Tam Đảo trong biển mây

09:04, 31/07/2012

Tam Đảo, nơi có nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 21ºC, khí hậu mát mẻ, cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp, khách một lần đến không muốn về.


Cả thị trấn bồng bềnh trên mây - Ảnh: Đặng hoàng Thám

Ba ngọn núi hùng vĩ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, vươn lên trời xanh, sừng sững trong biển sương mù như ba hòn đảo tạo ra danh thắng Tam Đảo. Ngọn Thạch Bàn ở giữa cao 1.338m, bên trái là đỉnh Thiên Nhị (Chợ Trời) cao 1.375m, bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m. Do tương đối dốc đứng nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao. Nhiều loại rau quả ôn đới thích nghi với khí hậu Tam Đảo. Vườn quốc gia Tam Đảo rộng 36.883ha nằm trọn trong dãy núi này.

Bốn mùa trong một ngày

Thú vị thứ nhất là đoạn đường vươn lên trời, quanh co uốn khúc, vừa mới quanh cua tay áo gắt này lại quanh tiếp cua tay áo gắt khác, mặt đường chỉ vừa đủ hai chiếc xe qua mặt nhau. Hồi hộp thì có nhưng nếu đi vào ban ngày nỗi sợ mới thật sự chiếm lĩnh trái tim bạn, vì một bên là vách núi, bên kia là vực thẳm ghê hồn.

Thú vị thứ nhì, tuyệt thú, là khi xe lên đến giữa đèo, trước mắt bạn một khung cảnh thần tiên chưa từng thấy hiện ra: thị trấn Tam Đảo tráng lệ với ánh đèn nhiều sắc màu tỏa ra trong bóng đêm vời vợi. Ánh sáng đèn rời rạc, nơi cao nơi thấp, như một đêm hội hoa đăng khiến bất cứ ai khi nhìn thấy cũng ngẩn ngơ cả thần hồn.

Thời tiết Tam Đảo giống như Đà Lạt ở cao nguyên Lâm Viên (Tây nguyên), hay vùng núi Sa Pa (Tây Bắc). Một ngày ở Tam Đảo có khí hậu của bốn mùa trong năm. Khi chiều xuống, thị trấn Tam Đảo thơ mộng, yên tĩnh, mơ màng ẩn hiện trong làn sương mờ ảo, đẹp như trong tranh với những đồi thông dài ôm triền núi, lá reo vi vu giữa gió núi, mây ngàn.

Nhà thờ Đá trầm mặc qua năm tháng - Ảnh: Phù sa lộc

Ở thị trấn có nhà thờ Đá cổ kính, được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Hồi chiến tranh, ngôi nhà thờ bị tàn phá nặng nề, hiện vẫn còn dấu vết, nay đã được trùng tu, phục chế với dáng vẻ trang nghiêm, trầm mặc. Đứng trên nhà thờ Đá, du khách có thể quan sát gần như toàn bộ thị trấn Tam Đảo thơ mộng trong những buổi chiều hoàng hôn tĩnh lặng với sương khói mơ hồ.

Từ chân núi Thiên Nhị, qua 200 bậc đá du khách sẽ đến đền Mẫu Bà Chúa Thượng Ngàn và chùa Vàng, sau đó leo tiếp lên tháp truyền hình hơn 1.200 bậc đá quanh co giữa cánh rừng thâm u với nhiều cây cao bóng cả. Tiếng ve ngân rền vang, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng gió rít vi vu, cảnh vật lúc mờ lúc tỏ, chuông chùa khoan thai ngân vọng khiến cho du khách như lạc vào chốn non bồng!

Ở chùa Vàng có một pho tượng Phật Thích Ca lớn, màu đen tuyền rất lạ, không rõ bằng đá hay bằng đồng. Sư trụ trì hòa thượng Thích Hải Hòa cho biết tượng có từ rất lâu và không ai biết được xuất xứ. Đền Mẫu Bà Chúa Thượng Ngàn thờ bà Chúa Mẫu là con gái đầu của Quốc Mẫu Âu Cơ. Vào những ngày lễ, hội hoặc rằm âm lịch, ở đền Mẫu có hát chầu văn, hầu đồng và múa bóng rỗi. Du khách sẽ thấy mình như hòa vào thế giới tâm linh bởi điệu múa huyền ảo, lạ lùng của các “bà bóng”!

Dấu ấn xưa - Ảnh: Đặng Hoàng Thám

Lên cõi thần tiên

Đến Tam Đảo không thể bỏ qua thác Bạc, ngọn thác đẹp, không ngừng nghỉ tuôn xuống từ độ cao khoảng 40m những dòng nước trắng bạc lấp lánh trong nắng trời lúc có lúc không. Con đường xuống thác Bạc hồi đầu thế kỷ 20 thật nhiêu khê và hết sức nguy hiểm. Đường men theo sườn núi đến ngọn thác này đầy hiểm trở. Chuyện kể rằng phu làm đường là tù chính trị. Họ làm việc trong điều kiện cực nhọc và nguy hiểm, mỗi ngày phải đẽo ba viên đá theo kích cỡ lót làm đường.

Mùa hè còn đỡ, mùa đông họ phải hứng chịu cái lạnh cắt da khi trên người chỉ mặc chiếc áo tơi hoặc khoác cái bao tải. Chính vì vậy mà nhiều người đã chết. Và dòng nước cao vời trút xuống này có tên thác Bạc là ám chỉ những người tù bạc phận kia. Đường xuống thác Bạc có đến 300 bậc cấp xây bằng đá xanh, rộng đủ hai người qua lại. Xuống thác, bạn sẽ được tiếp thị một đôi dép 1.000 đồng để lội thác. Cứ tưởng giá dép rẻ, nhưng thật ra đó là giá cho mướn, dạo chơi thác xong thì trả lại...

Cụm di tích Tây Thiên gồm có đền Chân Suối, đền Dầu, đền Cả, đền Thỏng, đền Cô, đền Cậu, chùa Đồng Cổ. Đường lên Tây Thiên du khách phải vượt qua nhiều khe, suối sâu, dốc núi, rừng rậm, lối mòn... Dọc đường phong cảnh núi rừng hoang sơ hùng vĩ như cõi thần tiên với tiếng chim hót líu lo, chùa miếu u nhã, suối chảy róc rách, mây bay la đà qua mặt, làm cho du khách lâng lâng như thoát tục!

Thác Bạc đầy thơ mộng - Ảnh: Phù sa lộc

Một góc chợ hiền hòa giữa phố - Ảnh: Phù sa lộc

Tam Đảo có ba “đặc sản” ẩm thực mà bất cứ du khách nào tới đây cũng muốn thưởng thức là đọt su su, cơm tám gà đồi và lợn bản. Đọt su su ở Tam Đảo được trồng hầu như khắp nơi, non mởn, giòn và ngọt. Có nhiều món được chế biến từ đọt su su như: đọt su su luộc chấm mắm tôm, đọt su su xào tỏi, đọt su su nhúng lẩu, đọt su su nhúng bột chiên giòn...

Gà đồi Tam Đảo giống như gà tàu thả vườn ở miền xuôi, thịt vàng nghính, rất thơm ngon. Cơm tám là đặc sản của vùng Vĩnh Yên. Lợn bản được nuôi trong môi trường bán hoang dã, giống lợn này nhỏ con nhưng thịt dẽ, ít mỡ. Các món dồi, luộc, xào, nướng từ thịt lợn bản rất thơm ngon, độc đáo với mùi vị đặc trưng của núi rừng Tam Đảo!


tuoitre.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cần xây dựng các đơn vị trực thuộc BQL CVĐCTC-CNĐ Đồng Văn ở cơ sở
HGĐT- Ngày 3.10.2010, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC-CNĐĐV) được UNESCO công nhận là thành viên của mạng lưới CVĐCTC. Đây là cơ hội lớn để phát triển du lịch, dịch vụ góp phần phát triển KT - XH và XĐGN cho đồng bào vùng CVĐC. Đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
30/06/2012
Lan rừng Tây Bắc đẹp mê mẩn
Vào mùa tháng 3, tháng 4, hoa lan nở rất nhiều ở trên vùng Tây Bắc. Đủ mọi màu sắc vàng, trắng, đỏ... với những cánh hoa mỏng dịu dàng làm nao lòng người.
29/06/2012
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (H.Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) đã để lại cho du khách nhiều ấn tượng về sự hòa hợp giữa thiên nhiên và lòng người.
28/06/2012
Sapa đẹp rực rỡ mùa lúa chín
Những ai lên Sapa đều không thể bỏ lỡ vẻ đẹp này của vùng núi rừng Tây Bắc.
27/06/2012