Cao nguyên đá, phía sau những điểm đến quen thuộc
HGĐT- Có nhiều người bạn hỏi tôi, mình có 3 ngày đi từ Hà Nội để lên với Cao nguyên đá (CNĐ), vậy thì đi những điểm nào hay nhất!?. Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời, đó là một câu hỏi quá khó, khó là bởi mình đã lang thang trên CNĐ không biết bao lần rồi, giờ chẳng thể biết điểm nào là hay nhất. Với mình CNĐ đã là một phần trong tâm hồn, nó đã quen thuộc như một miền quê hương. Vì thế, để nói chỗ nào đẹp nhất, hay nhất thì thật khó...!
Cuộc sống nhọc nhằn vươn lên từ miền đá.
Quả thực, bấy lâu nay nhiều người lên với CNĐ, những điểm thường tới là Núi Đôi, thị trấn Mèo Vạc, hẻm vực Nho Quế - Mã Pì Lèng, thị trấn Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương. Bởi vậy, những điểm đến ấy đã quá quen thuộc. Tất cả chỉ bởi CNĐ biên cương quá xa xôi, đường xá đi lại quá khó khăn, sự phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, nhận thức cộng đồng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu khám phá của du khách với CNĐ. Vì thế, phía sau những điểm đến quen thuộc, CNĐ còn quá nhiều sự ngạc nhiên đón đợi du khách.
“Sống trên đá, chết nằm trong đá”, câu nói ấy là một báo cáo chân thực nhất về cuộc sống khác biệt của người dân CNĐ so với đồng bảo cả nước. Nếu người dân miền xuôi sở hữu tấm bìa đỏ ruộng, đất ở thì với người dân CNĐ, bìa đỏ đất đai, ruộng nương gần như là “bìa đỏ đá”. Khó khăn là vậy, nhưng bao đời đồng bào nơi đây vẫn bám trụ kiên cường. Họ sinh ra trên đá, lớn lên từ đá, chống chọi với sự lạnh lùng, khô khan của đá, sự nguy hiểm từ đá... và cuối cùng là sự trở về với đá.
Phía sau những điểm đến quen thuộc của CNĐ, nổi tiếng là các làng bản còn giữ nguyên nhiều sắc thái truyền thống. Ở nơi ấy là cả một không gian chẳng giống với bất kỳ vùng đất nào. Đó là sự ngạc nhiên bất chợt từ một bản Mông lặng lẽ bên sườn núi đá thở dốc, hay phía dưới một vạt tam giác mạch tím trắng. Nơi ấy, nhịp sống cứ thong thả, thong thả, túc tắc như một người đàn ông có tuổi đi đường dài. Cứ lặng lẽ quan sát sẽ thấy con người nơi đây trước khó khăn đã trở nên kiên trì hơn, chịu đựng và dẻo dai hơn. Đó là sự thích nghi của người CNĐ với chính một loại vật chất có nhiều nhất tại đây.
Lên CNĐ ở những điểm đến đã quá quen thuộc, chỉ biết một mầu sắc nổi bật nơi đây là đá xám, hoặc có thể bắt gặp sắc mầu chợ phiên lập lòe áo váy. Nhưng phía sau đó, còn rất nhiều mầu sắc rất khó có thể vẽ vào tranh hay chụp vào ảnh. Vẻ đẹp của CNĐ không phải là điều gì đó điệu đà, cao sang mà từ chính sự bình dị trong cuộc sống nơi đây. Đó là mầu sắc, là âm thanh, là hương vị, là văn hóa đa dạng của các dân tộc nơi đây..., tất cả đều gắn với đá. Những mầu sắc riêng lạ chỉ hiện lên trong không gian bằng cảm nhận của những người yêu CNĐ. Những màu sắc đẹp nhất thường hiện lên tại những xóm bản bình dị của CNĐ, nơi vẫn còn ít người đến thăm. Nếu lên với CNĐ vào đầu đông, ánh nắng chiều vẫn còn vấn vương trên những mái nhà, những bờ rào đá, cây cỏ vẫn đang xanh rì trên các triền đá và đón những ngọn gió lang thang như để tận hưởng hết giá trị của cuộc sống trước mùa đông cực lạnh nơi đây. Trầm lặng trong không gian ấy, những ngôi nhà ngói máng rêu phong truyền thống phía sau chiếc cổng gỗ mộc mạc, liêu siêu còn sót lại những quả bí chưa thu hoạch.
Theo cảm nhận của riêng tôi, CNĐ đẹp nhất chính vào thời điểm xứ sở này khắc nghiệt nhất, đó là mùa đông và đầu xuân. Đây là thời điểm mà giá lạnh bao trùm, sương mây ôm ấp CNĐ, khiến cho CNĐ huyền ảo, hẻm vực Mã Pì Lèng cũng trở nên hun hút, rợn người hơn. Trong sương mây, sau phiên chợ, thấp thoáng bóng sơn nữ thoắt ẩn, thoát hiện rồi chỉ để lại tiếng bước chân nhịp nhàng hòa vào rừng đá. CNĐ mùa khói sương và giá rét, chút rượu ngô mằn mặn dễ uống hơn và tạo nên cảm xúc mạnh mẽ khó tả trong máu và trong tim... Mùa khắc nghiệt nhất ở CNĐ chính là mùa ta hay bắt gặp nhiều đôi trai gái địa phương cứ tủm tỉm chọc ghẹo, bén duyên nhau để rồi mùa xuân đến là mùa của tiệc rượu hạnh phúc. Nếu lên và trải nghiệm với CNĐ, biết đâu bạn cũng sẽ tìm được những cảm xúc ấm áp, mãnh liệt từ vùng đất khô hạn này.
Trong cái không gian trầm tĩnh của CNĐ, có một thứ “đặc sản” giành cho những người thích phiêu du, đó chính là sự cô liêu biên ải và.. nỗi buồn. Hơn ai hết, các thầy cô giáo dưới xuôi lên CNĐ là những người hiểu rõ nhất. Hãy thử lên một điểm trường trong mây, nơi chỉ có 1 – 2 cô giáo bám bản, giữ học sinh, nơi mà nước thiếu, điện thiếu, rau xanh trở thành thứ xa xỉ. Vì thế, một nhà văn từng viết về nỗi buồn mang tên “Ngải đắng mùa đông” ở CNĐ, ở đó có những nỗi buồn có thể “cắn” vào tận lòng người với rất nhiều cảm xúc, suy tưởng. Có người nói, sống với đá, con người cũng buồn và ưu tư theo đá là vậy. Nhưng sau nỗi buồn, sẽ là sự bứt phá của cảm xúc và tình yêu bên một bờ rào đá nào đó...
Trên CNĐ, có một thứ bạn phải cảm nhận bằng thính giác, đó là âm thanh từ cuộc sống bình dị nơi đây. Vô tình lọt qua một nương ngô xanh rờn che lấp đá xám giữa mùa xuân, bất chợt cất lên tiếng hát trong trẻo của những thiếu nữ Mông đang vun ngô, nhưng khi ta chợt nhìn về phía nương ngô ấy, tiếng hát lại tắt vụt như chọc ghẹo khách lạ, cứ như vậy lặp lại lần thứ 2, mới biết mình đang được tán tỉnh. Chiều tà hay buổi sớm tinh sương, đặc biệt là trong đêm tĩnh lặng, âm thanh của những chiếc chuông treo ở cổ bò, dê phát ra từ các gia đình luôn là một thứ âm thanh gợi lên nhiều điều suy tưởng. Đó giường như là nhịp đập của cuộc sống, bởi càng có nhiều tiếng chuông kêu như vậy, nhịp sống càng khỏe, đá càng sinh sôi nhiều dê, bò, ngô, đậu... Cuộc sống không có nhiều lời nói như ở phố xá, thế nên những âm thanh phát ra từ cuộc sống như tiếng cuốc làm nương va phải đá, tiếng cuộn xe lanh, tiếng cối xay ngô chuẩn bị cho bữa tối... càng rõ hơn. Đó chính là vẻ đẹp, sức mạnh của cuộc sống trên CNĐ tự bao đời nay.
Ý kiến bạn đọc