguồn nhân lực ngành du lịch./.
Ý kiến bạn đọc