Nâng cao nhận thức cộng đồng với chiến lược bảo tồn, khai thác Công viên Địa chất cao nguyên đá Đồng Văn
HGĐT- Với những ai lần đầu tiên đến 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang cũng không khỏi có những cảm xúc vô cùng khác lạ khi rơi vào thế giới của đá, khi được chiêm ngưỡng những núi đá, rừng đá, vườn đá với muôn hình, muôn vẻ kỳ thú. Vùng đất này không những có giá trị về du lịch mà còn có cả những giá trị to lớn về khoa học và văn hóa.
Một dạng kiến tạo thú vị hình võng của núi đá vôi tại xã Sính Lủng (Đồng Văn). |
Với những giá trị đó, khu vực 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn đã được công nhận là Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và đang tiến hành các thủ tục để UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu trong thời gian sớm nhất. Để Gìn giữ, bảo tồn và phát triển công viên một cách bền vững, nhiều tổ chức khoa học Quốc tế; nhiều nhà khoa học ở các Bộ, ngành Trung ương; UBND tỉnh; Ban chỉ đạo xây dựng, Ban quản lý Công viên Địa chất đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.
Công viên Địa chất là khái niệm hoàn toàn mới không những đối với Hà Giang mà còn mới với cả Việt Nam. Để khai thác, bảo tồn Công viên địa chất đảm bảo sự phát triển bền vững và có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự nhận thức đúng đắn về Công viên Địa chất không những của các nhà khoa học mà của toàn thể cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đối sánh một cách định lượng với các tiêu chuẩn, tiêu chí của UNESCO thì các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giáo dục cộng đồng, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn và khai thác Công viên Địa chất cho toàn bộ cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng dân cư sống trong vùng công viên là việc làm cần thiết và cấp bách mang tính chiến lược trong bảo tồn và khai thác Công viên Địa chất. Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Chương trình xác định: Thông qua việc giáo dục cho cộng đồng, làm thay đổi cách ứng xử của các bên liên quan có những tác động có lợi với khu vực bảo tồn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhất là người dân địa phương trong vùng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, giúp họ hiểu rõ về giá trị di sản địa chất và di sản văn hóa trong vùng sinh sống của họ từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và tham gia một cách tích cực, tự giác trong việc bảo tồn, khai thác. Quảng bá, tuyên truyền rộng rãi đến mọi đối tượng về Công viên Địa chất Đồng Văn để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm và tham gia một cách tích cực, tự giác trong việc bảo tồn, khai thác. Quảng bá, tuyên truyền rộng rãI đến mọi đối tượng về Công viên Địa chất Đồng Văn để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho 4huyện vùng cao núi đá phía Bắc nói riêng và tỉnh ta nói chung. Nâng cao nhận thức về Công viên Địa chất Đồng Văn ở cấp độ Quốc gia và Quốc tế để có mối liên kết tốt hơn với các tổ chức Quốc tế và các Công viên Địa chất khác trong bảo tồn và phát huy giá trị của Công viên Địa chất Đồng Văn, đảm bảo đạt các tiêu chí đánh giá của ủy ban UNESCO để Công viên Địa chất Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu.
Thực hiện Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, các đối tượng sẽ được tập huấn, tuyên truyềntheo 3 giai đoạn từ đầu năm 2010 đến hết năm 2015 với các nội dung chính là những kiến thức cơ bản về địa chất như: Kiến thức di sản kiến tạo, địa mạo, cổ sinh, địa tầng, cổ môi trường, địa chất Karst, địa chất thủy văn… Kiến thức du lịch và tài nguyên du lịch như: Giá trị đa dạng sinh học trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử; sự phát triển bền vững du lịch; quan hệ giữa du lịch và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chất lượng cuộc sống… Kiến thức bảo tồn di sản, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch; cách sống trong vùng di sản, cách phát huy khai thác di sản một cách khoa học góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững mà không làm ảnh hưởng đến di sản…
Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học, Cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, với 11 hệ tầng, trong đó có loại trầm tích cổ nhất có niên đại từ 600 đến 400 triệu năm. Cao nguyên đá cũng rất đa dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học với hàng nghìnloại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật. Ngoài ra đây cũng là vùng giàu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa như Mông, Tày, Dao, Lô Lô, Pu Péo…; có nhiều điểm du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái như: Núi Đôi, hang Khố Mỷ (Quản Bạ); Cột cờ Lũng Cú, Nhà Vương, Động Dơi, Hang Rồng, bãi đá Hải Cẩu (Đồng Văn); Đỉnh Mã Pì Lèng, Chợ tình Khau Vai, vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc)… Được các nhà khoa học sinh thái đánh giá là vùng có hệ sinh thái độc đáo và đa dạng; có điều kiện sống thân thiện với các loài động vật hoang dã…
Có thể nói, cùng với triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất Đồng Văn, các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, UBND tỉnh và UBND 4 huyện vùng cao núi đá, đặc biệt là Ban quản lý công viên đã xúc tiến nhiều chương trình, kế hoạch với quy mô khác nhau để bảo tồn và khai thác hiệu quả Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn một cách lâu dài, bền vững.
Ý kiến bạn đọc