Kích cầu du lịch, đồng thuận mà chưa đồng bộ
Cũng như nhiều ngành kinh tế khác, ngành du lịch hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chưa thấy có ánh sáng cuối đường hầm, vì nền kinh tế của hầu hết các quốc gia vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng, ít nhất cho đến cuối năm nay.
Mới đây, trong cuộc họp bàn về tình hình nói trên diễn ra tại Thâm Quyến (Trung Quốc), các chuyên gia quốc tế đầu ngành cho rằng tốc độ tăng trưởng du lịch thế giới năm 2009 sẽ là 0%, thậm chí có thể xuống mức âm, nghĩa là còn tệ hơn năm 2008.
Với chúng ta, dường như ngành du lịch đang lâm vào tình trạng khó khăn khi trong tháng 1-2009, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ khoảng 370.000 lượt, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kích cầu du lịch không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành một chủ trương lớn, cần sự đồng bộ bởi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Từ hồi tháng 11-2008, ngành du lịch trong nước đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này và, cũng như mọi khi, khá nhiều cam kết đã được đưa ra mà rồi tình hình vẫn không sáng sủa hơn.
Gần đây nhất là vào ngày 5-1-2009, tất cả các phương tiện truyền thông đồng loạt đưa tin một chương trình khuyến mãi quy mô của ngành du lịch mang tên “Ấn tượng Việt Nam” được chính thức công bố.
Tham gia chương trình này, một số doanh nghiệp khách sạn và lữ hành tại TP.HCM, địa phương có hoạt động kinh doanh du lịch mạnh mẽ nhất, đã cam kết giảm 30 đến 50% giá phòng khách sạn.
Thế nhưng cho đến nay, sau hơn một tháng, vẫn chưa thấy động tĩnh gì ở hầu hết khách sạn nói trên. Chỉ lẻ tẻ một vài khách sạn giảm giá cầm chừng, khoảng 10% hoặc 20%, có vẻ như đang thăm dò các khách sạn khác cũng như chờ đợi sự giảm giá của các ngành liên quan.
Sự thiếu đồng bộ trong điều hành vĩ mô là chuyện thường xảy ra ở nước ta, ngành nào, công ty nào cũng muốn giành lấy cái lợi về phía mình và chờ nơi khác “ra tay” trước, dù ai ai cũng mạnh miệng tuyên bố đồng thuận với chủ trương.
Trở lại với việc các khách sạn chưa thực hiện cam kết giảm giá, lý do họ đưa ra là vì còn phải chờ các chủ trương về giá điện, giá nước, thuế… Bởi chỉ khi nào hội đủ các sự hỗ trợ về giá thì khách sạn mới có thể giảm giá cho thuê phòng được.
Trong khi đó, Tổng cục Du lịch lại nói khách sạn nào đăng ký giảm giá mà không thực hiện sẽ không nhận được sự ưu đãi về thuế cũng như các chính sách kích cầu của Chính phủ.
Nhưng rất có thể ngành điện, ngành thuế và các ngành liên quan từ chối giảm giá với lý do chưa có một sự cam kết cao hơn, cụ thể là các chỉ tiêu tăng trưởng của mỗi ngành vẫn chưa được Chính phủ cho phép điều chỉnh. Điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từng ngành lại gặp khó về chỉ tiêu tăng trưởng năm 2009 của cả nền kinh tế với mức tăng 6,5%, bằng với năm 2008 là thời kỳ những khó khăn chưa bộc lộ toàn diện.
Riêng ngành du lịch là phải tìm ra điểm đột phá đầu tiên để thu hút du khách, chứ không thể kêu gọi công ty này công ty khác khuyến mãi cho khách hàng. Dường như Tổng cục Du lịch cũng nhìn thấy trách nhiệm của mình quả thật là vô cùng khó khăn, trong tình hình suy thoái mà phải kích cầu du lịch, nên đã mạnh dạn kêu gọi hai ngành khách sạn và hàng không giảm giá trước tiên.
Hiện nay, mỗi khách sạn có một chính sách về giá khác nhau. Có khách sạn không muốn giảm giá vì để “giữ uy tín thương hiệu”, có khách sạn lo ngại giảm giá lúc này đến khi tình hình kinh tế được cải thiện sẽ gặp khó về chuyện tăng giá. Hàng không Việt Nam thì có vẻ linh động hơn với việc hưởng ứng ngay từ đầu chủ trương này và đã cam kết giảm 30%-50% giá vé cho một số tour của chương trình khuyến mãi.
Sau cam kết của các khách sạn, ngày 6-2, Vietnam Airlines (VNA) đã làm việc cụ thể với từng nhóm thị trường (Pháp-Tây Âu, Australia, các nước ASEAN, Nhật) để đưa ra chương trình giảm giá cho các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước. VNA cũng cho biết sẽ giảm giá cho cả tour quốc tế lẫn nội địa, có mức giá ưu đãi cho những tour sử dụng đường bay của VNA ở cả đường bay quốc tế và quốc nội (đưa khách nước ngoài đến VN bằng máy bay của VNA đồng thời sử dụng VNA trong các chặng tham quan trong nước). VNA cũng hứa hẹn có cam kết chung cho từng nhóm thị trường và với từng doanh nghiệp lữ hành.
Trên thực tế, thì hiện nay hàng không còn chờ vào giá xăng dầu; lữ hành chờ hàng không và khách sạn; khách sạn thì chờ thuế và giá điện nước!
Ngay cả khi đạt được sự đồng thuận giữa các ngành liên quan, thì các doanh nghiệp lữ hành lại cho rằng với mức giảm từ 30% đến 50% của ngành khách sạn và hàng không thì họ cũng khó có thể giảm giá tour tương ứng, vì chi phí vận chuyển đường bộ, ăn uống và dịch vụ mua sắm hiện vẫn không giảm giá.
Quả thật, những cái khó nêu trên đã khiến ngành du lịch quay tít mù vòng quanh như ngọn đèn cù, trong khi các nước chung quanh đã nhạy bén vào cuộc từ nhiều tháng nay và họ đang thu hút nhiều du khách không thể chờ đợi các công ty lữ hành VN gút giá khuyến mãi. Điều này có khả năng làm cho chương trình “Ấn tượng Việt Nam” do khởi động quá chậm dẫn đến việc các công ty lữ hành không bán được sản phẩm của mình cho đến cuối năm nay, vì thông thường việc chào bán sản phẩm du lịch phải thực hiện trước ít nhất là sáu tháng hoặc một năm cho các công ty lữ hành nước ngoài.
Thời gian của chương trình khuyến mãi sẽ kết thúc vào tháng 9/2009, Tổng cục Du lịch vẫn đang tích cực… đôn đốc các bên khẩn trương tiến hành để sớm đón tiếp các đoàn khách quốc tế đi tour khuyến mãi đến Việt Nam.
Có thể nói, giải pháp kích cầu cho du lịch vẫn còn nhiều điều phải bàn thêm. Chẳng hạn như ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó giám đốc điều hành Khu nghỉ dưỡng Furama (Đà Nẵng) cho rằng thay vì việc giảm giá chúng ta nên quảng bá hình ảnh Việt Nam tốt hơn. Nhiều người nước ngoài nhận định Việt Nam là điểm đến thú vị và khác biệt so với các nước trong khu vực với các lợi thế như bãi biển đẹp, nhiều di sản thế giới, văn hóa đặc sắc, lịch sử lâu đời và ẩm thực phong phú. Vấn đề là chúng ta chuyển tải hình ảnh và thông tin này chưa đủ. Vì vậy, chỉ giảm giá không thôi thì không cạnh tranh nổi.
Một số chuyên gia lại nhận định trong bối cảnh sản xuất đình trệ hiện nay, Chính phủ cần có giải pháp cấp bách bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và việc trích từ 20 đến 30 triệu USD trong gói 1 tỉ USD kích cầu cho du lịch là rất cần thiết.
Tổng cục Du lịch thì kiến nghị giảm thuế VAT từ 10% hiện nay xuống còn 5% cho các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển, dịch vụ mua sắm, nhà hàng đăng ký tham gia chương trình khuyến mãi; hoãn nộp phí VAT cho các khách sạn sáu tháng đầu năm 2009.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ phê duyệt Quy chế quản lý phương tiện vận chuyển của khách mang vào Việt Nam du lịch; cho phép thí điểm (trong vòng một năm) doanh nghiệp liên doanh được đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng như người nước ngoài làm hướng dẫn viên tại Việt Nam; miễn thuế nhập khẩu xe 24 chỗ ngồi trở lên... Ngoài ra, cần hoàn thiện đề án hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách tại cửa khẩu quốc tế và giảm thuế nhập xăng dầu từ 40% xuống 20%.
Tất cả những đề nghị trên đây rất cần được Chính phủ nghiên cứu để sớm có quyết định, bởi thời gian không bao giờ chờ đợi chúng ta.
Ý kiến bạn đọc