Ðẩy nhanh triển khai hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch

09:27, 21/06/2008

Luật Du lịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2006, song đến nay, công tác hướng dẫn thực hiện Luật còn chậm trễ, khiến hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch gặp không ít khó khăn, vướng mắc.


 
 
Tính đến nay, Chính phủ mới ban hành được Nghị định 92/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật (ban hành ngày 1-6-2007) và Nghị định 149/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch (ban hành ngày 9-10-2007). Nhưng nhiều quy định trong Nghị định 92/2007 không thể phát huy hiệu lực, do chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngày 23-1-2006, Tổng cục Du lịch (TCDL) có Công văn 82/TCDL-PC chỉ đạo các sở quản lý du lịch tiếp tục áp dụng các quy định cũ, nếu không trái với Luật Du lịch, trong khi chờ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật. Ðây là hướng dẫn đúng đắn nhằm bảo đảm hoạt động du lịch không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2008, nhiều hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế lại không được giải quyết và cũng không có trả lời lý do bằng văn bản.

Sở dĩ có việc tạm dừng này là bởi  ngày 23-4-2008, TCDL đã có công văn 324/TCDL-LH thông báo tạm dừng cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế (GPKDLHQT), với lý do chờ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 92/2007, một văn  bản quy phạm pháp luật do TCDL đang chủ trì soạn thảo theo chỉ đạo của Bộ chủ quản. Sau khi có nhiều ý kiến của các sở quản lý và doanh nghiệp du lịch, ngày 5-5, TCDL lại ký văn bản 345/TCDL-LH thông báo tiếp tục cấp phép trở lại cho doanh nghiệp đủ điều kiện. Việc tạm dừng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp đã gửi hồ sơ hoặc đã hoàn thành các thủ tục thẩm định xin cấp phép.

Cũng từ đầu năm 2006 đến nay, ngành du lịch đã ngừng cấp mới, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện (VPÐD) của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Theo Nghị định 92/2007 (có hiệu lực từ tháng 7-2007) thì việc cấp giấy phép này đã phân cấp cho sở quản lý du lịch địa phương, nhưng các sở đều bó tay vì chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể các mẫu chuẩn trong việc cấp phép, lệ phí cấp phép. Ðiều này gây khó khăn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn lập VPÐD, nhằm nghiên cứu thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hoặc đôn đốc thực hiện hợp đồng đã ký kết với đối tác Việt Nam.

Bên cạnh đó, những quy định mang yếu tố ràng buộc tích cực trong quản lý hoạt động du lịch cũng chưa phát huy được hiệu lực cũng bởi sự chậm trễ trong xây dựng các văn bản, quy định hướng dẫn thực hiện. So với Pháp lệnh Du lịch, Luật Du lịch có nhiều tiến bộ vượt trội, đơn cử như hướng dẫn viên cho khách nội địa cũng phải có thẻ hành nghề, nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa và quản lý đội ngũ lao động ngày càng quan trọng này. Mẫu thẻ và các điều kiện để được cấp thẻ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định, nhưng đến nay cũng chưa có, khiến chất lượng hướng dẫn viên nội địa vẫn bị buông lỏng như trước khi có Luật Du lịch. Trong khi đó, khoản 4, điều 10 Nghị định 149/2007 (có hiệu lực từ tháng 11-2007) lại cho phép phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với người hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Ðiều 59 của Luật Du lịch cũng quy định: phương tiện chuyên vận chuyển khách du lịch có "biển hiệu riêng" được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón trả khách du lịch tại điểm du lịch, cơ sở lưu trú,... Mẫu biển hiệu do Bộ Giao thông  vận tải thống nhất ban hành sau khi thỏa thuận với cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở trung ương. Ngày  26-3-2007, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quy định vận tải khách bằng ô-tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô-tô, quy trình cấp, v.v.

Mặc dù vậy, cho đến nay, việc cấp biển hiệu vẫn chưa thể thực hiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Giao thông vận tải chưa ban hành được tiêu chuẩn công nhận: thế nào là xe du lịch, cơ quan quản lý du lịch nào có thẩm quyền xác nhận xe đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch để doanh nghiệp có thể hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp phù hiệu, biển hiệu, v.v.

Qua một số điểm nêu trên, có thể nói, công tác pháp chế của ngành du lịch hiện vẫn còn nhiều điều cần nhanh chóng bổ sung và triển khai thực hiện. Với sự phát triển của ngành du lịch và hoạt động đầu tư đang sôi động như hiện nay, đã đến lúc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh hơn tiến độ xây dựng dự thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch nhằm giải quyết hiệu quả những vướng mắc trong công tác quản lý và kinh doanh du lịch.


Nhân dân

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đến Phú Quốc ngắm bãi biển đẹp nhất thế giới
Với bãi Dài hoang sơ đẹp số một thế giới (theo bình chọn của Concierge.com), nước biển xanh màu ngọc bích, cát vàng óng ánh, và những chú chó lưng xoáy độc đáo... Phú Quốc hứa hẹn là điểm đến trong nước "hót" nhất hè này.
30/05/2008
“Ta ba lô” - Đến hẹn lại lên
Bỏ lại sau lưng mọi lo lắng, cạnh tranh, sự ồn ào, náo nhiệt của chốn thị thành. Khoác ba lô lên vai, thêm 1 tấm bản đồ nữa, vậy là hành trình của một ‘’ta ba lô’’ thứ thiệt có thể được bắt đầu.
27/05/2008
Du lịch vẫn nhộn nhịp trong cơn lạm phát
Lượng du khách đi nước ngoài 5 tháng đầu năm vẫn tăng cao dao động trong khoảng 10-30%, bất chấp tình hình lạm phát, theo đại diện một số hãng lữ hành lớn tại TP HCM và Sở Du lịch.
26/05/2008
Bắc Mê - khởi động “con đường” du lịch
(HGĐT)- Hiếm có địa phương nào trong tỉnh lại hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch như Bắc Mê. Một vùng lòng hồ thuỷ điện rộng lớn xuyên qua những dãy núi đá sừng sững với nhiều khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.
25/04/2008