Liên kết du lịch: Cơ hội "đổi đời" cho người nghèo
Một địa phương không thể đơn thương độc mã phát triển, không thể đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực cho mình, cũng như không đủ tiềm lực để tạo ra những hiệu ứng hay chiến dịch quảng bá trong nước và nước ngoài…
Chính vì vậy, một dự án mang tên “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội”-gọi tắt là Dự án ESRT, sẽ gắn kết 8 địa phương lại với nhau trên con đường phát triển ngành "công nghiệp không khói" đang còn rất nhiều tiềm năng.
Cơ hội cho người nghèo
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, càng ngày chúng ta càng nhận ra rằng, hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác du lịch rất cần liên kết.
“Cho nên liên kết là một yêu cầu khách quan, một xu thế tất yếu và là trải nghiệm mà các vùng miền đã đúc kết được từ các năm trước. Liên kết ở đây xét cho cùng sẽ trả lời ba vấn đề, ai liên kết, kiên kết cái gì và liên kết như thế nào,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Chính vì vậy, với việc kết nối tám tỉnh nghèo của vùng núi Tây Bắc bao gồm Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu và Lào Cai trong một dự án liên kết du lịch được nhiều người kỳ vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống của những người dân nơi đây và đặc biệt là mang lại một sắc màu mới cho diện mạo du lịch Tây Bắc.
Chương trình được triển khai trong năm năm (2011-2015), từ nguồn kinh phí 11 triệu euro do Liên minh châu Âu hỗ trợ và 1,1 triệu euro Chính phủ Việt Nam đóng góp.
Đây cũng chương trình dựa trên sáng kiến về “Con đường miền núi phía Bắc” của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, nhằm mang lại lợi ích cho khoảng 250.000 người ở tám tỉnh nghèo nhất Việt Nam.
Trưởng nhóm Tư vấn Dự án ESRT ông Jan Bjarnason cho biết, dự án sẽ xây dựng năng lực cho tất cả các đối tác chính trong ngành du lịch, được thiết kế nhằm lồng ghép các thông lệ du lịch có trách nhiệm vào tất cả các khía cạnh chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp tỉnh.
Theo đó, các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng ngành du lịch bền vững hơn, cạnh tranh hơn và năng suất hơn, từ đó mở ra cơ hội cho những người nghèo và các nhóm thiệt thòi như phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Khi tiếp nhận Dự án, đại biểu các tỉnh miền núi Tây Bắc cũng thừa nhận một thực trạng của nguồn nhân lực du lịch cộng đồng là hầu như chưa qua đào tạo dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa tốt. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa xây dựng được sản phẩm đặc thù để làm thương hiệu cho chương trình hợp tác tám tỉnh…
Vì thế, sự hiện diện của Dự án ESRT tại khu vực các tỉnh Tây Bắc là cơ hội tốt cho các tỉnh tận dụng sự hỗ trợ đối với việc quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng cơ chế phối hợp để hợp tác hiệu quả và đào tạo nguồn nhân lực cộng đồng thiểu số, hướng tới một ngành du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Làm du lịch liên vùng
Đại diện Dự án ESRT cho biết, chương trình ở tám tỉnh Tây Bắc trong năm 2012 sẽ triển khai bốn hoạt động chính.
Theo đó, trước hết chương trình sẽ thí điểm thành lập Ban quản lý điểm đến du lịch khu vực tám tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm điều phối hoạt động du lịch mang tính chất liên vùng và xây dựng quy chế hợp tác giữa các tỉnh, do Lào Cai đóng vai trò nòng cốt.
Cùng lúc, để phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa và bảo vệ môi trường tại tám tỉnh, cán bộ Dự án sẽ tổ chức hoạt động du lịch tại các làng bản dân tộc thiểu số nhằm hình thành các điểm du lịch độc đáo phục vụ nhu cầu trải nghiệm và khám phá của các đối tượng du khách, đồng thời tạo cơ hội nâng cao năng lực, đa dạng hóa ngành nghề và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đặc biệt, hoạt động này được xác định sẽ góp phần khôi phục và khai thác hợp lý những giá trị văn hóa cộng đồng như: Văn nghệ dân gian, ẩm thực, lễ hội... để phục vụ nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm của khách du lịch.
Đương nhiên, cũng cần nhắc tới vai trò và vị trí của những người phụ nữ trong cộng đồng được nâng cao, và đồng bào các dân tộc thiểu số có cơ hội được xóa đói giảm nghèo từ việc tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng.
Hoạt động thứ ba của Dự án là công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, bao gồm hỗ trợ các tỉnh tiếp cận thị trường và các doanh nghiệp lữ hành thông qua các “farm-trip” tới những khu du lịch cộng đồng tiêu biểu và các sản phẩm độc đáo.
Cuối cùng, để liên kết tám tỉnh bền vững không thể thiếu phát triển nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, cán bộ và chuyên viên phụ trách du lịch sẽ được hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch. Ngoài ra, cộng đồng người dân địa phương, bà con dân tộc thiểu số… của tám tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng là một trong những đối tượng mà Dự án hướng đến để đào tạo kỹ năng nghề.
Với một chương trình cụ thể, lại nhận được sự đồng thuận cao của lãnh đạo tám tỉnh miền núi Tây Bắc, Dự án ESRT được kỳ vọng sẽ là mô hình hợp tác thành công để tiếp tục được nhân rộng ra các khu vực khác, hướng tới một ngành du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội./.
Ý kiến bạn đọc