Bắc Mê - khởi động “con đường” du lịch
(HGĐT)- Hiếm có địa phương nào trong tỉnh lại hội tụ nhiều thuận lợi để phát triển du lịch như Bắc Mê. Một vùng lòng hồ thuỷ điện rộng lớn xuyên qua những dãy núi đá sừng sững với nhiều khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi.
Di tích lịch sử Căng Bắc Mê - điểm tham quan lý tưởng của du khách. |
Hay một di tích lịch sử Căng Bắc Mê, các hang động có giá trị lịch sử như Nà Chảo, Đán Cúm... là những lợi thế để hình thành và khởi động “con đường” du lịch Bắc Mê. Từ những lợi thế đó, Bắc Mê đang làm nhiều việc để biến tiềm năng thành động lực phát triển.
Tiềm năng
Bắc Mê không có dòng suối khoáng để đầu tư xây dựng khu du lịch như Thông Nguyên (Hoàng Su Phì), không có đèo Gió quanh năm mây phủ hay bãi đá cổ như Xín Mần, không được tạo hoá ban cho cao nguyên đá kỳ vĩ như Đồng Văn, Mèo Vạc nhưng mảnh đất này vẫn hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển du lịch. “Con đường” du lịch Bắc Mê được kết hợp tổng hoà giữa sự thăng trầm, lắng đọng ở di tích lịch sử Căng Bắc Mê, hang Nà Chảo, Đán Cúm - nơi chứa đựng bên trong nhiều dấu tích khẳng định quá trình phát triển của lịch sử loài người. Du lịch Bắc Mê còn là sự mênh mang, choáng ngợp trước không gian bao la của sông nước. Khi thuỷ điện Tuyên Quang chính thức ngăn đập đã tạo ra vùng hồ rộng lớn trải dài từ trung tâm huyện đến tận chân đập thuỷ điện. Trên quãng đường du lịch dài hàng chục km đường sông nước, du khách sẽ đi qua nhiều dãy núi đá với những khu rừng nguyên sinh soi bóng, đi qua những địa danh nổi tiếng của mảnh đất Tuyên Quang, nơi có 99 ngọn núi tượng trưng cho 99 con voi chầu về đất mẹ. Đến với du lịch sông nước Bắc Mê, du khách còn được thưởng thức những món ăn chế biến từ các loài thuỷ sản quý như cá Lăng, Quất, Chiên…do người dân đánh bắt ngay khu vực lòng hồ cung cấp.
Rời vùng sông nước mênh mang, đi tiếp “con đường” du lịch Bắc Mê, du khách sẽ được tham quan, khám phá các hang động có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng như hang Đán Cúm, Nà Chảo. Trong đợt điều tra, khảo sát khảo cổ học dọc bờ sông Gâm, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh đã phát hiện hang Đán Cúm (Yên Cường). Đây là hang động tương đối rộng, bên trong có nhiều công cụ của người tiền sử. Toàn bộ công cụ của người tiền sử ở đây được chế tác từ những viên đá cuội suối mang đặc trưng của nền văn hoá Hoà Bình, cách ngày nay trên 10 nghìn năm. Cũng trong đợt điều tra, thám sát khảo cổ học này, đoàn cán bộ khảo sát còn phát hiện di chỉ của người tiền sử tại hang Nà Chảo, thôn Tà Lùng (Yên Cường). Hang Nà Chảo tương đối rộng, có miệng hình hàm ếch, cửa hang rộng từ 50-60 m, sâu hơn 50 m, trần hang hình vòm uốn cao 15-20 m, ít nhũ phủ. Tại hang Nà Chảo, đoàn khảo sát đã phát hiện một số rìu mài lưỡi rìu tạo vai thô sơ cùng hơn 2.700 công cụ thu thập được trong đợt khai quật đầu tiên và đưa ra giả định: Phải chăng chủ nhân của văn hoá Hoà Bình ở Nà Chảo là một trong số những cộng đồng dân cư đã trực tiếp phát minh ra kỹ thuật mài đá, sáng tạo ra loại hình rìu có chuôi tra cán, tạo cơ sở đầu tiên cho sự phát triển văn hoá đá mài. Với những cứ liệu thu được qua đợt khai quật cho thấy chủ nhân sống ở hang Nà Chảo thuộc giai đoạn văn hoá Hoà Bình muộn, có niên đại cách ngày nay khoảng 7-8 nghìn năm.
Ngoài những hang, động, di tích lịch sử Căng Bắc Mê cũng là một điểm quan trọng kết nối “con đường” văn hoá du lịch Bắc Mê. Căng Bắc Mê do thực dân Pháp lập lên nhằm kiểm soát toàn bộ tuyến giao thông nối 3 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng và Tuyên Quang. Nơi đây còn được sử dụng để giam giữ, cầm tù nhiều chiến sỹ cách mạng như: Xuân Thủy, Nguyên Hồng, Lê Giản… Căng được xây dựng gồm hệ thống nhà giam, vọng gác, nhà thông tin của thực dân Pháp. Trước năm 1938, Căng Bắc Mê chỉ là một đồn binh nhỏ nhưng chúng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, rừng thiêng nước độc, biến nơi đây thành trại giam các cán bộ hoạt động cách mạng. Từ năm 1938-1942, thực dân Pháp đã 2 lần đưa tù nhân chính trị đến giam tại đây với số lượng khoảng 300 người. Năm 1991, Căng Bắc Mê được Nhà nước cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng.
Định hướng phát triển
Nhận rõ tiềm năng, thế mạnh, huyện đang xúc tiến nhiều hoạt động nhằm khởi động “con đường” du lịch bằng việc xây dựng, liên kết tua, tuyến du lịch dài ngày như Bắc Mê - Cao Bằng; Bắc Mê - Đường Âm - Na Hang (Tuyên Quang) - Bắc Kạn; Bắc Mê - Na Hang - Ba Bể (Bắc Kạn) bằng đường thuỷ. Hơn nữa, nhờ những phát hiện ở Nà Chảo, Đán Cúm cũng như việc nghiên cứu mối quan hệ văn hoá giữa chúng với các di tích đã phát hiện trước đây và sau này có thể thiết lập được một tuyến phát triển văn hoá tiền sử trên đất Hà Giang mà những mắt xích của nó được đại diện bởi những di tích tiêu biểu đã tìm thấy như Đán Cúm - Nà Chảo - Khuẩy Nấng - Đồi thông và di chỉ Lò Gạch (phường Trần Phú - thị xã Hà Giang). Đây chính là con đường phát triển kéo dài gần suốt thời gian tồn tại của thời đồ đá- một thời xa xưa nhất trong lịch sử phát triển của loài người. Trong đó Nà Chảo, Đán Cúm được coi là những di tích nằm ở giai đoạn bản lề của bước chuyển đổi mang tính thời đại, từ thời đồ đá cũ sang thời đại đá mới, từ thời săn bắt, hái lượm sang thời đại trồng trọt và chăn nuôi. Với xu hướng chung của hoạt động lữ hành Quốc tế là tham gia các tua du lịch khám phá thì Bắc Mê có nhiều yếu tố thuận lợi và có thể trở thành một trong những điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Thế nhưng phải khẳng định, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch Bắc Mê hiện rất thiếu và yếu. Hệ thống giao thông nối các điểm du lịch chưa hoàn thiện, các nhà hàng khách sạn chưa mang tính chuyên nghiệp. Mặc dù Bắc Mê đang đẩy mạnh hình thành, phát triển các làng văn hoá du lịch cộng đồng để lưu giữ chân khách thì việc đầu tư phát triển hệ thống khách sạn cũng rất quan trọng. Nhằm khởi động “con đường” du lịch, Bắc Mê đã xây dựng chương trình phát triển du lịch tổng thể đến năm 2010 có định hướng đến 2015. Mục tiêu đặt ra là xây dựng Bắc Mê trở thành địa điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Để đạt được điều này, trước mắt huyện sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đầu tư nâng cấp đường vào hang Đán Cúm, mở mới đường vào hang Bó Lỷ, xây dựng các làng văn hoá dọc Quốc lộ 34 gắn với phát triển rừng sinh thái, rừng cảnh quan. Phấn đấu mỗi năm trồng 100 ha rừng cảnh quan và rừng sinh thái để đến năm 2015 toàn huyện có 1.000 ha rừng với các giống cây bản địa, mang tính đặc thù của địa phương để phục vụ du khách.
Nhận ra tiềm năng, lợi thế, Bắc Mê đang quyết tâm “đánh thức” tiềm năng để hình thành “con đường” du lịch hấp dẫn.
Ý kiến bạn đọc