Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và những giá trị danh thắng

07:19, 18/08/2012

HGĐT- Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trong mây đẹp như tranh vẽ không biết đã tốn bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu thước phim của những nhà báo, những người sáng tạo văn học, nghệ thuật...



Hàng trăm năm cần mẫn “tạo hình”để có được những thửa ruộng bậc thang uốn mình theo dáng núi. (Ảnh chụp tại xã Bản Phùng).

Nhưng phải mất hàng trăm năm cần mẫn “tạo hình”, đồng bào các dân tộc huyện Hoàng Su Phì mới tạo ra được những “công trình lao động sáng tạo vĩ đại” mang nhiều tầng giá trị đến thế và họ xứng đáng được vinh danh là những “nghệ sỹ” khi Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được xếp hạng di tích Quốc gia.


Nhọc nhằn “bài ca vỡ đất”:

Hoàng Su Phì là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và thấp dần theo hướng dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc tạo nên 3 dạng địa hình đặc trưng là đồi núi cao, đồi núi thấp và thung lũng hẹp, đặc điểm tự nhiên này là điều kiện để đồng bào các dân tộc nơi đây sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang hoàn hảo trong suốt quá trình của cuộc mưu sinh no ấm. Hoàng Su Phì có 17 dân tộc cùng nhau sinh sống, trong đó ruộng bậc thang gắn bó đậm nét với đời sống và văn hóa của người Dao, Nùng, La Chí... Chưa có tài liệu nào chứng minh cụ thể về nguồn gốc, sự ra đời của những thửa ruộng bậc thang nơi đây, nhưng nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ruộng bậc thang là loại hình canh tác phổ biến đã xuất hiện hàng trăm năm nay cùng với sự tồn tại và phát triển của nhiều dân tộc ở miền núi phía Bắc trong đó có Hoàng Su Phì. Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang hoàn hảo như ngày nay, cộng đồng cư dân nơi đây đã phải trải qua quá trình lao động mệt nhọc, cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng từ việc lựa chọn vùng đất, khai phá, đắp bờ, dẫn nước đến việc canh tác. Đối với người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, cứ mỗi khoảng ruộng họ lại trừ ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh ruộng để giữ đất khỏi sạt, lở; còn người La Chí ở xã Bản Phùng lại giữ lại lớp đất trên bề mặt, sau khi khai ruộng xong thì trải lớp đất đó lên và canh tác ngay. Việc đắp bờ ruộng cũng đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm thiết kế cả hệ thống các thửa ruộng bậc thang, tùy vào thế đất, địa hình mà tạo nên những khoảnh ruộng rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau. Ở những thửa ruộng độ dốc cao và nước khe chảy thì việc làm bờ trở nên vất vả hơn, người dân phải lấy đá kè chặt từ ruộng dưới lên đến mặt ruộng trên tại những đoạn bờ hay bị xói lở để bảo vệ ruộng và tránh bị rửa trôi chất màu. Trước khi những thửa ruộng vào mùa cấy thì việc đắp bờ, làm đất đều được thực hiện nhiều lần, công phu và tỷ mỉ. Có những thửa ruộng đồ sộ với hàng trăm bậc cao ngút tầm mắt, lại có những quả đồi được tạo vuông vắn như những tòa tháp bậc thang. Trong quá trình canh tác, hàng năm người dân đều phải tu sửa, chỉnh trang lại bờ ruộng và tất cả các quá trình trên đều được thực hiện bằng những nông cụ rất thô sơ như cuốc bướm, xà beng, dao, cày, bừa... Như vậy, để có được những thửa ruộng bậc thang trở thành danh thắng quốc gia như ngày hôm nay, đồng bào các dân tộc huyện Hoàng Su Phì đã trải qua một quá trình hình thành, phát triển lâu đời gắn với hoạt động lao động sản xuất mệt nhọc, công phu, tỷ mỷ. Phải tận mắt ngắm nhìn sự kỳ vĩ của những thửa ruộng bậc thang bên các sườn núi, chúng ta mới cảm nhận hết được sự cần cù, chịu khó và sáng tạo của người dân nơi mảnh đất địa đầu của Tổ quốc trong quá trình lao động sản xuất.


Những “tầng sâu” giá trị của danh thắng:

Ruộng bậc thang hình thành trong quá trình lao động của người dân, là phương thức sản xuất phổ biến và thường xuyên nhất nên hàng trăm năm nay, ruộng bậc thang đã mang lại cho người dân Hoàng Su Phì những mùa vàng no ấm, và đối với người dân nơi đây, ruộng bậc thang đã mang lại giá trị vật chất vô cùng to lớn. Trong đời sống xã hội của đồng bào, ruộng bậc thang còn được xem là thứ tài sản rất quý giá, được truyền từ đời này sang đời khác và trở thành tiêu chí trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái khi người ta chọn những gia đình có nhiều ruộng bậc thang. Bên cạnh đó, những thửa ruộng bậc thang lại mang sắc thái, phong tuc, tập quán canh tác, sinh sống riêng của từng dân tộc. Nếu người La Chí tận dụng hết những khu đất xung quanh nhà để làm ruộng theo lối sống tập trungthì người Dao và người Nùng lại chọn vùng đất gần nguồn nước để làm ruộng nên ruộng của họ thường ở xa nhà. Ruộng của người Dao thường được bao quanh bởi những rừng vầu giữ đất, giữ nước xen kẽ với các thác nước tạo nên vẻ đẹp nên thơ và kỳ vĩ. Mùa khai phá ruộng của người Dao ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ thường bắt đầu ngay sau khi ăn tết xong nhưng người La Chí ở Bản Phùng lại khai ruộng vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch. Đối với tín ngưỡng nông nghiệp, mỗi dân tộc lại có cách tín ngưỡng, nghi lễ cúng bái, cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới khác nhau chứa đựng trong nó là chiều sâu văn hóa từng tộc người, vì vậy văn hóa canh tác trên ruộng bậc thang đã trở thành một phần không thể thiếu đối với những ai muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì.


Với lịch sử hàng trăm năm của các tộc người, nhiều công trình nghiên cứu về sự ra đời, phát triển của các dân tộc nơi đây đều nhắc đến sự hiện diện của ruộng bậc thang. Về thăm Bản Phùng, địa bàn cư trú lâu đời của đông đảo người dân La Chí, chúng ta bắt gặp toàn bộ diện tích đất trồng lúa đều là ruộng bậc thang, ruộng có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng trăm mét. Người La Chí đã biến mọi loại địa hình đồi núi thành ruộng bậc thang và những cánh đồng bậc thang nơi đây được du khách đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang đẹp nhất Việt Nam . Ruộng bậc thang là loại hình canh tác mang đặc trưng riêng của cư dân khu vực Đông Nam Á, việc khai phá ruộng bậc thang là một công việc lâu dài, có tính truyền đời vì vậy sự tồn tại của ruộng bậc thang là minh chứng rõ ràng nhất cho sự định cư lâu đời của đồng bào các dân tộc trên vùng đất này.


Bên cạnh những giá trị về vật chất, lịch sử, văn hóa thì ruộng bậc thang Hoàng Su Phì còn mang giá trị thẩm mỹ cao và giàu tính nghệ thuật. Chính sự mênh mông, uốn lượn theo dáng núi, ẩn hiện trong màn sương của những thửa ruộng bậc thang đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên khổng lồ bên sườn núi với vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ cho núi đồi nơi vùng đất phía Bắc của Tổ quốc. Việc danh lam thắng canh ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, kết hợp với việc xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, bảo tồn những phong tục tập quán, những lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc... sẽ hứa hẹn mang lại triển vọng cho phát triển du lịch địa phương, góp phần giúp người tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống. Sự ra đời của phương thức canh tác ruộng bậc thang là sự cống hiến to lớn của cư dân địa phương đối với sự phát triển kinh tế của vùng đất này. Cách đây và trăm năm cho đến ngày nay, người nông dân bình dị vẫn chỉ có những nông cụ canh tác thô sơ nhưng họ đã tạo nên một “công trình kiến trúc vĩ đại”, để mỗi chúng ta hôm nay, được ngắm nhìn, chiêm ngưỡng tác phẩm ấy ở những cung bậc cảm xúc khác nhau.


Ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang phản ánh rõ nét văn hóa, phong tục, tập quán cư trú và sinh sống của đồng bào các dân tộc Hoàng Su Phì, nhưng đây là một danh thắng “đặc biệt” do người dân sáng tạo trong quá trình lao động hàng trăm năm nay và đang tiếp tục khai thác nó vì vậy gắn liền với các hoạt động lao động sản xuất của người dân. Huyện sẽ có nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ di tích, kết hợp với việc quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch....


Về Hoàng Su Phì nhiều lần và mỗi lần đi qua lòng du khách lại thêm một lần cảm nhận riêng bởi mỗi dáng núi, dáng sông nơi đây đã góp phần tạo nên một bức họa đồng quê tuyệt đẹp giữa núi rừng với đầy đủ các nét vẽ chấm phá. Danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ tuyệt đẹp khi mùa lúa chín mà hình ảnh những thửa ruộng vào vụ cấy loang loáng nước hay người nông dân mệt mài với đường cày... cũng đủ làm say lòng du khách.


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tam Đảo trong biển mây
Tam Đảo, nơi có nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 21ºC, khí hậu mát mẻ, cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp, khách một lần đến không muốn về.
31/07/2012
Lễ phát động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp
HGĐT- Sáng 25.7, tại thôn Hạ Thành (xã Phương Độ), Thành phố Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT-DL, Tạp chí Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ phát động chiến dịch xanh, sạch, đẹp tại các điểm du lịch và khóa tập huấn về vai trò của nữ giới trong phát triển du lịch cộng đồng.
26/07/2012
Khám phá các món muối chua từ Bắc vào Nam
Muối chua được coi là một phát minh ẩm thực đặc sắc của dân tộc Việt, từ Bắc chí Nam.
24/07/2012
Tò mò với những 'chốn' thiên nhiên nhất Việt Nam
Vườn Quốc gia Phú Quốc, Bạch Mã, Tam Đảo... là những những 'chốn' thiên nhiên tiếp theo ở Việt Nam, mà Đất Việt giới thiệu.
23/07/2012