Hành hương về ngàn năm
Cái tên Thăng Long đã bước sang tuổi 1.000. Trong những tháng ngày hướng về cội nguồn, hãy hành hương tìm lại dấu tích xưa, những nơi chốn in đậm hồn cha ông để có một Hà Nội ngày nay.
Đường vào Đường Lâm - Ảnh: Nguyen |
Một góc đền Đô (Bắc Ninh) - Ảnh: Chitto.BHD |
* Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh, cách Hà Nội 15km về phía đông bắc. * Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) dọc sông Hồng, cách Hà Nội 18km, quốc lộ 23. * Đền Dạ Trạch cách Hà Nội 18km, đường 195 dọc sông Hồng. * Đường Lâm gần thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 40km, đường 32. * Hoa Lư (Ninh Bình), cách Hà Nội 90km, quốc lộ 1. * Từ Sơn cách Hà Nội 15km, quốc lộ 1 cũ. * Sóc Sơn cách Hà Nội 30km, quốc lộ 3. * Đền Trần (Nam Định), cách Hà Nội 90km. Chitto.BHD |
Từ thuở kinh đô Phong Châu của các vua Hùng dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, An Dương Vương đã chuyển xuống đồng bằng, chọn tả ngạn sông Hồng định đô, dựng lên thành Cổ Loa kỳ lạ. Từ Hà Nội, vượt sông Hồng rồi sông Đuống bạn đã có dịp chiêm ngưỡng các vòng thành phôi pha nắng mưa. Tích xưa như vẫn còn đây với đình Ngự triều, đền Mỵ Châu, giếng Ngọc...
Từ Cổ Loa, ngược sông Hồng không xa là đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh. Ngôi đền với hai hàng voi đá chầu về như lòng người còn tưởng nhớ. Bên kia sông là đền Hát Môn, nơi hai bà tử tiết, cũng là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng.
Bất cứ thời gian nào bạn cũng có thể đến Đường Lâm - mảnh đất hai vua. Bố Cái đại vương Phùng Hưng từng khởi nghiệp từ đây và mất tại Hà Nội. Tại Đường Lâm, ngôi đền nhỏ vẫn còn hương khói, nhưng có điều thú vị là lăng mộ của ông lại nằm ngay giữa lòng Hà Nội, trong một con đường nhỏ cuối phố Giảng Võ. Ngôi làng cổ nay vẫn còn nguyên rặng duối tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi ngựa xưa kia.
Nói đến cố đô trước Thăng Long, không thể bỏ qua Hoa Lư, Ninh Bình, nơi hai triều Đinh và Tiền Lê chọn đóng đô. Thành quách cung điện xưa đã mất nhưng vẫn còn hai ngôi đền uy nghi nằm trong lòng thung lũng, ba phía núi cao, phía trước sông sâu án ngữ.
Hãy nghiêng mình trước tượng Đinh Tiên Hoàng, thái hậu Dương Vân Nga, vua Lê Đại Hành. Cũng đừng ngại mỏi mệt khi tìm lên núi Mã Yên thêm một lần nghiêng mình trước mộ vua Đinh, ngắm nhìn sông núi mênh mang trước mắt...
Đến với Hoa Lư, du khách còn có cơ hội thăm khu du lịch Tràng An, ngồi thuyền xuyên qua các hang động kỳ thú, các thung nước đẹp như trong mơ. Xưa kia đây là nơi đóng quân, kho tàng với các hang là lối đi thuận tiện. Còn đó những ngôi đền thờ các trung thần triều Đinh và ngôi đền nhỏ bằng đá dựng từ triều Trần cheo leo bên vách đá, nay đã thành điểm hành hương lễ bái của rất nhiều người. Kế bên Tràng An là Tam Cốc, nơi lưu giữ dấu tích vua Trần với hành cung Vũ Lâm và đền Thái Vi giữa núi non.
Hành hương xứ Kinh Bắc, nơi phát xuất triều Lý với vị vua anh minh Lý Thái Tổ, bạn cũng có thể đi dọc quốc lộ 1A cũ để đến huyện Từ Sơn. Từ chùa Rặn có thể đến ngay chùa Tiêu, nơi cậu bé Lý Công Uẩn theo học thiền sư Vạn Hạnh. Nằm không xa chùa Tiêu là đền Đô nơi thờ tám vị vua triều Lý và đền Rồng nơi thờ vị vua thứ chín - Lý Chiêu Hoàng.
Cũng từ đây, nhìn sang hướng tây là ngọn núi Sóc, một chốn thiêng nữa của thành Thăng Long xưa, nơi Thánh Gióng, người con đất Phù Đổng, bay về trời. Bức tượng đồng rất lớn đang được dựng trên đỉnh cao nhất tưởng nhớ vị anh hùng huyền thoại. Ngang lưng Sóc Sơn là chùa Non, ngôi chùa mà Khuông Việt đại sư, vị quốc sư ba triều, khởi dựng. Không chỉ linh thiêng, khách hành hương về đây còn để cảm nhận thiên nhiên trong lành của trập trùng rừng thông, mênh mông hồ nước.
Tìm về cội nguồn của những triều đại đã làm nên một diện mạo Thăng Long nghìn năm, cũng không thể bỏ qua đền Trần đất Nam Định, dựng trên nền hành cung Thiên Trường, cạnh chùa Phổ Minh. Và nếu có thể, bạn hãy ngược lên phía bắc tìm đến đất Hưng Hà, nơi có đền thờ và lăng mộ các vị vua đầu triều Trần, với ba lăng vua là ba ngọn đồi tròn như mâm xôi nằm đó từ 700 năm qua...
Chỉ tạm chừng đó thôi, những dấu tích của các triều đại xưa, những vị anh hùng nhưng hẳn đã đủ khắc sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt.
Ý kiến bạn đọc