Cần nhanh chóng có giải pháp cứu điểm du lịch hồ Noong

17:15, 26/10/2011

HGĐT- Nhiều năm trước, cứ vào dịp cuối tuần, từng tốp du khách ngoài thị xã Hà Giang vào hồ Noong, xã Phú Linh (Vị Xuyên) vui chơi, ngắm cảnh. Hồ Noong ngày đó rất đẹp với hệ thảm, thực vật phong phú, đa dạng.


 

 Lòng hồ bị chia cắt thành nhiều ao thả ca.


Hấp dẫn nhất đó là nguồn nước trong mát, mặt hồ rộng và có nhiều cây cổ thụ mọc trong lòng hồ tạo khung cảnh nên thơ, đẹp mắt. Khung cảnh đó giờ chỉ còn trong ký ức của mỗi du khách từng đặt chân đến hồ Noong cũng như với người dân bản địa, bởi giờ đây hồ Noong thực sự đã trở thành ao nuôi cá.

 

 

 Cây cổ thụ trong lòng hồ chết gần hết.


Bẵng đi thời gian rất lâu, đến giữa tháng 10 vừa rồi tôi mới có dịp trở lại hồ Noong. Con đường dẫn vào hồ giờ được đầu tư trải nhựa, dễ đi hơn nhiều so với trước kia. Dù vậy, tôi không khỏi thất vọng, chán nản khi tận mắt chứng kiến cảnh lòng hồ bị xâm hại, chia cắt biến trở thành những ao thả cá. Lòng hồ phía đầu nguồn bị chia thành nhiều ngăn bằng hệ thống cọc, liếp tre, quây lưới thành những ao nhỏ nuôi cá. Thất vọng hơn nữa là rừng cây cổ thụ trong lòng hồ không còn nữa, các loại cây cổ thụ chết khô, gốc cây khô đâm lên mặt hồ nhìn như một rừng chông. Gặp anh Tân, nhà ở thôn Noong 1 khi anh đang đi chăn vịt, anh cho biết: “Người ta quây lưới trong lòng hồ để tạo thành những ao nhỏ nuôi cá từ nhiều năm rồi. Gia đình tôi không nhận được khoảnh nào trong lòng hồ nên tranh thủ mùa nước nuôi bầy vịt để phát triển kinh tế gia đình. Lòng hồ chia cắt, cây trong hồ thì chết gần hết. Cảnh hồ thế này nên mấy năm rồi chẳng còn mấy ai vào đây để đi du lịch, ngắm cảnh như trước kia nữa”. Không giấu nổi cảm xúc tiếc nuối, anh Tân dừng câu chuyện rồi dong thuyền ra hồ để chăn bầy vịt của mình... Trao đổi với lãnh đạo xã và người dân trong xã tôi được biết, trước kia, hồ Noong được giao cho thôn nằm ven hồ quản lý. Bản thân hồ Noong đã có sẵn nguồn cá tự nhiên nhiều và đa dạng, do đó khi thôn quản lý, người dân trong khu vực được phép đánh bắt nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên từ lòng hồ bằng nơm, bằng vó, không tận diệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Đến thời điểm cuối năm, mực nước trong lòng hồ gần cạn, chính quyền địa phương mới cho phép bà con không chỉ ở trong xã mà còn ở các xã lân cận xuống đánh bắt trong vòng 3 đến 4 ngày. Với hình thức quản lý đó, hầu hết các hộ dân trong khu vực đều được hưởng lợi từ hồ Noong, do đó luôn có ý thức giữ gìn môi trường, hệ thảm thực vật trong lòng hồ... Từ năm 2004, xã thành lập HTX Thủy sản để quản lý và nuôi cá ở hồ Noong. Khi thành lập HTX Thuỷ sản tiến hành nuôi cá trong lòng hồ, việc chia cắt lòng hồ thành những ao nhỏ hình thành từ đó. Do công tác quản lý kém nên HTX hoạt động không hiệu quả, lòng hồ còn bị chia cắt bởi hệ thống bờ ao được đắp bằng đất. Cũng do công tác quản lý lỏng lẻo, không được lòng dân nên nhiều kẻ xấu lợi dụng chặt phá cây cổ thụ trong lòng hồ về làm củi hoặc đào cả gốc rễ để đem bán cho những người chơi cây cảnh. Khi HTX Thủy sản giải thể, mấy năm gần đây, xã Phú Linh tiếp tục chia lòng hồ cho một số hộ dân quản lý nuôi cá, những ao nhỏ có bờ được đắp đất đã bị phá bỏ nhưng lòng hồ tiếp tục bị chia cắt bởi hệ thống lưới, cột cọc thành những ao nuôi cá. Cùng với đó, việc xây dựng tuyến đường bê tông chắn ngang gần cuối lòng hồ vừa ảnh hưởng đến quá trình thoát nước, vừa làm cho diện tích mặt hồ bị thu hẹp.


 

 Người dân tiếp tục đào đắp ven hồ làm ao cá.


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Năm 2006, xã Phú Linh chuyển địa giới hành chính từ thị xã Hà Giang về huyện Vị Xuyên quản lý. Khi đó, hiện trạng hồ Noong cũng bị chia cắt thành những ao nuôi cá như hiện nay, thậm chí, ngày đó hệ thống bờ ao còn đắp bằng đất kiên cố trong lòng hồ. Khi chuyển giao về Vị Xuyên, huyện yêu cầu phá bỏ bờ bao bằng đất nhưng vẫn tiếp tục cho HTX và người dân nuôi cá. Chủ trương của huyện vẫn xác định xây dựng hồ Noong thành điểm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, để phục hồi hiện trạng hồ như trước kia cần số kinh phí rất lớn cho việc cải tạo hệ thống cây cổ thụ, cây xanh trong lòng hồ, cải tạo môi trường, trong khi đó ngân sách hàng năm của huyện dành cho công tác xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch mỗi năm chỉ có khoảng 100 triệu đồng. Do đó, huyện kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp. Từ năm 2007 đến nay, huyện đã quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư làm du lịch ở hồ Noong, cũng có nhiều doanh nghiệp vào khảo sát. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư. Do đó huyện giao cho xã tiếp tục quản lý,xã tiếp tục giao cho một số hộ dân nuôi cá theo hợp đồng đã ký từ trước. Đồng chí Lê Thị Hà khẳng định chủ trương của huyện Vị Xuyên vẫn xác định xây dựng hồ Noong thành điểm du lịch, tuy nhiên huyện đang lúng túng trong việc khắc phục hiện trạng hồ Noong để kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư...


Thiết nghĩ, nếu tiếp tục đợi kinh phí để phục hồi hồ Noong và thực hiện việc giao cho dân quản lý, nuôi cá trong lòng hồ. Người dân tiếp tục đóng cọc, quây lưới, chia cắt lòng hồ thành những ao nhỏ thì hệ sinh còn bị huỷ hoại, những cây cổ thụ trong lòng hồ dần chết hết. Theo bác Hoàng Văn Vương, nguyên là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, người có tâm huyết và nhiều năm nghiên cứu về hồ Noong cho biết: Hồ Noong là thắng cảnh có một không hai của tỉnh ta với hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt là nguồn thuỷ sản tự nhiên phong phú. Do đó hồ Noong rất cần được tái tạo và khắc phục để tỉnh không mất đi một kỳ quan thiên nhiên đẹp. Bác Vương cho rằng: “Muốn cứu vãn cảnh quan, môi trường và tái tạo hệ sinh thái thì cần phải trả hồ Noong lại cho tự nhiên. Có nghĩa là không có bất kỳ một hoạt động nuôi, thả cá nào trong lòng hồ bởi bản thân hồ từ trước cho đến bây giờ khi mùa nước lên vẫn có sẵn nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên rất nhiều với nhiều loại cá rồi. Chính quyền địa phương cần thành lập một ban quản lý, bảo vệ hồ. Việc thành lập ban quản lý này cần được xây dựng trên ý kiến, nguyện vọng của người dân trong khu vực hồ và hoạt động quản lý, bảo vệ phải gắn liền với lợi ích của đại bộ phận người dân. Đồng thời, các thôn ven hồ cũng cần xây dựng hương ước, quy ước trong hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên như trước kia đó là có quy định thời gian cho bà con đánh bắt tập trung vào thời điểm hồ sắp cạn nước, đồng thời nghiêm cấm và có quy định xử phạt đối với hoạt động đánh bắt cá bằng điện, nổ mìn hoặc đánh bắt thường xuyên bằng lưới. Hồ Noong sẽ được bảo vệ tốt khi công tác quản lý, bảo vệ hồ gắn liền với lợi ích của dân. Nếu lòng hồ không bị tác động bởi các hoạt động nuôi, thả cá, cứ để tự nhiên như trước kia thì sau khoảng 5 đến 6 năm hệ sinh thái sẽ dần phục hồi. Các loại cây trong lòng hồ như cây ẳn, cây sung, cây vả, lộc vừng... mới có hi vọng phục hồi và phát triển lại”.

Điểm du lịch sinh thái hồ Noong đã có tên trong bản đồ du lịch toàn tỉnh, ký ức về hồ Noong thơ mộng, đẹp mắt vẫn còn trong mỗi người dân. Mong rằng, huyện Vị Xuyên cùng ngành chức năng nhanh chóng có biện pháp hợp lý giúp xã trong công tác quản lý, khôi phục hệ sinh thái hồ Noong.


KHÁNH TOÀN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung Quốc dẫn đầu lượng du khách đến Việt Nam
Trong khi du khách Việt Nam tỏ ra không mấy mặn mà với các tour đi Trung Quốc thì khách du lịch của nước bạn vẫn “quyến luyến” với các danh thắng của Việt Nam.
30/09/2011
"Vịnh Hạ Long là 1 biểu tượng đặc biệt và kỳ thú"
Chiều 28/9, ông Bernard Weber, Chủ tịch New Open World (NOW) và ông Jean Paul De la Fuente, Giám đốc New Open World đã có cuộc gặp gỡ với các cơ quan báo chí tại Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
29/09/2011
Vịnh Hạ Long lọt vào VCK 7 kỳ quan thế giới mới
Ngày 27/9, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), ông Bernaro, Chủ tịch Tổ chức NewopenWorld đã trao giấy chứng nhận Vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới do tổ chức này khởi xướng.
28/09/2011
Nước rút bầu chọn vịnh Hạ Long
Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã quyết định “huy động tổng lực cho công tác bầu chọn” vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới ở giai đoạn nước rút.
27/09/2011