Hoàng Su Phì "đánh thức" tiềm năng du lịch
HGĐT- Những sắc màu độc đáo trong sinh hoạt văn hoá, những bản làng nằm bên sườn núi, dưới thung sâu được đánh thức bởi bước chân của lữ khách. Sau nhiều nỗ lực đánh thức tiềm năng, mảnh đất miền Tây Hoàng Su Phì đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình khám phá nét bí ẩn, hoang sơ nơi miền sơn cước.
Điểm đến hấp dẫn
Cảm giác vượt cung đường 60 km cua tròn như mâm xôi từ Tân Quang (Bắc Quang) vào Hoàng Su Phì thật lạ. Nó mang lại cảm giác trong lành từ thiên nhiên, vừa có chút phiêu lưu, mạo hiểm. Cảm giác đi trên cung đường với một bên núi cao, một bên là vực sâu khiến đầu óc lữ khách nhiều lúc căng như dây đàn. Anh Nguyễn Trọng Hoàn - phiên dịch cho đoàn khách người Pháp gặp chúng tôi trên hành trình đến Hoàng Su Phì đã thổ lộ như vậy. Đây là lần thứ 2 anh đưa khách du lịch lên Hoàng Su Phì. Cảm nhận chung là mảnh đất Hoàng Su Phì rất hấp dẫn, rất nhiều điều bí ẩn, rất đáng khám phá. Đặt chân vào đất Hoàng Su Phì, du khách sẽ bị cuốn hút ngay bởi những ruộng bậc thang mùa gặt, nắng trải vàng như giót mật, phong cảnh đẹp như trong truyện cổ tích. Rồi những lễ hội văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, rất lạ, hoang dã và có sức cuốn hút kỳ lạ. Một nữ du khách người Pháp nói: Trên đường vào Hoàng Su Phì, chị rất ấn tượng về con người sống trên mảnh đất này. ấn tượng từ trang phục đến tính cách. Họ không hào nhoáng mà rất mộc, rất thân thiện. Nhất là nụ cười hồn nhiên, pha chút hoang dã của núi rừng đã thực sự để lại ấn tượng trong lòng lữ khách. Đây là lần đầu tiên sang Việt Nam nhưng chị đã biết đến mảnh đất Hoàng Su Phì qua các thành viên của cộng đồng Pháp ngữ. Nhiều người Pháp đến Hoàng Su Phì, nghỉ tại khu du lịch Pan - Hou xã Thông Nguyên đã có nhận xét rất tốt khi về nước. Chính vì vậy, sang Việt Nam chị đã chọn tua du lịch bằng xe Minks lên Hoàng Su Phì.
Mảnh đất Hoàng Su Phì nằm trên bình địa có độ cao trung bình 800m so với mực nước biển. Nơi đây địa hình chia cắt mạnh, núi cao, thung sâu, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh…rất phù hợp phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá. Bên cạnh những độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, Hoàng Su Phì còn ẩn chứa trong mình một kho tàng văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Dao, Mông, Nùng, Clao, La Chí. Mỗi dân tộc có tập tục sinh hoạt, lễ hội riêng được tổ chức vào các mùa trong năm như lễ hội “Gàu Tào” của dân tộc Mông, “Nhảy Lửa” của người Dao, “Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Hội cúng rừng” của người Nùng. Ngoài racòn các làn điệu dân ca, dân vũ như hát giao duyên, hát cọi, hát si, lượn, then, múa khèn và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, đánh yến, đánh sảng được lưu truyền, gìn giữ và phát huy đã thực sự cuốn hút du khách đến với Hoàng Su Phì. Từ nhiều năm nay, du khách nước ngoài đã biết đến Hoàng Su Phì qua con đường du lịch khám phá. Nhiều đoàn khách đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.380m, dải Tây Côn Lĩnh cao 1.500m so với mực nước biển, đã dành nhiều thời gian tham gia các sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở các làng, bản của người dân tộc. Những khu rừng già nguyên sinh, những nét hoang sơ, đậm sắc màu dân tộc trong các lễ hội văn hoá luôn là sự huyền bí, mời gọi du khách khám phá. Nhằm đánh thức tiềm năng du lịch, Hoàng Su Phì đang rất nỗ lực, khôi phục, phát huy những nét đẹp văn hoá, mở các tua tuyến nhằm thu hút du khách.
Đầu tư trọng điểm
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Hoàng Su Phì đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch nhằm tạo hình ảnh mới về du lịch nơi đây. Để làm được điều này, huyện đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch, tăng cường nguồn lực du lịch bằng cách bố trí cán bộ chuyên trách, cử học sinh con em đồng bào các dân tộc đi đào tạo nguồn cán bộ du lịch. Mấy năm gần đây, huyện đã phối hợp với Công ty du lịch Khám Phá và các cơ quan chuyên ngành tổ chức tuyển chọn, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ là con em các dân tộc người địa phương, mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho cán bộ làm công tác du lịch, trưởng thôn bản, các gia đình nằm trong vùng quy hoạch phát triển du lịch. Xác định thế mạnh của Hoàng Su Phì là loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tại các bản làng của đồng bào dân tộc, huyện đã thực hiện chủ trương phát triển du lịch theo hướng xã hội hoá, huy động các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia. Trên cơ sở đó, nhiều chính sách ưu tiên “kích cầu” du lịch được triển khai như cấp đất cho các tổ chức, đơn vị tham gia hoạt động du lịch; cho thuê dài hạn hệ thống nhà hàng, khách sạn thuộc huyện quản lý; lồng ghép các chương trình, dự án xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch cộng đồng. Tại các vùng quy hoạch phát triển du lịch, huyện trích ngân sách hỗ trợ người dân làm nhà vệ sinh, khôi phục làng nghề truyền thống… Đã có 185 hộ được hỗ trợ 210 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm; hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà văn hoá cộng đồng thôn Làng Giang xã Thông Nguyên, 150 triệu đồng khôi phục, phát triển làng nghề dệt thổ cẩm và may truyền thống thôn Đoàn Kết xã Hồ Thầu.
Bên cạnh việc mở các tua, tuyến, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng được Hoàng Su Phì rất coi trọng. Các công trình như Nhà vọng cảnh tại km 17 đường Bắc Quang - Hoàng Su Phì, Nhà trưng bày sản phẩm và khuôn viên vườn hoa tại trung tâm huyện, các tuyến đường đến điểm du lịch như Thông Nguyên - Nậm Hồng - Giàng Thượng, đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, đường Nàng Đôn - Trung Thịnh được mở theo hình thức Nhà nước, nhân dân cùng làm đã tạo nét mới cho mảnh đất miền Tây này. Huyện đã xây dựng, củng cố hoạt động của 8 đội văn nghệ quần chúng thuộc các làng văn hoá du lịch theo đặc thù riêng của từng vùng, từng dân tộc để khai thác, trình diễn các lễ hội dân gian. Các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách như: Lò rèn đúc tại làng văn hoá du lịch Lê Hồng Phong xã Nam Sơn, dệt thổ cẩm, may trang phục dân tộc xã Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Ty cũng được khôi phục, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, huyện đã xây dựng, ra mắt nhiều làng văn hoá du lịch cộng đồng nằm trên các tuyến du lịch tạo thành chuỗi các điểm liên kết. Hiện có 4 làng văn hoá du lịch nằm sát khu du lịch Pan - Hou, tạo thành các điểm vệ tinh xung quanh để phục vụ khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hoá truyền thống của địa phương. Làng văn hoá du lịch dân tộc Dao áo dài Lê Hồng Phong, dân tộc Dao đỏ thôn Đoàn Kết xã Hồ Thầu nằm trên tuyến du lịch đi bộ Thông Nguyên - Nam Sơn - Bản Luốc - Vinh Quang. Làng văn hoá du lịch dân tộc Mông thôn Nậm Dịch xã Bản Péo, Dao đỏ thôn Tấn Xà Phìn xã Nậm Ty nằm trên tuyến Hoàng Su Phì - Hà Giang đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thường xuyên của khách nước ngoài.
Với chủ trương phát triển du lịch, đầu tư trọng tâm, trọng điểm, Hoàng Su Phì đã có tên trên bản đồ Du lịch và đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Sự tham gia nhiệt tình của người dân đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng lữ khách. Qua đó, hình ảnh về một vùng du lịch hoang sơ, đậm chất văn hoá nơi miền sơn cước được quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Mỗi năm có hàng nghìn lượt khách đến Hoàng Su Phì, doanh thu từ dịch vụ du lịch tăng mạnh, người dân đã có nguồn thu nhập ổn định từ hoạt động du lịch.
Ý kiến bạn đọc