Du xuân phố cổ Đồng Văn
HGĐT- Gần 4 năm qua, kể từ khi Chương trình “Đêm rằm phố cổ” được tổ chức hàng tháng trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đã có hàng nghìn du khách trong, ngoài nước tìm đến mảnh đất này thông qua các tour du lịch và “con đường phượt”. Điều đó chứng tỏ: Vẻ đẹp huyền bí của phố cổ trên Cao nguyên đá Đồng Văn đã thực sự hấp dẫn du khách.
Phố cổ Đồng Văn năm 1926. Ảnh: TL |
Phải mất hơn 12 giờ đồng hồ những người bạn của tôi mới đi hết quãng đường gần 500 km nối Hà Nội - Hà Giang - Đồng Văn. Nhóm “phượt” có 3 người gồm Nguyễn Duy Bình, bạn cùng thời đại học với tôi, đang làm đại diện cho một hãng sơn nước ngoài ở Hà Nội, 2 người bạn mới quen là Lê Anh Thế, Nguyễn Mạnh Hải, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 cùng cưỡi trên chiếc chiến xa cào cào (Minks), đi mất cả ngày để đến Đồng Văn đúng vào “Đêm rằm phố cổ”. 2 người bạn mới Lê Anh Thế, Nguyễn Mạnh Hải, đang sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả 3 cùng cưỡi trên chiếc chiến xa cào cào (Minks), đi mất cả ngày để đến Đồng Văn đúng vào “Đêm rằm phố cổ”. 2 người bạn mới Lê Anh Thế, Nguyễn Mạnh Hải lần đầu tiên ra miền Bắc, nghe nói đến phố cổ Đồng Văn, gặp Bình qua địa chỉ của những người yêu thích “phượt”. Cả 3 lần đầu đặt chân đến Hà Giang. Khi vượt những khúc cua tay áo trên cổng trời Quản Bạ, vượt đỉnh Mã - Pì - Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn, họ rất ngạc nhiên trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Những rừng đá tai mèo xám xịt thực sự là niềm khích lệ trong hành trình khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nơi vùng cao cực Bắc. Khi nghe tôi kể câu chuyện thanh niên 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang cùng chung sức mở đường lên phía Bắc, những người thợ phải treo mình trên vách, đục đá, mở đường qua đỉnh Mã - Pì - Lèng họ rất xúc động.
Chúng tôi đến trung tâm phố huyện Đồng Văn đúng lúc mặt trăng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi. Cả khu phố Đồng Văn rực sáng trong màu đỏ của những chiếc đèn lồng và ánh trăng rằm lung linh, huyền ảo. Đêm cao nguyên mênh mang, gió đại ngàn thổi lộng, những chiếc đèn cao áp vụt tắt. Cả không gian phố cổ chìm trong ánh trăng và ánh sáng nhẹ từ những chiếc đèn lồng đỏ treo dọc đường. Phố núi Đồng Văn trở lên hấp dẫn lạ kỳ. Cả 3 người bạn của tôi đều sinh ra ở thành phố, họ nói đây là lần đầu tiên được hoà mình trong vẻ đẹp nguyên thủy vốn có của ánh trăng. ở thành phố, nơi phồn hoa độ hội, tháng nào cũng có trăng nhưng người ta không cảm nhận được bởi ánh trăng không át nổi ánh sáng của những chiếc đèn cao áp. Không cần dù chỉ một phút nghỉ ngơi, Bình, Thế và Hải kéo tôi đi khắp không gian phố cổ như sợ nếu không đi, không được sờ vào từng chiếc cột đá, từng bức tường đá ngay đêm rằm thì nó sẽ tan biến mất. Trong khu chợ cổ, những chảo thắng cố đang bốc hơi ngút. Vị thơm nồng của thảo quả, cải cay, thịt ngựa hấp dẫn đến nỗi chúng tôi không ai bảo ai cùng sà vào, ngồi quây quần bên chảo thắng cố. Thế và Hải rất ngạc nhiên vì trên cao nguyên Đồng Văn có rất nhiều du khách đến từ phương trời Âu, họ cũng đi chơi trong “Đêm rằm phố cổ”. Những người bạn của tôi càng ngạc nhiên hơn, khi được biết về sự thăng trầm của phố cổ Đồng Văn. Hải nói: So với phố cổ Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) thì tuổi đời của phố cổ Đồng Văn ít hơn nhưng nó lại có vẻ đẹp rất quyến rũ. Vẻ đẹp ấy toát ra từ đá núi, từ sự thân thiện, nụ cười tươi, trong trẻo của người dân bản địa.
Năm nào tôi cũng lên Đồng Văn, có nhiều chuyến đi đúng vào “Đêm rằm phố cổ”. Mảnh đất Đồng Văn không có gì xa lạ nhưng mỗi lần đến, khi bước chân vào không gian phố cổ, đi giữa hai dãy đèn lồng đỏ, được ngắm nhìn, sờ vào hiện vật cổ, trong tôi lại trào lên cảm giác rất lạ. Sau “Đêm rằm phố cổ”, Bình, Thế và Hải dành nhiều thời gian ngắm phố cổ với vẻ đẹp “mộc”, nguyên bản vốn có từ hàng trăm năm nay. Vâng cổ là cũ. Những dãy nhà trong phố cổ Đồng Văn cũ lắm rồi. Ngoài cái cũ kỹ do sự ăn mòn của thời gian thì cái cũ trong suy nghĩ, cách bảo tồn của mỗi người sống trong những ngôi nhà cổ càng làm cho phố cổ sập sệ, già nua. Các tài liệu nghiên cứu về phố cổ Đồng Văn đã khẳng định: Khu trung tâm thị trấn Đồng Văn trước đây thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân (Tuyên Quang). Từ những năm 1880, khi người Pháp chiếm đóng Đồng Văn, họ đã quy hoạch, xây dựng khu phố Đồng Văn với những điểm nhấn quan trọng về kiến trúc.
Từ trên cao nhìn xuống, ta dễ nhận thấy nét đặc trưng của phố cổ Đồng Văn với hàng chục ngôi nhà cổ được dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khu phố cổ Đồng Văn hiện còn khoảng 40 ngôi nhà có tuổi đời trên 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm. Căn nhà cổ nhất với thời gian khoảng 300 năm do ông Lương Trung Nhân, người đứng đầu dòng họ Lương xây dựng. Trải qua nhiều thế hệ sinh sống, ngôi nhà bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, việc tôn tạo của con, cháu sau này đã không giữ được những nét tinh sảo so với nguyên bản. Kiến trúc cổ của ngôi nhà hiện chỉ còn lại những bậc tam cấp, sân lát đá, trụ đá, chân cột chạm trổ và một bức tường đổ phía sau nhà. Những người già hiện đang sống trong những ngôi nhà cổ kể lại: Tết Nguyên đán năm 1923, phố Đồng Văn xảy ra trận đại hoả. Lửa bốc ra từ một ngôi nhà gỗ, gặp gió nên lan rất nhanh. Ngọn lửa quét qua phố cổ, thiêu trụi phần lớn các ngôi nhà, lều quán phía chợ. Sau đợt hoả hoạn, người dân Đồng Văn đã cất công sang Trung Quốc thuê những người thợ Tứ Xuyên về dựng nhà. Vì vậy, kiến trúc đặc trưng của phố cổ Đồng Văn mang đậm phong cách Trung Hoa, nó gồm những ngôi nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương. Những căn nhà trong khu phố cổ có dáng vẻ khá tương đồng, đều là nhà gỗ hoặc trình tường với nét kiến trúc độc đáo riêng, đảm bảo yếu tố ấm về mùa đông, mát mùa hè.
Với hai ngày du xuân phố cổ nơi biên ải cực Bắc của Tổ quốc, những người bạn tôi nói rằng: Họ rất lo, rất tiếc. Những ngôi nhà cổ đã tồn tại cả trăm năm, đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu công tác quy hoạch, bảo tồn không được thực hiện tốt thì không bao lâu nữa, với tốc độ đô thị hoá và sự phát triển của nền kinh tế, nhiều người dân sẽ phá bỏ nhà cổ để làm nhà tầng. Điều này trước đây đã từng xảy ra với phố cổ Hà Nội, Hội An, nếu Đồng Văn không có chính sách hợp lý đối với những người dân sống trong nhà cổ thì họ cũng không nhận thức đúng, không tôn tạo để giữ gìn ngôi nhà cổ của mình. Và “Đêm rằm phố cổ” chỉ tồn tại được, thu hút khách đến với Cao nguyên đá Đồng Văn khi vẫn còn những ngôi nhà cổ, không gian cổ.
Ý kiến bạn đọc