Phát triển ngành Kinh tế du lịch - văn hóa

07:44, 29/09/2008

HGĐT- Xây dựng “ngành kinh tế du lịch, gắn liền xây dựng làng văn hóa” ở tỉnh ta hiện được coi là một ngành kinh tế còn khá mới mẻ. Thực tế vài năm gần đây chúng ta mới phát động phong trào “Xây dựng làng văn hóa du lịch” gắn với phong trào xây dựng đời sống nông thôn mới.


Nó mới, là bởi trong thời gian dài chúng ta chủ yếu chăm lo phát triển nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Bởi lẽ, chúng ta có xuất phát điểm từ một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, độc canh, đời sống thấp; xuất phát từ một cơ sở hạ tầng yếu... Trải qua một quá trình phấn đấu, năm 2005 chúng ta mới thoát khỏi tỉnh “đặc biệt khó khăn” vì trước đó Hà Giang là tỉnh nghèo nhất trong 64 tỉnh thành của cả nước (từ 2005 về trước). Bởi thế, việc coi xây dựng du lịch - gắn văn hóa, dịch vụ chưa thật sự đẩy lên cao thành một ngành kinh tế thật sự.


Trong giai đoạn hiện nay, phong trào xây dựng làng văn hóa gắn liền với du lịch, dịch vụ đang trở thành “tâm điểm” của một nền kinh tế phát triển, hội nhập. Tâm điểm đó đang thực sự tạo ra lực đẩy để chúng ta phát triển ngành “công nghiệp không khói” tại Hà Giang. Lợi thế của ta hiện nay chính là nền văn hóa đa dạng, độc đáo của 22 dân tộc anh em. Nét văn hóa nhà sàn, đi liền câu hát lượn của dân tộc Tày, Nùng, Giấy ở các huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, nơi này là vùng đất rất giàu truyền thống cách mạng, lại đa dạng về sinh thái thiên thiên. Văn hóa Mông, Lô Lô, Pu Péo... vùng cực Bắc vốn đã nổi tiếng với tiến khèn, đàn môi, lại gắn với một vùng “Đệ nhất hùng quan” của cao nguyên đá, Cột cờ Lũng Cú, sông Nho Quế, Chợ tình Khau Vai... là điểm đến của hàng chục vạn khách mỗi năm và hàng trăm đoàn nghiên cứu, nhà khảo sát đầu tư khai khoáng, thủy điện. Về miền Tâylà tiềm năng của vùng chè hữu cơ nổi tiếng, về vùng đá cổ, về Đèo gió và rất đậm bản sắc văn hóa đồng bào Dao, La Chí, C.Lao... Ngoài ra chúng ta còn có một tiềm năng khai thác du lịch: Lòng hồ Bắc Mê, sông, suối, núi non, đi cùng các sản vật đậm tính vùng, miền. Các Lễ hội Lồng tồng (Vị Xuyên), tục vỗ mông (Mèo Vạc); tục cưới hỏi, tang lễ của 22 dân tộc khác nhau, tạo nên nhiều nét cuốn hút “riêng biệt” nhưng lại gắn kết để cùng phá triển trong “ngôi nhà chung” Hà Giang. Sự gắn kết đó chính là văn hóa, sự hiểu biết để thông cảm, sẻ chia đã tạo thành nếp sống cộng đồng quây quần chứa đựng những tình cảm sâu sắc. Chính điều đó tạo nên sức hút “du lịch làng”. Có nhiều làng du lịch sẽ tạo thành tua du lịch. Chính những tua du lịch đó sẽ đẩy con người đến với nhau hiểu biết hơn, thân thiện hơn. Có nhiều tua du lịch sẽ “gắn” các làng lại với nhau bằng sự hiểu biết, đấy chính là điểm “chân - thiện - mỹ” của nền văn hóa cộng đồng làng mạc ở Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng. Từ du lịch sẽ nảy sinh nhu cầu dịch vụ, tạo sự trao đổi, buôn bán hàng hóa từ chính các làng quê với nhau và với du khách, làm và tạo thành một ngành kinh tế đa dạng được hình thành từ làng quê.


Hiện nay, sự hình thành đó cũng mới bắt đầu từ một vài làng văn hóa ở Vị Xuyên là: Thôn Tha, làng Thanh Sơn (làng Pinh); ở Bắc Quang, Quang Bình, hay ở Hoàng Su Phì (Thông Nguyên) và Xín Mần (Quảng Nguyên); Mèo Vạc (Khau Vai)... Tuy nhiên các làng văn hóa còn đơn điệu, đơn lẻ, chưa tạo thành “tua”. Các điểm văn hóa như: Lũng Cú, Nhà Vương (Đồng Văn), Sông Nho Quế, Chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc); Căng Bắc Mê, khu Trọng Con (Bắc Quang), Bãi đá cổ (Nấm Dẩn, Xín Mần) chưa được khai thác đúng mức, thiếu sự quảng bá và sự đầu tư hạ tầng thiết yếu v.v... Dẫn đến tiềm năng chưa được tận dụng thành “nguồn lực mạnh” để phát triển ngang tầm ngành kinh tế du lịch - văn hóa tại Hà Giang. Một nét và là nét cơ bản của du lịch và du lịch văn hóa làng chính là sự hấp dẫn của “các nghề” trong làng tạo nên nét đẹp, làm và hình thành cuộc sống cộng đồng làng. Hiện tại, các làng nghề của ta còn yếu và còn thiếu. Sự “yếu” về nghề và sự “thiếu” trong quy hoạch phát triển đã hạn chế khả năng của du lịch làng nghề văn hóa. Thực tế cho thấy nơi nào, làng nào phát huy được nghề, giữ được nét văn hóa truyền thống thì nơi đó thu hút được khách du lịch. Và nơi nào có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn được quảng bá rộng, nơi đó “hút” khách. Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng trở thành một ngành kinh tế phải được xem như “một quy trình sản xuất khép kín” mới thành công. Không thể xây dựng làng văn hóa du lịch đơn lẻ, tách rời, mà phải quy hoạch tổng hợp, có đầu tư đúng mức. Và nhất thiết phải xếp nó thành một ngành kinh tế tổng thể, liên hoàn gắn liền với sản xuất.


Nguyễn Mạnh Hùng

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến với biển Khe Hai
Bãi biển Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, nằm cách quốc lộ 1A khoảng 3km về phía đông, là một trong số những bãi biển đẹp của vùng duyên hải miền Trung.
30/07/2008
Du lịch dịp 2-9: Cao giá vẫn đắt tour
Mặc dù giá cả dịch vụ tăng khiến du khách phải cân nhắc hơn song không vì thế mà kỳ nghỉ vào dịp Quốc khánh người ta không đi du lịch. Năm học bắt đầu sớm hơn lệ thường cũng chỉ khiến khách hàng bị giới hạn trong các tour ngắn ngày.
29/08/2008
Du lịch Ba Vì - Nàng công chúa còn “say ngủ”
Ba Vì là huyện có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch văn hoá và du lịch nghỉ dưỡng. Nơi đây, đã có một số khu du lịch phát triển đang là điểm đến hấp dẫn của du khách.
27/08/2008
Hòn Dấu - Một khám phá mới
Hải Phòng từ lâu được xem là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh Cát Bà, Đồ Sơn, Hòn Dấu hiện đang là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi đến với Hải Phòng.
26/09/2008