Thiền bên hồ thiêng trên dãy Himalaya
Himalaya - dãy núi thiêng của thế giới, cái đích khắc khoải cho bao tín đồ leo núi và những người hành hương ước một lần được tới đây thiền bên những hồ thiêng trên độ cao 3.000-4.000m. Và Sikkim, bang phía bắc Ấn Độ, đã đón chào chúng tôi trong một ngày xuân nắng ấm.
Một dada người Thụy Sĩ ngồi thiền bên một hồ thiêng trên độ cao 3.000m - Ảnh: Thủy Nguyễn |
Chuyện bắt đầu từ Câu lạc bộ yoga Hà Nội, nơi chúng tôi đã tham gia tập luyện nhiều năm. Trong học thuyết yoga mọi người đều là anh em, vì vậy dada (trong tiếng Phạn có nghĩa là anh trai) ở đây được gọi như người hướng dẫn, người đi trước. May mắn đến với chúng tôi khi được đi cùng một dada và một nhóm yogee (người tập yoga) đến từ các nước hợp thành một đoàn leo núi Himalaya nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của Baba (người sáng lập yoga). Đây quả là một cơ hội hiếm hoi, bởi từ trong sâu thẳm chúng tôi luôn mơ ước một lần được đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng này.
Chỉ bằng một xác tín, nếu thật lòng tin và quyết tâm có thể biến ước mơ thành hiện thực, chúng tôi hẹn với dada rằng sẽ gặp ông tại Đại hội yoga quốc tế ở Kolkata.
Mang theo nụ cười Việt Nam và quyển sách được coi là thánh kinh của dân du lịch Lonely Planet cùng những sự giúp đỡ bất ngờ, chúng tôi đã nhập được đoàn yoga đúng hẹn, bắt đầu hành trình về phía bắc Ấn độ tới Sikkim - giao điểm lý thú giữa Ấn độ, Nepal, Tây Tạng và Bhutan.
Chuyến hành hương
Ra khỏi sân ga, đoàn chúng tôi gồm 10 người đến từ Việt Nam, Malaysia, Anh, Thụy Sĩ được một hướng dẫn viên leo núi chờ sẵn với hai xe 4x4 để về Yuksam, một thị trấn thuộc Sikkim.
“Liệu có phải mỗi người đều mang trong mình truyền thuyết của tổ tiên?” - chữ trên một biển hiệu ở Yuksam. Câu nói đó quả là thích hợp với không khí quanh đây, nơi mọi người vẫn tin rằng cách đây chưa lâu, ông bà họ vẫn còn nhìn thấy các vị đạo sư khinh công vùn vụt qua các chóp núi.
Thị trấn thật nhỏ, chắc chỉ khoảng vài trăm người, và mọi người đều biết nhau. Đây là phố núi xa nhất so với Siliguri và gần nhất để bắt đầu leo núi, cách mực nước biển 1.800m. Toàn bộ khách leo núi đều tập kết ở đây. Quán ăn có tên Gupta xinh xắn phục vụ mọi nhu cầu, phong cách phục vụ chuyên nghiệp một cách đáng ngạc nhiên.
Mùa xuân thời tiết ở đây cũng tương tự Sa Pa hay Đà Lạt, chỉ hơi se lạnh. Cửa sổ khách sạn nhìn ra đỉnh núi lấp lánh ánh bạc. Yuksam có vị trí thiêng liêng đối với người dân Sikkim, thậm chí không khí ở đây cũng là khí thiêng vì vùng này từng được nhiều bậc chân tu ghé qua và lưu lại “sóng tinh khiết”, làm linh hồn người ta trở nên nhẹ nhàng và siêu thoát. Đêm trăng tròn, đỉnh núi như phát sáng càng thêm vẻ mê hoặc. Mọi người lặng lẽ thiền.
Những tâm tư vốn bị xáo trộn giữa huyên náo nơi phố thị bỗng chốc như tiêu tan...
Nhóm ba cô gái Việt bên chàng hướng dẫn người Tạng - Ảnh: Thủy Nguyễn |
Trải nghiệm Himalaya
Ngày đầu tiên của hành trình, cả đoàn leo liền 8 giờ mệt bở hơi tai. Ngày hôm sau thì ngược lại, rất dễ thở - chỉ 2 giờ leo núi là đến hunt (lán nghỉ giữa rừng) tại Tsokha. Cảnh đẹp trải dài ngút tầm mắt. Trên một triền đồi bằng phẳng, chúng tôi ngồi thiền và hát.
Đêm đầu tiên ai cũng xung phong ngủ trong lều cho có phần hoang dã, vì đã trang bị túi ngủ chịu được -10 độ C ngoài trời. Sáng dậy, cả nhóm vệ sinh bằng nước suối chảy ra từ khe núi. Ở nơi này mới thấy rõ những điều đã được học hoặc đọc về kỹ năng sống trong thiên nhiên cần thiết như thế nào. Sau đó, để đảm bảo sức khỏe và chia sẻ hơi ấm, tất cả tụ tập trong hunt, một dạng nhà gỗ ấm.
Trái với suy nghĩ của chúng tôi, leo Himalaya ở chặng thấp hơn 3.000m dễ dàng hơn leo Phanxipăng tại VN rất nhiều, không hề phải sử dụng các kỹ năng leo núi chuyên nghiệp. Những con bò Tây Tạng lông lá xồm xoàm có vẻ thảnh thơi với gùi hàng to đùng trên lưng giữa tiết trời mát mẻ, hoa nở tưng bừng. Các con đường thỉnh thoảng vắt ngang qua thung lũng giữa những ngọn đồi thấp, triền cỏ trải dài xanh mướt mắt như ở vùng bình nguyên. Xa xa là những dãy núi trập trùng tuyết phủ.
Ban đêm dưới ánh trăng có thể phân biệt được cả đỉnh Everest, nhưng ban ngày ánh sáng chói của vùng núi cao làm việc nhận ra “người hùng” khó hơn nhiều.
Cách làm du lịch ở đây ấn tượng đến từng chi tiết. Mỗi người dân, mỗi hướng dẫn viên đều là một chiến sĩ bảo vệ môi trường. Trên toàn bộ chặng đường đi không hề có một mảnh rác vương vãi dù bé như mẩu thuốc lá hay nắp chai nước. Người dân Sikkim tự hào rằng kể từ khi có quy định của chính phủ về việc không được đốt lửa trong rừng, nơi đây không hề xảy ra một vụ cháy rừng nào nữa. |
Cái đích chúng tôi đang hướng tới là ngọn núi Kangtchenjunga cao thứ hai sau Everest, và điểm dừng là một hunt ở độ cao 4.000m. Cứ leo mỗi 1.000m, tất cả lại phải dừng để làm quen với áp suất không khí.
Càng lên cao đường càng dốc và ánh sáng càng chói gắt. Khoảng cách giữa những người trong đoàn ngày càng tách ra. Chúng tôi xác định mục tiêu phía trước là hunt trên độ cao 3.000m. Đó là một ngôi làng nhỏ, có bờ thành cao nhìn xuống thung lũng. Khi người đầu tiên lên tới nơi nhìn thấy người cuối cùng trong đoàn, nhưng còn phải chờ 2 giờ nữa người đó mới chạm chân đến bậc thang trên cùng.
Đội khuân vác và đầu bếp của cả nhóm là năm anh em trong một gia đình. Họ lầm lũi và ít nói, một người dù chúng tôi trêu chọc thế nào cũng khư khư giữ cây đàn ghita. Và giữa thung lũng, khi bóng quả đồi này nằm vắt hờ trên lưng quả đồi kia, những đám mây trôi vùn vụt trên nền trời xanh biếc, anh ta bắt đầu đàn và hát. Lần lượt những người khác đứng lên nhảy, điệu nhảy của dân tộc Tạng. Thoáng cả một chút xấu hổ với cái gọi là bản sắc của mình, chúng tôi ai cũng thấy bất ngờ...
Ở độ cao 3.500m có một hồ thiêng nữa, thời tiết rất xấu nên cả nhóm không ngồi thiền được bên hồ. Đoạn 500m cuối cùng để đến hunt độ cao 4.000m là một thách thức với những người không phải dân leo núi chuyên nghiệp như chúng tôi. Đường hẹp, dốc cao vòi vọi và cực kỳ trơn. Tay chân tự nhiên dẻo dai hẳn ra và phải tìm mọi cách bám chặt vào bất cứ vật gì chắc chắn để leo tiếp lên.
Những ngày sau của hành trình thời tiết thay đổi, xấu đi và tất cả chỉ đặt chân đến mốc 4.000m rồi vội vã quay xuống vì rất lạnh. Những nhà leo núi chuyên nghiệp muốn chinh phục độ cao trên 8.000m của đỉnh Kangchenjunga bắt buộc phải dùng các dụng cụ chuyên nghiệp bắt đầu từ mốc 4.000m.
Tạm biệt Himalaya, chắc chắn sẽ có ngày chúng tôi quay trở lại.
Ý kiến bạn đọc