Xuân về vùng “cổ tích” Xín Mần

17:17, 30/01/2012

HGĐT- Tại Sa Pa, các nhà khảo cổ phát hiện Bãi đá có người Việt cổ sống cách đây cả ngàn năm tuổi đã làm xôn xao dư luận trong, ngoài nước. Tại Xín Mần, ở khu vực xã Nấm Dẩn các nhà khảo cổ còn ghi nhận người Việt cổ đã sống tại đây trên 2.000 năm.


Với 7 khu vực, nằm trong vùng lòng chảo dãy núi Đá trắng (gọi theo tiếng địa phương là Vách đá trống trời) với hàng trăm di chỉ trên đá để lại cho đến ngày nay đã biến Xín Mần trở thành “miền cổ tích” nổi trội trong cả khu vực phía Bắc tổ quốc Việt Nam.


Tách ở lối rẽ ngã ba Quốc lộ 279 thị trấn Yên Bình (Quang Bình) ngược lên phía Bắc đường Yên Bình – Cốc Pài đi qua xã Tân Nam, đến xã Khuôn Lùng để đắm mình trong màu xanh non của núi rừng ngày xuân bỏ lại chốn đô thị ồn ã. Lễ hội Đình Mường ở Khuôn Lùng tưởng không thể dứt ra được. Đủ các màu sắc rực rỡ của 18 đồng bào các dân tộc huyện Xín Mần tụ hội về chốn linh thiêng mở hội tưởng nhớ công đức của Đức ông đời vua Trần Thánh Tông tiến cử về Khuôn Lùng dẹp loạn phương Bắc, an dân, cùng vua Trần dựng nước và giữ nước. Cả ngàn năm lịch sử cùng những biến động thăng trầm trôi qua nhưng tinh thần dân tộc tại Miếu thờ Đình Mường Khuôn Lùng vẫn còn đó. Ngày xuân năm nào cũng vậy, cả làng trong, ngoài, đồng bào các dân tộc quanh vùng tụ về đây mở hội nhớ công Đức ông, cầu sự an lành cho dân bản, cho dân tộc và ước mong năm mới mưa gió thuận hoà, lòng người ấm áp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau cùng sinh sống. Mùa xuân này cũng vậy, một con lợn béo, vài chục bánh chưng, bánh dày, nến hương thơm thảo của ngàn con cháu trong vùng dâng trước anh linh vị Thành hoàng làng là sự tri ân công đức của Đức ông, sau là lời hứa, ước nguyện cuả thế hệ nối tiếp xây dựng quê hương đất nước thêm mãi những mùa xuân. Tại đây, lễ hội chọi trâu, rước kiệu, cùng các làn điệu si, lượn, lễ ném còn, múa gậy của người Tày, Nùng, Dao, Mông, đua nhau khoe tài. Trai tài, gái sắc đua ngàn sắc xuân. Ông Hoàng Văn Định, Bí thư Đảng uỷ xã Khuôn Lùng cho hay, nhân dịp Lễ hội Đình Mường tưởng nhớ công, đức của Đức ông, xã cũng tổ chức Lễ hội Xuống đồng làm vụ xuân và ra quân vận động toàn dân xây dựng Nông thôn mới. Theo đó “ lấy sức dân để làm cho dân” được đặt lên hàng đầu để năm “con rồng” theo vận nước bay lên cho mùa xuân mới đầy hứa hẹn sự thịnh vượng no ấm 2012.


Nà Chì hiện ra trước mắt là vùng “động lực” nằm ở ngã ba đường Nà Chì – Quảng Nguyên, Nà Chì – Cốc Pài, Nà Chì – Khuôn Lùng và cả lối rẽ đi Lào Cai. Về đây trong mùa xuân này không ít người sẽ ngỡ ngàng trước: Đường rộng, thoáng đãng - trường học các cấp, bệnh viện trung tâm, chợ xã... to đẹp đàng hoàng và lòng người hân hoan đón tết vui tươi, an lành. Vài năm gần đây, Nà Chì nổi lên tựa như một “Thôn nữ”, đa sắc, đa tài, giàu lòng nhân ái. Cái thị trấn “xã” nhỏ nằm giữa vùng thung lũng giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc, dồi dào sức lao động đã và đang thu hút đầu tư, phát huy nội lực trong dân dần trở thành điểm sáng ngay dưới chân Đèo Gió, cửa ngõ của huyện Xín Mần. Năm 2011 vừa qua Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung làm điểm xây dựng Nông thôn mới tại thôn Nà Chì. Bước sang mùa xuân này, mô hình sẽ được nhân rộng ra các thôn trong xã theo phương châm: Rừng, là thế mạnh – Chè, làm đặc sản – Lòng người, sức dân, là nguồn lực, là sức mạnh để xây dựng Nà Chì phát triển bền vững.

           
Ngược lên rừng già Đèo Gió để ngắm những cây cổ thụ ngàn năm tuổi xanh giữa đại ngàn. Tại đỉnh đèo Công ty Gia Long còn nuôi cá Hồi Xuân, cá Tầm và sẵn lòng đón khách trong ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào miền Tây. Với hơn 1.300 ha rừng nguyên sinh, hàng ngàn loài thực vật rừng quý hiếm đại diện cho rừng nguyên sinh nhiệt đới có trong Đèo Gió sẽ làm thoả sức khám phá. Các sản vật rừng, nước như: Mật o­ng, cá Tầm; các loài thảo dược rừng như, thảo quả, lan rừng, cùng các loài gỗ quý hiếm: Sến, Táu, Sồi, Dổi.. Nằm ngay trên đèo là Thác Gió, thác tiên chứa đầy giai thoại huyền bí của núi rừng Đèo Gió càng làm cho nét xuân về nơi này thêm đậm đà sức sống của mùa xuân. Ngay dưới chân đèo là xã Nấm Dẩm, nơi chứa đựng trong lòng đất đá những di tích cổ xưa của người Việt cổ sinh sống cách đây trên 2.000 năm. Tại phiến đá lớn nhất nằm bên cạnh con suối Nấm Chanh còn lưu giữ trên 49 ký tự cổ xưa cần lời giải đáp. Trong đó bao hàm các ký tự về hình mặt trời, hình trạm khắc đá mang biểu tượng “ phồn thực” đại diện cho thời kỳ Mẫu hệ xa xưa để lại cho đến ngày nay. Ngày nay, theo dòng chảy của thời gian những di chỉ vẫn còn đó chứa chất trong lòng bao biến đổi thăng trầm của xã hội loài người. Phải chăng đó là sự đấu tranh sinh tồn, phát triển theo quy luật của cuộc sống? Để lại cho thế hệ chúng ta hôm nay những ký ức về giống nòi, về cội nguồn nhân sinh của dân tộc Việt. Nếu đem sự kiện trên của bãi đá cổ “gắn” vào di tích Đình Mường ở Khuôn Lùng với người Thủ lĩnh Đức ông, sẽ cho ta thấy, hiểu được phần nào các mối liên kết lịch sử dân tộc Việt có nền văn hoá ngàn năm!


Trở về với Nấm Dẩm rồi ngược lên Cốc Pài, Nàn Ma để thoả sức khám phá Lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông. Hay vượt Sông Chảy, ngược lên đỉnh Gia Long cao 2.000m đến với đồng bào La Chí xem Lễ cúng rừng già đầu xuân cầu cho mưa thuận, gió hoà và lòng người chan hoà sống để yêu nhau, hẳn lòng mỗi chúng ta sẽ tin và yêu hơn cuộc sống của ngày hôm nay. Để rồi, mà yêu hơn con người, mảnh đất nơi này.

Ngày xuân, hãy đến vùng đất của miền cổ tích để mà lắng nghe trời đất chuyển mình, ngắm nhìn rừng lên xanh, mây thắm trôi lãng đãng trên đỉnh phù vân, hay ngắm nhìn những thành quả làm nên bởi công sức con người Xín Mần... để rồi cảm nhận một mùa xuân đến tràn đầy sức sống của nhựa xuân... căng tràn giữa trời xuân đất nước bao la.


NGUYỄN MẠNH HÙNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên kết du lịch: Cơ hội "đổi đời" cho người nghèo
Một địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho mình, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong nước và nước ngoài…
30/12/2011
Du lịch Hà Giang cần những nỗ lực phát huy tiềm năng, cơ hội
HGĐT- Năm 2011, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể nói những thuận lợi đối với ngành du lịch của Hà Giang là không nhỏ.
30/12/2011
Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận: Slogan mới cho du lịch
Sau sáu năm, từ 2005 đến 2011 Du lịch Việt Nam đã sử dụng slogan (tiêu đề) “Việt Nam - The Hidden Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn,” thì nay sẽ được thay thế bằng “Việt Nam - Timeless Charm” - “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận.”
29/12/2011
Vị khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam
Ông Curvalle Bernard Francois, quốc tịch Pháp là khách du lịch quốc tế thứ 6 triệu đến Việt Nam trong năm 2011.
27/12/2011