Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch

17:33, 19/05/2010

HGĐT- Những năm gần đây, du lịch Hà Giang đã có sự chuyển biến tích cực. Sự đầu tư không nhỏ của Nhà nước và nhân dân cho du lịch, dịch vụ đã cho thấy một cái nhìn mới về lĩnh vực đầy triển vọng.


Đặc biệt, kể từ khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 10.4.2006 về đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2015, đã tiếp thêm sức bật cho lĩnh vực này. Du lịch được xác định là một ngành quan trọng trong chiến lược phát triển KT – XH, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc...


So sánh với nhiều địa phương cả nước, Hà Giang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, song, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy những khó khăn không nhỏ. Mặt bằng KT – XH còn thấp, dẫn đến sự đầu tư vốn cho phát triển du lịch còn hạn chế. Là ngành còn mới, nên nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lí hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế... Nhìn lại thời điểm năm 2005, tỉnh mới chỉ đón được trên 69.000 lượt khách, chủ yếu là khách nội địa, khách Trung Quốc và rất ít khách đến từ các thị trường khác. Lúc đó, toàn tỉnh mới có 59 cơ sở lưu trú du lịch với 563 phòng nghỉ, chủ yếu tập trung ở thị xã. Chưa có những cơ sở du lịch được đầu tư hoàn chỉnh mà chủ yếu là vừa đầu tư, vừa khai thác. Lao động trong ngành Du lịch chỉ có trên 600 người, phần lớn mới chỉ được đào tạo sơ qua về nghiệp vụ. Quản lí Nhà nước về du lịch còn nhiều hạn chế...


Trong tình hình đó, sự ra đời Nghị quyết số 01 của BCH Đảng bộ tỉnh là bước quan trọng phát triển du lịch. UBND tỉnh cũng đã đề ra chương trình hành động thực hiện nghị quyết, triển khai đồng bộ, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch; quy hoạch, phát triển các điểm du lịch, tuyến du lịch; ban hành các cơ chế, chính sách quản lý, ưu đãi đầu tư, tranh thủ nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng; phấn đấu đến năm 2010, giá trị du lịch và dịch vụ khác chiếm tỷ trọng 21% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Tỉnh đã ưu tiên, tạo cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư như ưu tiên cấp đất cho phát triển du lịch – dịch vụ, cho thuê lại dài hạn hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ thuộc chính quyền địa phương quản lí, hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để đầu tư phát triển du lịch; lồng ghép các nguồn vốn như 134, 135, các chương tình dự án đầu tư, hỗ trợ của các cấp để thúc đẩy nâng cao năng lực cộng đồng, bảo vệ tài nguyên, môi trường, văn hoá, phát triển hạ tầng nông thôn và thông tin liên lạc...


Qua đó, công tác quản lí du lịch từng bước được kiện toàn với sự ra đời của Trung tâm Xúc tiến du lịch của tỉnh, một số huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch. Hoạt động kiểm tra, quản lí các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, từng bước tạo môi trường kinh doanh, dịch vụ lành mạnh; cải cách các thủ tục hành chính, giúp cho hoạt động phát triển du lịch thuận lợi. Với sự tích cực của cộng đồng, từng bước đem đến những tín hiệu lạc quan. Qua hơn 3 năm, tổng nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động du lịch là trên 514 tỷ đồng. Thống kê năm 2009, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt trên 245.000 lượt người, thời gian lưu trú bình quân 1,8 ngày, doanh thu du lịch đạt 185 tỷ đồng.


Cơ sở lưu trú du lịch cơ bản đã đáp ứng nhu cầu lưu trú. Đến nay, toàn tỉnh có 98 cơ sở lưu trú với trên 1.000 phòng nghỉ, trong đó có 2 khách sạn đạt 2 sao, 9 khách sạn đạt 1 sao. Nhiều dự án du lịch đã và đang được đầu tư, hiện toàn tỉnh có 9 khu du lịch sinh thái. Qua 3 năm, đã có 29 làng văn hoá du lịch cộng đồng được ra mắt với 11 làng dân tộc Dao, 9 làng dân tộc Tày, 3 làng dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác. Các làng đã được định hướng xây dựng và khai thác một số sản phẩm du lịch như các hoạt động tham quan, giao lưu văn nghệ, ẩm thực dân tộc, được đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà cộng đồng, nhà vệ sinh, biển quảng cáo, cổng làng và một số công trình cảnh quan khác...


Tỉnh đã và đang tiến hành quy hoạch nhiều cụm du lịch như: Cụm du lịch trung tâm, cụm du lịch phía Bắc, cụm phía Tây. Nhiều tuyến du lịch đã được khảo sát và lập đề án xây dựng như: Tuyến thị xã - Bắc Quang, Hà Giang – Bắc Mê, Hà Giang – các huyện Cao nguyên đá; Hà Giang – Thanh Thuỷ – Trung Quốc... Ngành chức năng cũng đã tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát huy giá trị bản sắc dân tộc phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ. Nhiều làng nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, sản xuất nhạc cụ, mỹ nghệ, rượu, rèn đúc... được ra đời do các hợp tác xã, các cơ sở quản lí, nhiều cơ sở hoạt động rất hiệu quả như dệt lanh Lùng Tám, thổ cẩm Tân Bắc, các hợp tác xã sản xuất rượu truyền thống...


Để phát triển du lịch bền vững, ngành chức năng cũng đã tích cực tham mưu cho tỉnh các phương án bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thông tin đại chúng. Ngành Văn hoá cũng đã chủ động phối kết hợp với các ngành trong việc xây dựng đề án phát triển du lịch, quản lí, phát triển nguồn nhân lực, quảng bá du lịch... Đến nay đã có 916 người tham gia lĩnh vực du lịch, trong đó có 127 người có trình độ từ trung cấp đến đại học. Hàng năm, ngành Du lịch cũng đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ với 50 lớp cho gần 3.000 học viên.


Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch, nhận thức của các cấp, ngành và người dân đã được nâng cao, du lịch đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, để hội nhập nhanh và bền vững, cần nhận thấy, sức cạnh tranh của ngành Du lịch tỉnh ta còn hạn chế, các dịch vụ du lịch phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao. Công tác quy hoạch còn chậm, nguồn đầu tư còn ít. Trình độ, năng lực lực lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Mục tiêu tăng trưởng đề ra cho giai đoạn 2010 – 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 19%, đến năm 2015, đạt 500.000 lượt khách, doanh thu đạt 350 tỷ đồng. Đạt được mục tiêu đó, chúng ta cần huy động sức mạnh đầu tư cộng đồng để nâng cao năng lực canh tranh của du lịch; xây dựng được các sản phẩm đặc thù gắn với thúc đẩy quảng bá, xúc tiến hợp tác du lịch, đào tạo nhân lực; kêu gọi sự đầu tư của các cấp... giúp cho du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.


HUY TOÁN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao nhận thức cộng đồng với chiến lược bảo tồn, khai thác Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Với những ai lần đầu tiên đến 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang cũng không khỏi có những cảm xúc vô cùng khác lạ khi rơi vào thế giới của đá, khi được chiêm ngưỡng những núi đá, rừng đá, vườn đá với muôn hình, muôn vẻ kỳ thú. Vùng đất này không những có giá trị về du lịch mà còn có cả những giá trị to lớn về khoa học và văn hóa.
28/04/2010
Đánh giá công tác phát triển du lịch năm 2009
HGĐT- Ngày 27.4, Sở VHTT&DL tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phát triển du lịch năm 2009. Dự có đồng chí Nguyễn Trùng Thương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTT&DL; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các huyện, thị, cùng nhiều đơn vị hoạt động du lịch…
28/04/2010
Những phong cảnh ngoạn mục thế giới
Từ những vùng núi đá, sa mạc đến núi lửa... đó là những điểm đến mà việc trải nghiệm chúng sẽ khiến bạn trầm trồ kinh ngạc.
26/03/2010
Xín Mần xây dựng Khu du lịch Đèo Gió
HGĐT- Được sự nhất trí của Thường trực 3 bên huyện Xín Mần, Công ty TNHH Gia Long đã tiến hành xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng và khám phá Đèo Gió – Thác Tiên; được xây dựng trên cơ sở hiện trạng tự nhiên gồm: 1 nhà sàn truyền thống, bãi đỗ xe nơi xuống suối Tiên (Di sản thiên nhiên Quốc gia vừa được công nhận); đi kèm theo đó là hệ thống nhà nghỉ nhỏ phục vụ du khách.
25/03/2010