Luang Prabang: Đẹp mong manh
“Luang Prabang – đô thị cần được bảo tồn nhất Đông Nam Á” mang trong mình vẻ đẹp tĩnh tại của đất Phật. Nét kiến trúc Lào cổ trầm tư tinh tế bên cạnh những kiến trúc thuộc địa còn nguyên vẹn, dáng đầy hoài niệm.
Chạy đua với làn sóng du lịch ngày một dâng cao đe dọa phá hỏng cố đô của đất nước “Triệu voi” – nơi mong manh còn lại vẻ đẹp lãng mạn cuối cùng của Đông Dương, tôi đáp chuyến bay của Vietnam Airlines tới Luang Prabang vào chiều hè khi mặt trời đỏ dịu dần khuất sau rặng núi bên dòng Mê Kông hùng vĩ. Luang Prabang trầm mặc giữa thung lũng nên thơ được bao bọc bởi 2 con sông Mê Kông và Nậm Khăn, xa hơn nữa bốn bề đều là núi như bức tường thành thiên nhiên che chở cho cố đô tránh xa những sự xô bồ, ô nhiễm của thế giới bên ngoài ồn ào chóng mặt.
Là kinh đô trong khoảng 500 năm với hơn 30 cung điện, 40 chùa chiền, miếu mạo cổ kính, và 600 ngôi nhà gỗ kiến trúc truyền thống Lào. Luang Prabang là mảnh đất đậm đà nhất bản sắc văn hóa Lào và cũng là mảnh đất tâm linh mà mỗi người Lào đều tự hào và mong muốn được một lần trong đời đến nơi này. Hồn cố đô mong manh còn đó, sâu lắng trong tiếng mõ nguyện cầu, trong sắc vàng của muôn vàn chiếc áo cà sa mỗi buổi sớm mai, chậm rãi hàng đoàn các nhà sư khất thực…. Và nữa, cảnh non nước hữu tình tạo nên một không gian mơ màng, nơi thời gian trôi từ từ và lặng lẽ.
Có lẽ những gì tinh hoa nhất của kiến trúc Lào được thể hiện ở ngôi chùa Wat Xieng Thoong, được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 16 – ngôi chùa được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995, một nét đẹp kiến trúc đến nao lòng. Không đồ sộ, nguy nga…chùa Wat Xieng thoong (có nghĩa là Thành Phố Vàng) với những lớp mái cong mềm mại, tinh tế và khiêm nhường in trên nền trời Luang Prabang xanh vời vợi. Họa tiết, phù điêu, cửa chùa được điêu khắc và trang trí bằng vàng, bạc, tường phía sau là bức tranh mozaic ghép bằng đá và thủy tinh lấp lánh một cách mê hoặc dưới ánh nắng mặt trời…. du khách tới đây không khỏi sững sờ bởi nghệ nhân Lào đã tạo ra nét tinh xảo đến tuyệt mỹ.
Không chỉ có những công trình kiến trúc tinh hoa cổ kính, Luang Prabang còn nằm cạnh một thác nước trong xanh như ngọc – thác Kuang Si nằm cách trung tâm chỉ 29 km. Thác đã tạo ra rất nhiều tầng bể bơi tự nhiên trong vắt bên những cây cổ thụ có lẽ hàng trăm năm tuổi. Du khách thích thú vui vầy dưới nước giữa thiên nhiên vẫn còn hoang sơ.
Một địa danh nữa không thể không nhắc tới ở Luang Prabang, chính là núi Phousi – trên đỉnh núi ngắm hoàng hôn có lẽ thú vị nhất ở Lào. Dưới hương hoa chăm - pa thoang thoảng, bên cạnh những cành phượng vĩ, du khách ngồi san sát, ai ai cũng cầm ống kính để ghi lại khoảnh khắc mặt trời từ từ buông giọt nắng cuối cùng dưới rặng “núi Chàng, núi Nàng” xa xa.
Phải chăng Luang Prabang còn là nơi phương Đông gặp gỡ phương Tây. Bên cạnh những ngôi nhà gỗ truyền thống là những villa, dinh thự theo lối kiến trúc Pháp thuộc địa còn nguyên vẹn, được sửa lại sang trọng và lịch lãm. Vì thế người ta đến đây để tìm phần còn lại của Đông Dương, tìm kiếm những giá trị văn hóa còn lại quá hiếm hoi trong thời đại của sự đổi thay đến chóng mặt, người tìm về một chốn lãng mạn nơi sơn cước in bóng một thời vàng son…Vì những giá trị còn lại đó mà bao người tìm đến, nên Luang Prabang đang bị giằng xé giữa sự phát triển và giữ gìn bản sắc.
Mỗi năm khoảng trên 100 ngàn du khách quốc tế tới Luang Prabang đông gấp 4 lần dân địa phương. Ra đường, ở khu phố trung tâm và khu chợ đêm (họp từ 17 đến 22h hàng ngày) hầu như chỉ thấy người ngoại quốc. Cũng gần giống với Hội An, nhà nhà, người người ở Luang Prabang kinh doanh và làm du lịch. Đâu đâu cũng thấy nhà hàng, quán bar, cửa hiệu, spa…. Nhưng phải công nhận rằng mặt tiền, nét trang trí nội thất và khả năng của các đầu bếp cũng thỏa mãn được nhu cầu của các khách du lịch khó tính. Bởi thế, ngay từ năm 1909, bà Martha Bassene - vợ một bác sĩ người Pháp - khi đến Luang Prabang lúc còn là cố đô của nước Lào thuộc địa đã sớm băn khoăn: “Liệu Luang Prabang sẽ tồn tại được trong thế kỷ của khoa học chính xác, của lợi nhuận tức thì, của kim tiền thắng thế, để trở thành chốn tị nạn của những kẻ mơ mộng cuối cùng, những đôi tình nhân cuối cùng và những kẻ hát rong cuối cùng?”.
Ngồi trong một quán ăn giữa một dãy quán ăn đẹp đẽ bên bờ sông Mê Kông, dưới ánh trăng vàng, tiếng mái chèo khuya nước xa xa, bóng núi im lìm soi trên mặt sông, tôi lại có cảm giác dường như có một nét Huế man mác ở nơi đây. Thaving, anh bạn người Lào, thết tôi món đặc sản cá sông nướng với bia Lào. Cá thật thơm và dai thịt. “ Người Lào sống vẫn còn giản dị và an phận” – anh tâm sự. “Hầu hết người dân ở đây vẫn còn đi xe đạp. Thế hệ của anh khi học phổ thông chỉ được học tiếng Nga và tiếng Việt nên người Việt Nam so với người Thái Lan thì người Việt thấy gần gũi hơn nhiều. Mặc dù người Thái và tiếng Thái không khác người Lào, tiếng Lào là mấy, nhưng người Lào khi đến Thái Lan không thấy thoải mái như khi đến Việt Nam. Nhưng thực ra rất ít người Lào có khả năng đi du lịch và rất ít người Việt Nam đi du lịch tới đây”. Câu chuyện của anh cứ làm tôi băn khoăn: “Việt – Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Tình sâu như vậy, gần gũi như vậy…mà người Việt chúng ta cứ ùn ùn kéo nhau sang Trung Quốc. Có lẽ chúng ta đã quá vô tình bỏ qua nơi mà bao du khách trên khắp thế giới vội vàng tìm đến.
Tạm biệt đất nước “Triệu voi”, tạm biệt những con phố, những ngôi nhà…luôn được trang trí bằng tượng voi, tôi cũng mua về làm kỷ niệm một chú voi cổ bằng đồng ở khu chợ đêm. Chú voi giơ chân trước, cuốn cong vòi như chào đón, như thúc giục tôi một ngày kia quay lại nơi mà với tôi là đẹp nhất còn lại của Đông Dương.
Ý kiến bạn đọc