Xây dựng Làng Văn hoá du lịch tiêu biểu gắn với NTM:

Cần nhiều chính sách mở thu hút đầu tư hơn

09:25, 24/11/2012

HGĐT- Thời gian qua, cùng với du lịch cả nước, du lịch Hà Giang đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch cộng đồng thông qua việc khai thác lợi thế từ các Làng Văn hoá (LVH) là một trong những thế mạnh, một hướng đi đúng trong phát triển bền vững. Tuy nhiên, để LVH du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) phát huy hiệu quả cần có những giải pháp, chính sách phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế, tầng lớp nhân dân cùng tham gia.


Thực trạng của các LVH du lịch gắn với xây dựng NTM:

Tại Hội nghị triển khai xây dựng LVH tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới do tỉnh tổ chức ở khu du lịch sinh thái PanHou, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) vào đầu năm 2012 đã đưa ra 10 tiêu chí làm cơ sở cho các huyện, thành phố lựa chọn, triển khai xây dựng. Đến nay, 11/11 huyện, thành phố đã xây dựng đề án quy hoạch, bộ tiêu chí về những công việc của gia đình, của thôn, xã, với tổng số hộ trong 11 Làng Văn hoá là 736 hộ, số hộ tham gia làm dịch vụ lưu trú là 64 hộ. Có những LVH đạt 5 tiêu chí trở lên như thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên); thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình). Đa số các huyện, thành phố đã có sự linh hoạt, kết hợp giữa các nguồn vốn từ nhiều chương trình để tập trung đầu tư, tu sửa, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hoá thôn, sân thể thao, hệ thống nước sinh hoạt, bảng thông tin hướng dẫn, nắp đặt Internet; các đội văn nghệ được đầu tư dàn dựng, mỗi đội có từ 7 - 10 thành viên sẵn sàng phục vụ khách du lịch với những tiết mục biểu diễn đặc sắc mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc như thổi kèn, sáo, đánh đàn tính...

 


Khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hoá du lịch thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ).


Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng LVH du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn và đầu tư xây dựng LVH du lịch chưa đồng bộ, còn quá chú trọng vào phát triển về số lượng, chưa chú ý đến chất lượng. Trong tổng số 11 LVH du lịch tiêu biểu có đến 6 LVH dân tộc Tày dẫn đến không có tính đại diện cho 22 dân tộc của Hà Giang; hầu hết các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, thiếu tính hấp dẫn đối với du khách. Việc xây dựng LVH du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, chưa có sự nghiên cứu và xác định được thị trường khách. Một yếu tố khác dẫn đến hiệu quả hoạt động của các LVH du lịch tiêu biểu chưa phát huy được hiệu quả hoạt động là do thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty lữ hành; đội ngũ tham gia hoạt động du lịch tại các Làng du lịch còn thiếu và yếu, nhiều người chưa được đào tạo cơ bản về kỹ năng du lịch; công tác xã hội hoá, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân về phát triển du lịch còn hạn chế.

 

Giải pháp cho phát triển LVH du lịch với xây dựng NTM:

Trong cuộc Hội thảo bàn về chính sách phát triển LVH lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM do tỉnh tổ chức vào tháng 10.2012 vừa qua, nhiều đại biểu đã có ý kiến đóng góp để nâng cao hiệu quả hoạt động của LVH du lịch:Tiến sỹ Mai Thanh Sơn, Trưởng phòng Dân tộc học - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng: Xây dựng LVH du lịch gắn với xây dựng NTM cần sự ủng hộ, tham gia trực tiếp của người dân; có cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp thu hút các doanh nghiệp, công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác các sản phẩm văn hoá, du lịch; gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người dân. Trong quy hoạch tổng thể cần quy hoạch chi tiết hơn, rõ ràng hơn các công trình, điểm nhấn văn hoá; việc quản lý hoạt động, xây dựng, phát triển LVH phải phù hợp với đặc thù của từng làng, đảm bảo không phá vỡ cảnh quan.

 

Cùng chung quan điểm trên, ông Cao Quốc Trung, Phó Giám đốc Công ty Tour Hà Nội nói: Chúng ta nên có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị làm tour, đơn vị cung ứng dịch vụ, cơ quan hữu quan và địa phương; có quy chế phân chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và người dân làm du lịch. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước đối với người dân, cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, công ty lữ hành đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm mang đậm bản sắc Hà Giang; đơn giản hoá các thủ tục hành chính đối với khách nước ngoài đến thăm quan, du lịch tại khu vực biên giới.

 

Chị Vũ Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thiên Hà (Hà Nội) đề nghị: Các LVH du lịch của Hà Giang cần chú trọng khôi phục, duy trì hoạt động đối với những làng nghề truyền thống là may mặc, dệt thổ cẩm, nấu rượu men lá, tắm lá thuốc, đặc biệt là khôi phục các lễ hội đặc trưng như cấp sắc của người Dao; nhảy lửa của người Pà Thẻn; cầu mưa của người Mông; Lồng Tồng của người Tày. Làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách đến thăm quan; người dân tại các LVH du lịch cần ý thức hơn trong sử dụng trang phục truyền thống theo đúng phong tục, tập quán của mình, tránh bị đồng hoá.


Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, nhấn mạnh: Hiện nay, Hà Giang có nhiều LVH du lịch được đầu tư xây dựng, tuy nhiên số Làng phát huy được lợi thế, tiềm năng còn rất khiêm tốn, cá biệt có LVH cả năm không có khách đến tham quan. Thay vì phát triển theo số lượng, tỉnh cần quan tâm, tập trung đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải, có như vậy mới nâng cao được chất lượng hoạt động của LVH du lịch.

 

Anh Đặng Quốc Sử, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang, đề xuất: Trên cơ sở những sản phẩm du lịch đang có, để tránh trùng lặp, tỉnh cần chọn, định hướng quy hoạch phát triển đối với những sản phẩm mang tính đặc trưng có sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành; cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ tạo thành các tour, tuyến du lịch hoàn chỉnh; tiếp tục đào tạo, đào tạo lại đội ngũ hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc bản địa để giới thiệu về bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của đồng bào.

 

Xác định rõ những tiềm năng, hạn chế tồn tại, từ đó có giải pháp triển khai đồng bộ, phù hợp với thực tế của mỗi địa phương. Hy vọng, trong thời gian tới, việc xây dựng LVH du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ta sẽ có những bước tiếnmới, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn.


HOÀNG NGỌC

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII
Tối qua (27-9), tại Sân khấu nổi Hồ Công viên Tân Quang (TP Tuyên Quang), đã khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VIII, gắn với Tuần Văn hoá - Du lịch Tuyên Quang năm 2012 do tỉnh Tuyên Quang đăng cai tổ chức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh
28/09/2012
Độc đáo lễ hội cầu Trăng của dân tộc Tày Hà Giang
Đến với Hà Giang trong những ngày Rằm tháng Tám âm lịch, du khách sẽ có dịp chứng kiến lễ hội cầu Trăng hết sức độc đáo của đồng bào Tày ở thôn Bản Loan, xã Yên Định (huyện Bắc Mê).
27/09/2012
Hồn của đá
HGĐT- “Đồng Văn có đêm sương, ngày nắngĐá ở đây thay đất nuôi ngườiNgười với đá tình sâu nghĩa nặngĐá thương người chung thủy bên nhau…”
24/09/2012
Châu Đốc - nét đẹp tiềm ẩn ven sông
Thị xã Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang gần biên giới Campuchia là nơi pha trộn nhiều nền văn hóa đa dạng với những hoạt động ngoài trời đặc sắc.
22/10/2012