Nên tổ chức Năm Du lịch theo chủ đề

09:44, 26/06/2008

Hội nghị có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, các Sở VH,TT&DL đã tổ chức và sẽ tổ chức năm du lịch (NDL), đại diện các cơ quan báo chí. Sau Hội nghị này, Bộ VH,TT&DL sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến đóng góp trình Chính phủ.


 
 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị.
Thành công của NDL đã được khẳng định

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Trần Chiến Thắng trình bày thì: “NDL ở các địa phương với mục đích tạo được những sự kiện lớn, thu hút khách DL, phát triển kinh tế địa phương, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá và đầu tư nước ngoài là sáng kiến của TCDL với sự ủng hộ của Ban Chỉ đạo Nhà nước về DL từ năm 2002, khi mà DL đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

NDL trở thành hoạt động hàng đầu mỗi năm của ngành DL. Mục tiêu ban đầu của Chương trình này là tổ chức một sự kiện DL tổng thể tại từng trung tâm DL lớn của cả nước, dưới sự chỉ đạo thống nhất của TCDL, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương đăng cai tổ chức.

Đây sẽ là hoạt động chính của ngành trong từng năm nhằm thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua những sản phẩm du lịch cụ thể của địa phương, đồng thời có sự liên kết và hưởng ứng của các địa phương khác. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên được giao đăng cai NDL với chủ đề “NDL Hạ Long 2003 hưởng ứng SEA Games 22”. Tiếp theo là những NDL tổ chức tại Điện Biên- 2004, Nghệ An- 2005, Quảng Nam- 2006, Thái Nguyên- 2007 và năm 2008 đang tổ chức tại Cần Thơ”.

Việc tổ chức các NDL đã đem lại hiệu quả kinh tế xã hội to lớn cho các địa phương, thể hiện ở thu nhập trực tiếp từ phục vụ khách đến và thu nhập xã hội từ DL. Ngoài Quảng Nam và Quảng Ninh là hai địa phương đã có khá đầy đủ cơ sở hạ tầng, sản phẩm phục vụ khách DL nên có hiệu quả ngay trong năm tổ chức sự kiện và những năm tiếp theo.

Hiệu quả xã hội lớn nhất là đã nâng cao được một bước nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt là của nhân dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ việc tổ chức NDL tại địa phương. Tại một số địa phương khác, hiệu quả từ NDL chỉ phát huy từ những năm sau trên nền hạ tâng xã hội đã được nâng cao khi tổ chức NDL như ở Nghệ An, Điện Biên, Thái Nguyên.

Tổng kết từ việc thực hiện các NDL cho thấy lượng khách trong nước và quốc tế, đầu tư DL, doanh thu xã hội từ DL... tăng cao, thậm chí có những tỉnh doanh thu từ DL tăng rất cao : Điện Biên năm 2004 đạt 53,4 tỉ đồng, tăng hơn 75% so với 2003 ; Nghệ An năm 2005 đạt 385 tỉ đồng, tăng 40% so với 2004 ; Thái Nguyên năm 2007 đạt 571 tỉ đồng, tăng 30% so với 2006...

Bà Nhữ Thị Hồng Liên- Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết:  Lúc đầu được chọn tổ chức NDL đầu tiên chúng tôi cũng chưa biết làm thế nào để thu hút khách và có kết quả tốt nhất. Khi tổ chức, cơ sở vật chất quá yếu và thiếu.

DL lúc ấy mới chỉ phát triển bước đầu. Tình trạng khách không có chỗ ăn chỗ ở cũng là tình trạng cực kỳ phức tạp. Kinh phí hạn hẹp, chưa xã hội hóa được. Nhưng rất mừng là kết quả nhìn thấy rõ, lượng khách DL không ngừng tăng, nhà đầu tư quan tâm hơn.

Quan trọng nhất là mục tiêu giới thiệu vẻ đẹp của vịnh Hạ Long tới bạn bè trong nước và quốc tế đã làm được. Mỗi năm tỉnh có 5-7 tỉ đồng dành cho việc tổ chức NDL. Còn lại là xã hội hóa, chỉ riêng đóng góp bằng tiền của các tổ chức, cá nhân cho các sự kiện VH, DL bằng tiền hiện nay là 50% .

Ông Đinh Hài- GĐ Sở VH,TT&DL Quảng Nam nói:  "Quảng Nam là tỉnh đầu tiên tổ chức NDL tại địa phương mà địa phương phải hoàn toàn tự lo, không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước nhưng chúng tôi đã có cái nền khá tốt để phát triển từ nhiều năm trước nên việc tổ chức NDL đã thu được kết quả trực tiếp và khá rõ nét.

Đặc biệt là đã đánh thức tiềm năng du lịch và thu hút lượng khách DL lớn, thu hút rất nhiều dự án lớn đầu tư cho DL, cho cơ sở vật chất. Chúng tôi chú trọng vào việc hoàn thiện và không ngừng làm mới các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch, xuyên suốt trong năm. Thông qua NDL còn tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên, môi trường và nền văn hóa đậm chất dân tộc từ xa xưa”.

Tổ chức NDL ở tầm quốc gia chứ không phải chỉ ở một địa phương

Tuy nhiên, các ý kiến của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ KH và ĐT, Báo Nhân dân... trong Hội nghị cũng đề cập tới những hạn chế của việc tổ chức trong NDL trong đó tập trung nêu bật vấn đề: NDL phần lớn tập trung vào lễ khai mạc rất hoành tráng, rầm rộ.

Những sự kiện này chủ yếu phục vụ quan khách và nhân dân địa phương. Việc xây dựng các sản phẩm DL đặc thù để thực sự thu hút khách du lịch chưa đạt được như mong đợi, nhiều hoạt động, sự kiện còn thiếu sự hấp dẫn và chưa được bố trí thuận lợi cho khai thác DL một cách hiệu quả. Các sản phẩm DL còn thiếu sự đầu tư để trở thành sản phẩm bền vững, chưa thành “thương hiệu”. Và sau lễ khai mạc lúc nào cũng ấn tượng kia, các hoạt động trong năm lại rất mờ nhạt.

Chính vì thế, Bộ VH,TT&DL cho rằng, phải xác định rõ mục tiêu của NDL là hoạt động nhằm thu hút khách du lịch hay là hoạt động để đánh thức tiềm năng du lịch của một địa phương? NDL được tổ chức để phục vụ khách DL hay phục vụ nhân dân địa phương? Từ đó cũng cần phải xác định lại nội dung tổ chức của NDL là: tập trung vào xây dựng các sản phẩm DL đặc thù của địa phương, trong đó kết hợp khai thác tài nguyên thiên nhiên với tài nguyên văn hóa, đặc biệt là VH truyền thống và phong tục tập quán, lễ hội và các sự kiện VH nổi bật ở địa phương. Triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá ở trong và ngoài nước để đạt được hiệu quả cao cho NDL.

“Theo tôi, NDL Quốc gia nên tổ chức theo chủ đề và tiêu chí phù hợp, 3 năm một lần, Bộ VH,TT&DL phải chỉ đạo xuyên suốt NDL, thậm chí phải ở tầm Chính phủ để tăng cường quảng bá ra nước ngoài, thu hút khách DL. Không nên để là NDL quốc gia nhưng địa phương tổ chức”- ông Đinh Viết Khanh- GĐ Sở VH,TT&DL Cần Thơ góp ý.

Bộ VH,TT&DL cũng đề xuất xác định rõ sự kiện NDL được đề cập đến ở đây là NDL mang ý nghĩa Quốc gia và giao cho một địa phương hay vùng (liên tỉnh) đăng cai tổ chức. Xác định chủ đề cho NDL: Đó vừa là chủ đề mang đặc trưng địa phương, có tính xuyên suốt trong năm của NDL. Các hoạt động và sự kiện của NDL phải làm bật lên được chủ đề của NDL.

Các địa phương chưa đủ điều kiện không nhất thiết phải tổ chức sự kiện Năm Du lịch, có thể tổ chức các sự kiện nhỏ hơn như Ngày hay Tuần lễ Du lịch. Hằng năm, Tổng cục Du lịch cần công bố danh sách các sự kiện du lịch của địa phương, kết hợp với các sự kiện quốc gia để việc  tổ chức các sự kiện trong phạm vi quốc gia đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nói: Khi tiếp tục tổ chức NDL cần có sự gắn kết giữa trong nước và quốc tế, có sản phẩm du lịch đặc thù, tổ chức các sự kiện trải đều trong năm chứ không phải chỉ tập trung vào lễ khai mạc, chú trọng vào các thị trường tiềm năng và nhu cầu của khách hàng của mình.

NDL quốc gia được tổ chức tại địa phương nhưng vẫn phải chú trọng đến vùng. Tiêu chí lựa chọn sẽ không chỉ là đánh thức tiềm năng, thu hút khách mà còn nhận thức, tuyên truyền quảng bá, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Năm 2009 đã quyết định giao cho tỉnh Đăk Lăk đăng cai với sự hợp sức của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh này cũng đã chuẩn bị từ cách đây 6 tháng. Việc tổ chức NDL quốc gia năm 2010 Bộ sẽ cân nhắc và quyết định xem nên giao cho Hà Nội hay TP.HCM. Từ năm 2011 sẽ có kế hoạch dài hơi cho 10 năm/ lần cho các hoạt động DL của quốc gia.


baovanhoa.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến Phú Quốc ngắm bãi biển đẹp nhất thế giới
Với bãi Dài hoang sơ đẹp số một thế giới (theo bình chọn của Concierge.com), nước biển xanh màu ngọc bích, cát vàng óng ánh, và những chú chó lưng xoáy độc đáo... Phú Quốc hứa hẹn là điểm đến trong nước "hót" nhất hè này.
30/05/2008
“Ta ba lô” - Đến hẹn lại lên
Bỏ lại sau lưng mọi lo lắng, cạnh tranh, sự ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành. Khoác ba lô lên vai, thêm 1 tấm bản đồ nữa, vậy là hành trình của một ‘’ta ba lô’’ thứ thiệt có thể được bắt đầu.
27/05/2008
Du lịch vẫn nhộn nhịp trong cơn lạm phát
Lượng du khách đi nước ngoài 5 tháng đầu năm vẫn tăng cao dao động trong khoảng 10-30%, bất chấp tình hình lạm phát, theo đại diện một số hãng lữ hành lớn tại TP HCM và Sở Du lịch.
26/05/2008
Huyền ảo hồ Lăk
Không chỉ là nguồn lợi lớn về làm thủy sản của Tây Nguyên, hồ Lăk còn là điểm đến quyến rũdu khách. Hồ rộng 500 ha nằm giữa đại ngàn, hình thành một vùng đa dạng sinh thái rộng lớn đang được bảo tồn.Hồ Lăk là điểm nhấn của Tây Nguyên đẹp và thơ mộng …
25/06/2008