Tò mò với những 'chốn' thiên nhiên nhất Việt Nam

09:48, 23/07/2012

Vườn Quốc gia Phú Quốc, Bạch Mã, Tam Đảo... là những những 'chốn' thiên nhiên tiếp theo ở Việt Nam, mà Đất Việt giới thiệu.


Vườn Quốc gia Phú Quốc

Vườn Quốc gia Phú Quốc nằm về phía đông bắc đảo Phú Quốc, thuộc địa phận các xã: Bãi Thơm, Cửa Dương và Hàm Ninh của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong những Vườn Quốc gia của Nam Bộ vẫn còn giữ được nguyên vẹn khu rừng già nguyên sinh. Nơi đây còn hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối, thác và núi đồi.

Nói đến đảo Phú Quốc, là du khách nghĩ ngay đến một hòn đảo nằm ở phía tây bắc của tỉnh Kiên Giang với một quần thể các thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó có Vườn Quốc gia Phú Quốc - một địa chỉ hấp dẫn mà du khách không thể không ghé thăm mỗi dịp ra đảo.

Với tổng diện tích trên 31.422ha, Vườn Quốc gia Phú Quốc được chia thành 3 phân khu chức năng, đó là: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (8.786 ha), phân khu phục hồi sinh thái (22.603 ha) và phân khu hành chính - dịch vụ - nghiên cứu khoa học (33ha).

Với hệ thực vật khá phong phú, Vườn Quốc gia Phú Quốc chủ yếu là rừng thường xanh mọc trên địa hình đồi núi thấp với tổng số lượng lên tới vài trăm loài, bao gồm: các loài cây đại mộc (tràm, đậu, vên vên, dầu song nàng, dầu cát, cầy, dẻ, săng sót, da, bứa,…), các loài phong lan quý (Lan Vân Hài, Ái Lan Lá Đẹp, Âm Lan Núi…), các loài dược thảo quý (hà thủ ô, bí kỳ nam, cam thảo, nhân trần, đỗ trọng, sa nhân…) và một số loài sống ký sinh khác (phong lan, dương xỉ, dây leo bông trắng…).

Bên cạnh đó, hệ động vật ở đây cũng rất đa dạng bao gồm: 30 loài thú, trong đó 5 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam như: sói rừng, khỉ bạch, vượn pillê…; 200 loài chim với 4 loài được ghi vào danh mục Đỏ của tổ chức IUCN và 3 loài ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 50 loài bò sát, trong đó 9 loài được ghi vào danh mục IUCN và 18 loài ghi vào sách Đỏ trong nước…

Phần biển của Phú Quốc cũng rất đa dạng với các rạn san hô có hình dáng, kích cỡ khác nhau lung linh, lấp lánh trong nước biển. Nơi đây có gần 100 loài san hô cứng, gần 20 loài san hô mềm và 62 loài rong biển. Thêm vào đó, khu hệ cá trong các rạn san hô biển cũng rất dồi dào với các loài cá mú, cá bướm và một số loài khác, trong đó, có một số loài rất quan trọng và quí hiếm như: trai tai tượng, ốc đun cái, đồi mồi, bò biển (dugong)…

Đến với Vườn Quốc gia Phú Quốc, du khách đã đến với môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn, có dịp được tham gia tour du lịch trong vòng 4 tiếng đồng hồ để chinh phục và khám phá đỉnh Núi Chúa ở độ cao 565m - được coi là nóc nhà của Phú Quốc, trên dãy núi Hàm Ninh; hay trải nghiệm cảm giác khi thưởng cảnh ở những dòng suối nổi tiếng bắt nguồn từ dãy Hàm Ninh như: suối Tranh, suối Đá Bàn và suối Đá Ngọn… Trong đó, ấn tượng và hấp dẫn du khách nhất có lẽ là khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp nơi có dòng suối Đá Ngọn với ngọn thác cao 7 tầng chảy suốt ngày đêm không mỏi. Chưa kể, du khách còn đắm mình dưới làn nước biển trong xanh tại các bãi biển đẹp và hoang sơ như: bãi Dương, bãi Thơm, hay ngả lưng trên những tảng đá bằng phẳng để lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo gọi bầy và tận hưởng hương thơm thoang thoảng của loài lan rừng ven suối…,  và thưởng thức các đặc sản cực ngon nơi đây.

Vườn Quốc gia Bạch Mã

Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa phận 2 huyện, huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách TP. Huế 60 km về phía nam. Vườn có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành; được thành lập ngày 15/7/1991 với tổng diện tích tự nhiên 22.031ha. Khí hậu ở đây gần giống Ðà Lạt, Sa Pa, Tam Ðảo, nhưng do Bạch Mã ở gần biển, nên nhiệt độ mùa đông không bao giờ xuống dưới 4ºC và nhiệt độ cao nhất vào mùa hè ít khi vượt quá 26ºC; nên được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là một trong những vùng khí hậu dễ chịu nhất của những nơi nghỉ trên vùng núi Đông Dương.

Vườn Quốc gia Bạch Mã còn giữ được hầu như nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh bát ngát. Trong tổng số 22.031ha diện tích tự nhiên, có tới 16.900ha rừng che phủ. Rừng có các loại gỗ quý như trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng..., nhiều cây đường kính 80 - 100cm. Hệ thực vật phong phú và đa dạng, có tới 1.406 loài. Bạch Mã còn có trên 300 loài cây thuốc nam: cây ba gạc chữa huyết áp cao, cây bình vôi chữa bệnh an thần, lá khôi đặc trị dạ dày, loài cây 7 lá 1 hoa chữa bệnh rắn cắn và chấn thương..

Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài bao gồm: 83 loài thú, 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Có những loại thú hiếm còn tồn tại như gấu, báo, hổ, sao la... Ðặc biệt Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao (cả đuôi dài tới 2m, cao tới 4.050cm) và gà lôi lam mào trắng.

Vườn Quốc gia Bạch  Mã có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu rất trong lành. Đây là tài nguyên du lịch sinh thái quí nhất của khu vực Bạch Mã. Đến với Vườn Quốc gia Bạch Mã, du khách sẽ có dịp khám phá nhiều đường mòn thiên nhiên kỳ ảo như: đường mòn Trĩ Sao, đường mòn thác Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Hải Vọng Đài. Du khách cũng có thể thấy những tòa nhà đổ nát được xây dựng bằng đá Granit với kiến trúc Pháp cổ nằm rải rác trên đỉnh núi và các triền núi xung quanh. Đó là dấu tích của khu biệt thự và khách sạn do kỹ sư người Pháp M. Girard phụ trách xây dựng năm 1932 với ý định biến nơi đây thành khu nghỉ mát trong cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và xinh đẹp. Tại đây đã phục hồi được hai biệt thự cổ thời Pháp ở khu trung tâm đỉnh Bạch Mã để làm trạm nghiên cứu bảo vệ và là nơi đón tiếp, lưu trú của khách. Hệ thống dịch vụ, vận chuyển tại vườn có thể đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ và tham quan của du khách.

Ngoài ra, với đỉnh Bạch Mã cao 1.450m, từ đây, du khách có thể ngắm nhìn một khung trời lồng lộng, những dãy núi trùng điệp, đỉnh núi nhấp nhô bắt mắt tới tận đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, vụng Chân Mây sát bờ biển Ðông. 

Vườn Quốc gia Tam Đảo

Cách Hà Nội khoảng 75km về phía Bắc, Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm trọn trong dãy núi Tam Đảo, trải rộng trên địa phận huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang).

Lượng mưa hàng năm khác nhau trên các sườn của dãy núi Tam Đảo đã góp phần tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác biệt tại khu vực này. Đây là điều kiện trời phú để tạo nên một Vườn Quốc gia Tam Đảo được che phủ bởi lớp thảm thực vật dày đặc, nhiều tầng và đa dạng về loài, về quần xã sinh học và hệ sinh thái. Vì thế, dù là một vườn quốc gia non trẻ (thành lập năm 1996) nhưng Vườn Quốc gia Tam Đảo đã trở thành một địa điểm nghiên cứu đa dạng sinh học quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là một điểm đến lý thú đối với những người muốn khám phá thiên nhiên.

Vườn Quốc gia Tam Đảo rộng 34.995 ha, có 1.282 loài thực vật thuộc 660 chi thuộc 179 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó có các loài điển hình cho vùng cận nhiệt đới. Có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý hiếm cần được bảo tồn và bảo vệ như hoàng thảo Tam Đảo (Dendrobium daoensis), trà hoa dài (Camellia longicaudata), trà hoa vàng Tam Đảo (Camellia petelotii), hoa tiên (Asarum petelotii), chùy hoa leo (Molas tamdaoensis), trọng lâu kim tiền (Paris delavayi). Chưa kể, vườn còn có 163 loài động vật thuộc 158 họ của 39 bộ, trong 5 lớp là: thú (Mammalia); chim (Aves); bò sát (Reptilia); ếch nhái (Amphibia) và côn trùng (Insecta). Vườn có tới 239 loài chim với nhiều loài có màu lông đẹp như vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu hồng, sơn tiêu đỏ, có những loài quý hiếm như gà tiền, gà lôi trắng; có 64 loài thú với những loài có giá trị như sóc bay, báo gấm, hổ, gấu ngựa, cầy mực, vượn, voọc đen... Có 39 loài động vật đặc hữu, trong đó có 11 loài loài đặc hữu hẹp chỉ có ở Vườn quốc gia Tam Đảo như rắn sãi angen (Amphiesma angeli); rắn ráo thái dương (Boiga multitempolaris); cá cóc Tam Đảo (Paramerotriton deloustali) và 8 loài côn trùng.

Hiện, nhằm thu hút khách du lịch tới thăm Tam Đảo, Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Tam Đảo đã mở một số tuyến du lịch, như: Vườn Quốc gia Tam Đảo (Trường rừng) - Rốn Rồng - Rừng thông - Bãi Đá Mom Cày - Hồ Xạ Hương; VQG Tam Đảo (Trường rừng) - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thung lũng Tình yêu - Thác Bạc; VQG Tam Đảo - Trường Rừng - Rốn Rồng - Trung tâm cứu hộ Gấu; VQG Tam Đảo - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thị Trấn Tam Đảo - Tháp Truyền hình; VQG Tam Đảo - Thị Trấn Tam Đảo - Thăm 3 Đỉnh; VQG Tam Đảo - Thị Trấn Tam Đảo - Đỉnh Tam Đảo II - Rừng hoa Đỗ Quyên; VQG Tam Đảo - Trung tâm cứu hộ Gấu - Thị Trấn Tam Đảo - Thiền Viện Trúc Lâm, Tây Thiên.


Theo Báo Đất Việt

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần xây dựng các đơn vị trực thuộc BQL CVĐCTC-CNĐ Đồng Văn ở cơ sở
HGĐT- Ngày 3.10.2010, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC-CNĐĐV) được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐCTC. Đây là cơ hội lớn để phát triển du lịch, dịch vụ góp phần phát triển KT - XH và XĐGN cho đồng bào vùng CVĐC. Đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
30/06/2012
Lan rừng Tây Bắc đẹp mê mẩn
Vào mùa tháng 3, tháng 4, hoa lan nở rất nhiều ở trên vùng Tây Bắc. Đủ mọi màu sắc vàng, trắng, đỏ... với những cánh hoa mỏng dịu dàng làm nao lòng người.
29/06/2012
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và lòng người.
28/06/2012
Sapa đẹp rực rỡ mùa lúa chín
Những ai lên Sapa đều không thể bỏ lỡ vẻ đẹp này của vùng núi rừng Tây Bắc.
27/06/2012