Tìm hướng phát triển du lịch cộng đồng

18:11, 16/04/2008

(HGĐT)- Ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Du lịch APEX, nhận xét: So với nhiều điểm du lịch cộng đồng trong nước, sức hấp dẫn của Hà Giang rất lớn, từ không gian, tính đặc sắc, tính nguyên sơ đến sự phong phú trong sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư.


Hà Giang có rất nhiều làng, bản với những nếp nhà sàn nguyên sơ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, cuộc sống quần cư thanh bình với các sinh hoạt văn hoá đặc sắc...thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn.


Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mà người dân địa phương mời khách đến tham quan, tham gia các sinh hoạt động đồng mang tính làng bản và khách thường lưu đêm tại nhà dân. Thông qua hoạt động này, người dân có thu nhập từ việc đón khách, cho thuê đất cắm trại, chỗ nghỉ đêm, dịch vụ ăn uống, hướng dẫn khách tham quan. Tham gia các chương trình, tour du lịch cộng đồng, du khách sẽ được khám phá nơi sinh sống, tìm hiểu, tham dự các tập tục sinh hoạt, tập quán canh tác của người dân bản địa. Những vùng nông thôn, nơi chưa chịu sự tác động lớn của nền kinh tế thị trường, những vùng có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống với các sinh hoạt văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc…rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Xét về điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, thành phần dân tộc, Hà Giang hội tụ rất nhiều yếu tố để phát triển loại hình du lịch này. Hà Giang có 23 dân tộc, mỗi dân tộc có nét văn hoá đặc trưng riêng, rất độc đáo. Hầu hết dân cư sống trong những làng mạc với kiểu kiến trúc truyền thống mang bản sắc riêng. Trong các tập tục, sinh hoạt văn hoá hàng ngày vẫn mang đậm nét truyền thống. Trước năm 2006, một số làng dân tộc thiểu số đã được các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, tổ chức ăn nghỉ trong dân. Tuy nhiên, hình thức này hoàn toàn mang tính tự phát, chưa được chú ý quy hoạch, quản lý và chưa có sự hướng dẫn cho người dân kỹ năng khai thác, bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo của dân tộc.


Từ những mô hình sơ khai, đến nay Hà Giang đã xây dựng được 25 làng văn hoá du lịch cộng đồng với tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng. Bước đầu, các làng văn hoá du lịch cộng đồng đã thu hút được lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế đến tham quan, khám phá. Các làng văn hoá du lịch như thôn Tha, xã Phương Độ (Vị Xuyên); Tiến Thắng, xã Phương Thiện; Bản Tuỳ, xã Ngọc Đường (thị xã Hà Giang); Bục Bản (Yên Minh)…đã có hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Nhận thấy những thế mạnh để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng tiêu chí và phối hợp với các huyện khảo sát, chọn lựa làng, bản đạt tiêu chuẩn để xây dựng. Đồng thời tổ chức nhiều khoá tập huấn du lịch cộng đồng tại thôn, bản cho hàng nghìn học viên là những người trực tiếp, gián tiếp tham gia các hoạt động phát triển, khai thác, quản lý du lịch cộng đồng với kiến thức cơ bản như: Tổng quan chung về du lịch, du lịch cộng đồng; bảo tồn, khai thác các giá trị văn hoá thành sản phẩm du lịch; kỹ năng trong kinh doanh, phục vụ du lịch tại thôn, bản; trình tự đón khách, quy trình phục vụ ăn uống, VS-ATTP, kỹ năng phục vụ lưu trú tại gia, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng hướng dẫn khách tham quan. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ nhân dân xây dựng một số công trình cơ bản như đường bê tông nông thôn, nhà văn hoá du lịch cộng đồng, cổng làng, bể chứa nước sạch…


Tuy vậy, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng còn khá mới đối với người dân Hà Giang. Trong quá trình phát triển, nó phải đối mặt, giải quyết mâu thuẫn giữa giữ gìn bản sắc truyền thống với nhu cầu của cuộc sống hiện đại cũng như ảnh hưởng sâu, rộng của quá trình hội nhập trong đời sống người dân. Bên cạnh đó, các nghề truyền thống hầu hết đã bị thất truyền do sự xâm nhập của hàng hoá được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp; việc khôi phục làng nghề truyền thống để sản xuất hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch rất khó và mất nhiều thời gian. Mặt khác, sự tham gia của cộng đồng chưa được tổ chức, quản lý thích hợp.


Trước thực trạng đó, Hà Giang đã tổ chức hội thảo “Du lịch cộng đồng, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý đến từ các công ty lữ hành và Tổng cục Du lịch. Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) thì vẻ đẹp của Hà Giang chính là vẻ đẹp của sự hoà quyện giữa thiên nhiên và văn hoá. Vẻ đẹp ấy chỉ bền vững cùng với sự phát triển du lịch khi chúng ta thực sự quan tâm tới lợi ích người dân địa phương, hướng dẫn người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức của họ trong việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hoá bản địa. Là địa phương đang sở hữu kho tàng thiên nhiên, văn hoá hấp dẫn, Hà Giang mới bắt đầu phát triển du lịch vì vậy cần phải thận trọng trong mọi quyết sách để tránh những thất bại như nhiều địa phương đã gặp phải. Hà Giang nên tập trung phát triển du lịch cộng đồng ở những vùng có tiềm năng như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Mê và thị xã Hà Giang.


Còn thạc sỹ Đào Duy Tuấn, Viện nghiên cứu Phát triển du lịch, nhận xét: Hà Giang là vùng khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, không khí trong lành, thiên nhiên tạo cho Hà Giang nhiều thắng cảnh hùng vĩnhư đỉnh Tây Côn Lĩnh, thác Thuý, thác Bay, thạch nhũ đôi, Cổng trời Quản Bạ, đỉnh Mã Pì Lèng, Cột cờ Lũng Cú... Bên cạnh đó, Hà Giang có kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng thể hiện qua các phong tục, tập quán, tôn giáo và những di sản văn hoá dân gian như thơ ca, truyện cổ, thành ngữ, các lễ hội dân gian như lễ Cấp sắc của người Dao; Gầu tào của người Mông; Nhảy lửa của người Pà Thẻn. Điều hấp dẫn khách đến Hà Giang còn thể hiện ở các món ăn truyền thống như thắng cố, bò khô, cháo ấu tẩu... Việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đối với Hà Giang rất mới nhưng đã khẳng định việc tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.


Theo nhận xét của các chuyên gia, ngày nay khoảng 80% chương trình du lịch lữ hành quốc tế nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hoá độc đáo của cộng đồng các dân tộc. Khách du lịch muốn được xem, thưởng thức, hoà mình vào các giá trị văn hoá giàu bản sắc, sống động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân… Như vậy, Hà Giang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, những sinh hoạt văn hoá của các dân tộc vẫn mang tính tự nhiên, chưa tạo thành một sản phẩm du lịch thực sự. Du lịch cộng đồng chỉ thực sự là sản phẩm du lịch đúng nghĩa khi cộng đồng người dân nơi có điểm du lịch được hưởng lợi từ chính hoạt động du lịch, được hướng dẫn cách thức làm du lịch thì nó mới phát triển đúng hướng, góp phần tích cực vào công cuộc XĐGN.


Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục

Bước khởi đầu khẳng định đẳng cấp thương hiệu du lịch VN
Dư âm của những màn trình diễn giữa 2 đội VN và Hồng Kông đêm trước vẫn còn phảng phất. Tối 28.3, hàng vạn khán giả lại được tiếp tục thưởng ngoạn phần thi của 2 đội Canada và Malaysia.
30/03/2008
“Cháy” tour du lịch trong dịp Tết Mậu Tý
Đó là nhận định của hầu hết trung tâm lữ hành trong đợt Tết Mậu Tý này. Xu hướng đi du lịch trong những ngày Tết đang hút khách, khiến cho khôngnhữngtourtrong nước, mà cả các tour đi nước ngoài đều “cháy”...
27/01/2008
Cho phép đoàn du lịch caravan vào Việt Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép tổ chức các đoàn Caravan vào Việt Nam tham quan, du lịch và khảo sát du lịch.
25/03/2008
Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc
(HGĐT)- Hà Giang, miền đất cổ xưa được xác nhận là một trong những vùng đất văn hóa sớm nhất Việt Nam. Ngự trị trên vĩ độ cao nhất cực Bắc đất nước Việt Nam nơi có chấm son cột cờ Lũng Cú ngày đêm tung bay giữa gió ngàn cao nguyên, trung tâm tỉnh lỵ cách thủ đô Hà Nội 320 km về phía Bắc dọc theo tuyến quốc lộ 2.
25/02/2008