Đến Hà Giang nồng ấm tình đồng nghiệp

16:33, 24/02/2012
HGĐT - Lần đầu tiên tôi đến Hà Giang vào một ngày tháng 4.1995. Lang thang một mình giữa đường phố xa lạ khi trời chiều đã dần sang chạng vạng, lòng chợt lâng lâng một nỗi buồn mênh mang viễn xứ.
Đi loanh quanh một hồi, tôi nhận ra một điều thú vị rồi cười thầm, tự an ủi là mình không còn lẻ loi, vì tôi còn có Núi. Bốn bề là núi, đi đâu cũng gặp núi đùm bọc chở che. Dưới chân núi là thung lũng, là thị xã Hà Giang đẹp đẽ, dòng sông Lô hiền hòa. Núi đã cho tôi ấn tượng ban đầu không thể nào quên về Hà Giang.

Bền gan cùng đá. Ảnh: NHƯ LÂM

Đèn đường bắt đầu bật sáng và tôi cũng bắt đầu cảm nhận cái lạnh của miền cực Bắc Tổ quốc, một chút se sắt mà ngọt ngào, không vội vã mà từ từ thấm sâu vào tâm khảm. Tôi lân la hỏi thăm về Mèo Vạc, về phiên chợ tình Khâu Vai, bởi mục đích của chuyến đi này là tôi tìm đến đó. Mèo Vạc thì ai cũng biết, còn phiên chợ tình Khâu Vai thì nhiều người lắc đầu chưa hề biết đến, người thì mơ hồ chỉ nghe nói vậy thôi.

Không có nỗi thất vọng nào hơn khi tôi đến nơi thì phiên chợ đã tàn, chỉ còn lại những người có lẽ chợ phiên vắng người tình, nên mượn chén rượu giải sầu, giờ còn nằm say khướt trên thảm cỏ. Thấp thoáng những đôi bạn tình còn lưu luyến chưa chịu chia tay, mặc cho đường về nhà còn xa ngái. Tôi thẫn thờ nhìn khoảng đất trống nơi họp chợ giờ đã vắng hoe, nắng chiều hiu hắt vương trên những mái nhà im ắng. Có phải nắng còn chờ, còn đợi người khách đến muộn màng. Thế là công lặn lội đường xa đến đây coi như đã lỡ, tôi trở về Hà Giang với nỗi buồn trống vắng lạ lùng.

Thui thủi một mình dạo phố Hà Giang, chợt tôi dừng lại mà lòng nao nao khi đọc tấm bảng nhỏ treo trước một ngôi nhà đơn sơ: Báo Hà Giang. Tôi vẫn đứng yên trước cổng, mấy lần định bước đi, nhưng cớ sao chữ Báo Hà Giang bỗng dưng tôi thấy gần gũi, thân thương như có một sức hút lạ kỳ níu chân tôi lại. Lát sau tôi ngập ngừng bước vào, người đầu tiên tôi gặp là một phụ nữ khá xinh đẹp, chị chưa kịp hỏi, tôi đã lên tiếng trước: “Tôi ở Báo Sài gòn Giải phóng, vô tình đi ngang qua đây bất ngờ gặp Báo Hà Giang, nên ghé vào thăm đồng nghiệp”. Gương mặt của chị vụt tươi vui hẳn lên như gặp lại người thân, niềm nở mời tôi vào phòng khách. Chị tự giới thiệu tên là Hoàng Thị Phong  và cho biết: Tổng Biên tập đi công tác vắng. Rồi chị vồn vã gọi Quốc Trí, Phương Hoa, Hữu Thụy, Hùng, Quốc Hải và cảm động làm sao khi Minh Tuấn đôi tay chống nạng vui mừng qua tiếp tôi. Tuy mới quen, mà sao chúng tôi mau chóng thân thiết một cách chân tình. Cái tình đồng nghiệp nó cao cả và thiêng liêng như vậy đó, đã gieo cho tôi niềm hạnh phúc tuyệt vời về tình cảm của những người làm báo, những người mà tôi không thể nào quên kể từ ngày gặp gỡ ấy.

 Thế là đồng nghiệp Báo Hà Giang mời tôi ở lại thêm vài ngày nữa để thăm thú cảnh đẹp Hà Giang. Hôm sau, Tổng Biên tập Hà Phương Thiện đi công tác về đến cơ quan, gặp tôi anh niềm nở chiêu đãi tôi bằng một bữa tiệc dã ngoại tại hang Chui, xã Phương Thiện. Cửa hang khá hẹp, phải lách mình mới vào được. Vừa bước vào hang như bước vào một thế giới khác, bên trong có suối chảy róc rách, nhiều cột nhũ đá đẹp tuyệt vời. Chúng tôi ngồi trên một tảng đá to, rượu chuyền tay nhau nồng ấm tình đồng nghiệp. Tiếng hát cô gái Tày với những làn điệu Cội, Lượn sao mà da diết, hòa cùng tiếng suối như là nhạc đệm, làm ngây ngất người nghe, vừa lạ vừa hay gợi trong lòng như có một điều gì muốn nói, ngỡ như bay bổng mà nó lại ăn sâu tận đáy lòng.

Liên tiếp mấy năm sau, cứ đến ngày phiên chợ tình, tôi lại từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Giang để cùng các đồng nghiệp về Khâu Vai. Năm 2009, chúng tôi trở lại chợ tình Khâu Vai vào đêm 26-3 AL, đêm tình. Người đến chợ bây giờ không còn đi bộ trên cao nguyên đá như ngày nào, mà họ đội mũ bảo hiểm, đi xe hon đa đến chợ trên con đường mới mở. Cả khu chợ đèn điện sáng trưng, không còn cảnh trời tối mờ ảo trong tiếng ca trút nỗi buồn nhung nhớ, trong tiếng khèn vời vợi gọi bạn tình. Tổng Biên tập Báo Hà Giang hiện nay là anh Lê Trọng Lập, và các anh chị trong Tòa soạn đưa chúng tôi đi, cùng ngồi bên góc chợ nhìn dòng người qua lại với sương đêm nhẹ thấm trên vai, với ly rượu Há ía nồng nàn, loại rượu đặc biệt nấu bằng men lá cây rừng, dành riêng cho những đôi tình nhân đối ẩm tâm sự đêm thâu. Người ta đi chợ tình để gặp lại người yêu, còn chúng tôi đi chợ tình để có dịp gặp lại đồng nghiệp.

Gà rừng đâu đây buông tiếng gáy, đêm dần về sáng. Bấy giờ Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập mới khẽ khàng trong nỗi chạnh lòng “Chợ tình Khâu Vai bây giờ thay đổi nhiều quá, tìm đâu cái bản sắc của chợ tình thủa nào”. Nghe anh nói khiến tôi không khỏi bồi hồi, mai đây khi trở về TP Hồ Chí Minh, làm sao tôi quên được những giây phút nồng ấm bên đồng nghiệp Báo Hà Giang. Cái gì rồi cũng theo thời gian mà dần thay đổi, còn tình đồng nghiệp chúng ta thì không bao giờ đổi thay theo thời gian./.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên kết du lịch: Cơ hội "đổi đời" cho người nghèo
Một địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho mình, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong nước và nước ngoài…
30/12/2011
Du lịch Hà Giang cần những nỗ lực phát huy tiềm năng, cơ hội
HGĐT- Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể nói những thuận lợi đối với ngành du lịch của Hà Giang là không nhỏ.
30/12/2011
Xuân về vùng “cổ tích” Xín Mần
HGĐT- Tại Sa Pa, các nhà khảo cổ phát hiện Bãi đá có người Việt cổ sống cách đây cả ngàn năm tuổi đã làm xôn xao dư luận trong, ngoài nước. Tại Xín Mần, ở khu vực xã Nấm Dẩn các nhà khảo cổ còn ghi nhận người Việt cổ đã sống tại đây trên 2.000 năm.
30/01/2012
Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch
Sau sáu năm, từ 2005 đến 2011 Du lịch Việt Nam đã sử dụng slogan (tiêu đề) “Việt Nam - The Hidden Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn,” thì nay sẽ được thay thế bằng “Việt Nam - Timeless Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận.”
29/12/2011