Điểm đến những... bức tường

08:37, 27/11/2009

Đó là những bức tường mang nặng những ký ức không thể nào quên trong tâm thức của nhiều người. Và rất nhiều du khách thế giới từng mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời, bởi chúng đã trở thành những điểm đến của hàng triệu khách du lịch trong nhiều năm qua.


Bức tường than khóc

Bức tường than khóc ở Jerusalem - Ảnh: Corbis

Nằm ở phía tây thành phố cổ Jerusalem (Israel), bức tường này được biết đến với tên bức tường than khóc và là một trong những địa điểm cầu nguyện thiêng liêng nhất của người Do Thái giáo. Tại đây các tín đồ có khuynh hướng thành kính viết một lời nguyện cầu trên một mảnh giấy và đặt giấy này trong một khe nhỏ nào đó trong bức tường.

Cảnh sát Israel kiểm soát các cửa ra vào khu vực bức tường than khóc rất nghiêm ngặt. Khoảng trống phía trước bức tường được chia làm ba phần. Một phần cho phép toàn bộ công chúng chiêm ngưỡng bức tường từ xa. Hai phần còn lại dành cho các tín đồ đến gần tường, trong đó phần phía bắc dành cho tín đồ nam giới và phần nhỏ hơn ở phía nam dành cho nữ giới.

Theo nhiều tài liệu, bức tường than khóc có niên đại từ thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên và ngày nay bức tường này là một biểu tượng quốc gia của Israel.

Vạn lý trường thành 

Hiếm có du khách nào đặt chân đến Bắc Kinh (Trung Quốc) lại bỏ qua Vạn lý trường thành, bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc dài hơn 6.350km và là một trong những kỳ quan thế giới mới lẫn cũ.

Trường thành được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 trước Công nguyên cho tới thế kỷ 16 sau Công nguyên, với mục đích ngăn chặn các cuộc tấn công của người Mông Cổ, người Turk và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.

Năm 1987, Vạn lý trường thành được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới.

Vạn lý trường thành của Trung Quốc luôn tấp nập khách du lịch bốn phương - Ảnh: destination360

Bức tường Hadrian

Vào năm 122 sau Công nguyên, hoàng đế La Mã Hadrian đã cho xây dựng một công sự phòng thủ bằng đá và than bùn mang tên ông dọc theo chiều rộng của nước Anh nhằm bảo vệ khu vực phía nam trước những cuộc tấn công của các bộ lạc từ Scotland. Trong lịch sử, bức tường Hadrian được xem là cột mốc ranh giới phía bắc của đế quốc La Mã và là đường biên giới đẹp nhất đế quốc này.

Tên gọi bức tường Hadrian đôi khi được nhiều người dân địa phương sử dụng để chỉ vùng biên giới giữa Scoland và Anh. Ngày nay, với một phần lớn bức tường còn lại, du khách luôn cảm thấy thoải mái khi tản bộ hoặc đạp xe dọc theo nó. 

Năm 1987, Tổ chức UNESCO đã xếp bức tường Hadrian vào danh sách những di sản thế giới. Hiện tại, nó là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất khu vực phía bắc nước Anh với những nhà nghỉ giá rẻ dành cho khách du lịch trẻ đến những khách sạn đầy đủ tiện nghi. Ngoài ra, một loạt công trình lịch sử cũng được phục chế như khu luyện tập của các võ sĩ giác đấu, các doanh trại của những chiến binh La Mã...

Một đoạn tường thành Hadrian - Ảnh: newcastlegateshead

Bức tường Chiến tranh Việt Nam

Là một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá, khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích trong cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1959-1975. Bức tường nằm trong khu tưởng niệm các cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam nằm ở khu trung tâm thủ đô Washington D.C của Mỹ.

Bức tường được xây dựng từ hai tấm đá hoa cương đen mang từ Bangalore, Ấn Độ đến Mỹ có diện tích 8.100m², tổng chiều dài 150m, cao 3m do Maya Ying Lin, một nữ sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa của Đại học Yale thiết kế.

Được khánh thành vào ngày 13-9-1982, cho đến nay mỗi năm bức tường này đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan.

Bức tường chiến tranh Việt Nam - Ảnh: Shutterstock

Bức tường Kremlin

Đó là bức tường bao xung quanh điện Kremlin ở Matxcơva, Nga. Bức tường gạch đỏ với 20 tòa tháp này đã tồn tại hơn 700 năm. Tường có chiều cao đến 19m, dày 6m với tổng chiều dài 2.235m.

Bức tường quanh điện Kremlin - Ảnh: Corbis

Bức tường Berlin

Là một phần của biên giới nội địa nước Đức, chia cắt hai nước Đức từ ngày 13-8-1961 và là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thời Chiến tranh lạnh.

Bức tường ngăn cách phần tây Berlin với phía đông thành phố thuộc CHDC Đức trước đây. Sau 28 năm tồn tại, bức tường Berlin đã sụp đổ trong đêm thứ năm 9-11, rạng sáng thứ sáu 10-11-1989.

Một phần của bức tường Berlin - Ảnh: Wikipedia

Giờ đây, sau 20 năm kể từ khi bức tường chia cắt Berlin được phá bỏ, một số đoạn tường được bảo tồn đã trở thành điểm đến luôn hút khách của ngành du lịch Đức, bởi ngoài tính chất tiêu biểu của thời Chiến tranh lạnh, nó còn được biết đến như một hành lang khổng lồ của những bức tranh đường phố. 

Mỗi ngày luôn có hàng ngàn người chen chúc chiêm ngưỡng những vết tích còn lại của bức tường sát gần chốt kiểm soát biên giới Checkpoint Charlie, hay lựa chọn những vật dụng thời nước Đức bị chia cắt. Ngoài ra, một khinh khí cầu du lịch cho phép khách tham quan nhìn ngắm bức tường ngăn cách thủ đô nước Đức từ trên cao.


Tuoi tre

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Du lịch 2-9: tour ngắn ngày hút khách
Theo một số công ty du lịch tại TP.HCM, do ảnh hưởng dịch cúm A/H1N1 nên lượng khách mua tour du lịch dịp lễ 2-9 năm nay tăng không đáng kể so với năm ngoái. Các tour du lịch nội địa ngắn ngày (1-3 ngày) được khách chọn đi nhiều thay vì các tour dài ngày, nước ngoài.
31/08/2009
Luang Prabang: Đẹp mong manh
“Luang Prabang – đô thị cần được bảo tồn nhất Đông Nam Á” mang trong mình vẻ đẹp tĩnh tại của đất Phật. Nét kiến trúc Lào cổ trầm tư tinh tế bên cạnh những kiến trúc thuộc địa còn nguyên vẹn, dáng đầy hoài niệm.
30/09/2009
Nguyên sơ đền Sóc
“Sóc Sơn là ngọn núi nào/ Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh”. Câu ca dao ấy khiến chúng tôi nhớ đến đền Sóc, ngôi đền nằm dưới chân núi Vệ Linh ngút trời, thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
26/10/2009
Du lịch Hà Giang - điểm hẹn nơi cực Bắc
HGĐT- Phát triển ngành Dịch vụ - Du lịch là một hướng mũi nhọn của tỉnh trong phát triển kinh tế, xây dựng Hà Giang trở thành điểm du lịch tầm cỡ trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng và của tỉnh ta nói chung. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để phát triển ngành Du lịch, đang cần sự quan
26/10/2009