Cao nguyên đá Đồng Văn có nhiều giá trị hấp dẫn cần được nghiên cứu, khai thác phục vụ cho sự phát triển du lịch

07:17, 18/08/2012

HGĐT- Mấy chục năm trước, khi cố nhà văn Nguyễn Tuân ngao du qua miền Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) đã phải thốt lên trước đỉnh Mã Pì Lèng rằng, đây là “đại hùng quan”. Vài chục năm sau, CNĐĐV đã trở thành di sản của nhân loại với rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể đã được đông đảo du khách biết đến. Nhưng, có những điều hấp dẫn khác ít người biết tới, đó là hệ thống hang động, một “đặc sản” của vùng đá và hệ thống những chứng tích đồn bốt của thực dân Pháp để lại vắt qua 2 thế kỷ dãi dầu mưa nắng.



Hang Khố Mỷ (Quản Bạ), nơi hội tụ cả những cảnh quan, tạo tác đẹp của tự nhiên lẫn những giá trị khảo cổ cần tiếp tục được nghiên cứu.


Với diện phân bố đá vôi chiếm 50% diện tích, CNĐĐV ẩn chứa trong mình rất nhiều hang, động. Một trong những hang nổi tiếng nhất, được giới thiệu nhiều trên bản đồ du lịch là hang Khố Mỷ ở huyện Quản Bạ. Đây là hang không chỉ có những giá trị cảnh quan độc đáo mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn về khảo cổ học chưa được lí giải. Trước tiềm năng về hang động và để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, nhiều năm qua, việc tìm kiếm các hang động gắn với hành trình tìm nước sinh hoạt đã được các nhà khoa học triển khai trên vùng CNĐĐV. Từ năm 2003 tới nay, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp với các Nhà Hang động của một số nước châuÂu và tỉnh ta tiến hành nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu về hang động ở địa bàn CNĐĐV. Những nỗ lực đó đã đưa đến kết quả sơ bộ hết sức thú vị. Ngoài những hang đã được người dân biết đến trên CNĐĐV, các nhà khoa học đã thống kê, phát hiện và xác định được ở Đồng Văn có 20 hang, ở Mèo Vạc 37 hang và 5 hang ở Yên Minh... Đồng thời, tiến hành khảo sát được hàng ngìn mét hang động.


Kết quả thu được qua các đợt khảo sát hang động mở ra tiềm năng cho một hoạt động du lịch mới, du lịch mạo hiểm ở CNĐĐV. Khi tìm hiểu sâu về nhiều hang đá, ngoài những kiệt tác của tự nhiên với các hệ thống hang vòm, nhũ đá..., các hang còn gắn với nhiều điển tích, những dấu ấn văn hóa, lịch sử sinh sống bao đời của bà con các dân tộc trên CNĐĐV. Đối với các nhà khoa học, việc phân tích các thông tin khoa học về hang động cũng mang đến rất nhiều thông tin hữu ích về địa chất, giúp cho việc tìm kiếm nguồn nước trên vùng CNĐĐV, phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân...


Cùng với hệ thống hang động dày đặc do thiên nhiên tạo tác, đầy tiềm năng và ẩn chứa nhiều điều thú vị thì tại 4 huyện CNĐĐV còn đang ẩn chứa những giá trị kiến trúc của một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Đó là những chứng tích kiến trúc quân sự do quá trình xâm lược của thực dân Pháp xây dựng và để lại trên mảnh đất này. Quả thực, khi nhìn thấy sự gian khó trên vùng CNĐĐV, ít ai có thể nghĩ được rằng, cách đây 70 – 80 năm, ở vùng CNĐĐV, thực dân Pháp lại xây dựng nên hệ thống phòng thủ khá kiên cố và nhiều đến vậy. Theo thống kê của ngành VHTT&DL và Ban quản lí Công viên địa chất toàn cầu CNĐĐV, qua các lần khảo sát của các ngành, có ít nhất 8 công trình đồn bốt của thực dân Pháp để lại trên vùng CNĐĐV. Dù ít nhiều bị tác động của thời gian và con người, nhưng vẫn còn đó nguyên vẹn kiến trúc, hình hài các đồn bốt sau hàng chục năm phơi mình cùng mưa gió. Có thể kể đến những công trình như Đồn Cao ở thị trấn Đồng Văn, đồn ở Khâu Vai, Mèo Vạc... Các công trình thể hiện rõ kiến trúc phục vụ cho mục đích quân sự khi có những tường thành cao, những lô cốt với lỗ châu mai. Đồng thời, các công trình kiến trúc phòng thủ án ngữ ở những vị trí khá quan trọng. Ngay tại điểm đầu của Tổ quốc là Lũng Cú cũng có một công trình vẫn còn hiện diện qua quy luật của thời gian khắc nghiệt.


Có dịp qua xã Lũng Hồ (Yên Minh) trong một buổi chiều tà bảng lảng khói sương, chúng tôi bắt gặp một cụm đồn bốt mà thực dân Pháp đã để lại trong những lùm cỏ lau ở thôn Làng Quá. Điểm phòng thủ này nằm ở vị trí án ngữ khá quan trọng. Công trình gồm những lô cốt, tường thành còn tương đối nguyên vẹn. Đây là một công trình khá kiên cố, có độ cao trung bình của tường thành khoảng 3m, tường thành dầy trung bình 50cm, có nhiều lỗ châu mai để quan sát hướng trước mặt. Hiện chưa có thông tin chính xác về thời điểm xây dựng công trình, nhưng theo đánh giá, công trình được xây dựng khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ trước với nhiều tính toán quân sự của thực dân Pháp...


Từ những giá trị hấp dẫn và ít được biết đến như trên đặt ra đòi hỏi cần khai thác các giá trị đó cho việc phát triển du lịch, nghiên cứu lịch sử... Đây cũng là điều trăn trở mà ngành VHTT&DL, Ban quản lí Công viên địa chất toàn cầu của tỉnh đã đưa ra trong thời gian qua nhằm hướng tới mục tiêu khai thác và phát huy một cách bền vững giá trị của Công viên địa chất CNĐĐV. Nhìn ra các địa phương, có thể nhận thấy nhiều nơi đã biết khai thác các dấu ấn lịch sử để lại như Sơn La với nhà tù Sơn La, Hà Nội với Hỏa Lò, hay địa danh nhà tù Côn Đảo đã quá nổi tiếng với khách du lịch. Đến Đà Lạt hay ở ngay Hà Nội, những biệt thự Pháp để lại qua hàng chục năm, được cải tạo lại để sử dụng luôn là một trong những nguồn cảm hứng vô tận cho ngành du lịch. Từ đó, chúng ta cần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị còn lại của lịch sử trên vùng CNĐĐV để làm phục vụ cho sự phát triển du lịch. Khâu kết các tiềm năng du lịch vốn có của CNĐĐV với những giá trị mới như hang động, với hệ thống kiến trúc đồn bốt Pháp còn lại nhằm tạo nên sự hấp dẫn hơn cho du lịch CNĐĐV.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tam Đảo trong biển mây
Tam Đảo, nơi có nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 21ºC, khí hậu mát mẻ, cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp, khách một lần đến không muốn về.
31/07/2012
Lễ phát động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp
HGĐT- Sáng 25.7, tại thôn Hạ Thành (xã Phương Độ), Thành phố Hà Giang phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT-DL, Tạp chí Du lịch Việt Nam tổ chức Lễ phát động chiến dịch xanh, sạch, đẹp tại các điểm du lịch và khóa tập huấn về vai trò của nữ giới trong phát triển du lịch cộng đồng.
26/07/2012
Khám phá các món muối chua từ Bắc vào Nam
Muối chua được coi là một phát minh ẩm thực đặc sắc của dân tộc Việt, từ Bắc chí Nam.
24/07/2012
Tò mò với những 'chốn' thiên nhiên nhất Việt Nam
Vườn Quốc gia Phú Quốc, Bạch Mã, Tam Đảo... là những những 'chốn' thiên nhiên tiếp theo ở Việt Nam, mà Đất Việt giới thiệu.
23/07/2012