Du lịch Hà Giang - điểm hẹn nơi cực Bắc
HGĐT- Phát triển ngành Dịch vụ - Du lịch là một hướng mũi nhọn của tỉnh trong phát triển kinh tế, xây dựng Hà Giang trở thành điểm du lịch tầm cỡ trong và ngoài nước là nhiệm vụ trọng tâm của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói riêng và của tỉnh ta nói chung. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể để phát triển ngành Du lịch, đang cần sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, đoàn thể...
Mua bán hàng tạp hóa ở chợ Đồng Văn. Ảnh: Huy Toán |
Bức tranh toàn cảnh…
Trong 9 tháng đầu năm 2009, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh ta ước đạt 207.535 lượt người, trong đó du khách Trung Quốc 35.000 người, các nước Đức, Pháp, Nhật với 2.500 lượt người; khách nội địa ước đạt 170.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch và các dịch vụ du lịch qua 9 tháng đạt 175,3 tỷ đồng. Điểm mạnh về du lịch ở tỉnh ta đó là hệ thống cảnh quan tự nhiên chưa bị đô thị hoá, hay chỉnh tu theo dạng mô hình. Các điểm du lịch thu hút khách chủ yếu là thắng cảnh của 4 huyện vùng Cao nguyên đá như: Cột cờ Lũng Cú, khu phố cổ Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng; và các điểm du lịch tâm linh như đền Mẫu, Linh từ Hai Cô, Đền Thác Con, Chùa Sùng Khánh, Chùa Bình Lâm, các làng văn hoá du lịch của người Dao, người Mông, người Lô Lô…
Việc đầu tư, phát triển ngành dịch vụ, du lịch tỉnh ta cần gắn liền với sự hợp tác bài bản với các tổ chức, tập đoàn du lịch trong và ngoài nước, liên kết giữa các tỉnh miền núi phía Bắc hình thành các tuyến điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, truyền thống. Trong năm 2009, qua các chương trình hội thảo hợp tác phát triển nhiều tổ chức, tập đoàn, các công ty lữ hành như: Tập đoàn Tospa, Vichtoria, Caritas… đã tìm đến và có các chương trình đầu tư hợp tác lâu dài trong phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phát huy những bản sắc văn hoá dân tộc là môt trong những lợi thế để ngành Du lịch.Các lễ hội truyền thống, những trang phục sặc sỡ, cầu kỳ của đồng bào các dân tộc luôn là tạo nên sự mới lạ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm UBDT Chính phủ khi lên thăm và làm việc tại tỉnh ta, chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn đã thốt lên tự hào: “Đất nước chúng ta thật đẹp, thật hùng vĩ, Cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản thiên nhiên có một không hai trên thế giới… Chúng ta phải có chính sách bảo tồn, giữ gìn bản sắc nguyên thuỷ của nó…”. Quả thật, ai đã một lần đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, không thể không choáng ngợp trước vẻ đẹp sừng sững, đồ sộ của Cao nguyên địa chất Đồng Văn, những con đường ẩn hiện trong sương mù dầy đặc như những sợi chỉ nhỏ nối liền các triền núi ngoằn nghèo, thăm thẳm, những phiên chợ huyên náo tiếng người,rộn rã tiếng cười trong sương trời lảng bảng, những hội chợ sản phẩm truyền thống ngày càng được mở rộng là cơ hội để Hà Giang quảng bá các sản phẩm du lịch như chè Shan tuyết, rượu ngô Thanh Vân và các trang phục lễ hội dân tộc Lô Lô, dân tộc Mông… tất cả hoà quyện thành một bức tranh tổng thể, du lịch Hà Giang đang trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn nơi cực Bắc Tổ Quốc.
Biến tiềm năng thành cơ hội…
Những hang động kỳ bí, những thắng cảnh mang sắc thái nguyên thuỷ, đó là một trong những cơ hội lớn để ngành Du lịch tỉnh ta phát huy thế mạnh. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận một thực tế đó là, việc đầu tư cho ngành du lịch, dịch vụ du lịch ở tỉnh ta còn rất hạn chế, các công ty du lịch đóng chân trên địa bàn còn quá ít dẫn đến việc rất khó hình thành các tua du lịch. Tại các điểm du lịch như Cột cờ Lũng Cú, Dinh thự nhà Vương, khu Phố cổ Đồng Văn... số lượng các hướng dẫn viên ít, hệ thống phòng nghỉ lưu trú chưa đảm bảo, đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác hướng dẫn và điều hành khách du lịch. Một vấn đề đặt ra đó là, để phát triển du lịch tỉnh ta, coi đây là một chiến lược mũi nhọn nhằm nâng cao vị thế văn hoá, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh. Chúng ta cần phát huy và tôn tạo những giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc, xây dựng các làng du lịch cộng đồng, mở rộng các tuyến điểm du lịch trọng điểm, thực thi nhiều chính sách, cơ chế “mở” thu hút và kích thích các công ty du lịch trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh ta. Đồng thời Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chú trọng phát triển Trung tâm xúc tiến Du lịch và Thương mại trở thành cầu nối du lịch giữa các tỉnh phía Bắc, các công ty lữ hành nội địa và xuyên Việt; quảng bá mạnh mẽ tiềm năng du lịch của tỉnh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút du khách, tạo tiền đề cho việc hình thành các tua du lịch, các điểm du lịch cộng đồng mang, đậm nét văn hoá dân tộc…
Ý kiến bạn đọc