Ấn tượng Vân Sơn

07:24, 16/04/2008

(HGĐT)- Châu Vân Sơn thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), giáp với tỉnh Hà Giang. Diện tích tự nhiên của châu là 32.239 km2; dân số 340 vạn người. Về mặt địa hình, Vân Sơn có độ cao trung bình so với mặt nướcbiển khoảng 1500 đến 1800m; đồi, núi trùng điệp, nhiều dốc cao, vực sâu giống như huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Vân Sơn còn rất nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên không thuận lợi; tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ châu, 11 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này đang đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách tiến tới mục tiêu giàu, đẹp.


Những tiềm năng đang được khai thác...

Nhận lời mời của Nhật báo châu Vân Sơn, những ngày giữa tháng 4 này, đoàn cán bộ báo Hà Giang gồm Tổng Biên tập Lê Trọng Lập và Trưởng phòng Phóng viên Nguyễn Trung Thu đã sang dự Hội nghị “Nghiệp vụ tuyên truyền báo chí năm 2008” do Nhật báo Vân Sơn tổ chức. Hãy khoan hãy nói về chuyện nghiệp vụ vì những nơi báo bạn đưa chúng tôi đến thăm quan, khảo sát đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ về một châu Vân Sơn đang từng ngày đổi mới, phát triển bằng chính những tiềm năng và lợi thế của mình: Đó là về du lịch, khai thác khoáng sản, trồng những loại cây đặc sản, chế biến...

     
       Tổng biên tập Nhật báo Vân Sơn Diễn Hưng Quốc trao tặng Tổng biên tập Báo Hà Giang cuốn kỷ yếu 50 năm thành lập châu Vân Sơn. ảnh: Trung Thu.


Vân Sơn nổi tiếng với cây tam thất. Cây tam thất ở đây đã có từ rất lâu và kể từ khi con người phát hiện ra những tác dụng của tam thất đến nay cũng đã khoảng 500 năm. Nghe kể lại, thời nhà Minh, Trung Quốc có ông Lý Thời Châm quê ở tỉnh Hà Bắc, là người nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu tác dụng chữa bệnh của các loại cây. Chính ông đã phát hiện ra tác dụng của cây tam thất ở Vân Sơn. Ông được coi là ông tổ Trung y sau khi viết cuốn “Cương mục bản thảo” (đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Hàn Quốc, Nhật Bản...), nói về tác dụng của các loại cây thuốc, trong đó có cây tam thất. Tới thăm trung tâm nghiên cứu, triển lãm, quảng cáo, giao dịch và kinh doanh tam thất có diện tích mặt sàn tới 60.000 m2 mới thấy hết được sự chú trọng của người Vân Sơn đối với một loại cây quí hiếm. Ông Lôi Thiệu Võ - Cục trưởng Cục chế biến đặc sản châu Vân Sơn cho biết: Tổng diện tích trồng tam thất của châu khoảng 8000 ha (trồng nhiều nhất ở huyện Vân Sơn), mỗi năm cho sản lượng trên 9000 tấn. Năm 2007, tổng doanh thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh tam thất khoảng 1,8 tỷ Nhân dân tệ (tổng thu của châu là 10, 5 tỷ Nhân dân tệ). ở Trung Quốc có 1302 nhà máy sản xuất thuốc dùng nguyên liệu từ tam thất. Cây tam thất có thể chế biến ra 3500 loại thuốc khác nhau. Trồng cây tam thất sau 3 năm sẽ cho thu hoạch; ngoài yếu tố về kỹ thuật, khí hậu ở độ cao trung bình 1800m sẽ cho chất lượng củ cao nhất. Củ tam thất cũng đã rất quen thuộc với người Việt Nam , nhưng để hiểu hết tác dụng của tam thất và để được thưởng thức những món ăn, thức uống ngon được chế biến phong phú từ tam thất thì chắc phải đến châu Vân Sơn.

     
      Các đồng chí: Triệu Đình Giang, Bí thư đảng, Giám đốc Nhật báo Vân Sơn; Diễn Hưng Quốc, Tổng biên tập Nhật báo Vân Sơn cùng các Biên tập viên trong toà soạn giới thiệu tờ báo cuối tuần của Nhật báo Vân Sơn với Tổng biên tập Báo Hà Giang Lê trọng Lập. Ảnh: Trung Thu.


Khu du lịch Khâu Bắc (thuộc huyện Khâu Bắc) nằm cách trung tâm châu khoảng trên 130 km về phía Bắc . Nơi đây chủ yếu là người dân tộc Di; có hồ Phổ Nhĩ Hách ( tiếng dân tộc Di, dịch ra tiếng Hán có nghĩa là nhiều tôm, nhiều cá), dài tới 20 km. Đây là khu du lịch không những nổi tiếng của châu mà nổi tiếng cả tỉnh Vân Nam. Vào những ngày nghỉ, nhiều du khách từ Côn Minh, và cả ở Quảng Tây, Quí Châu cũng đến nơi này để thả hồn theo những điệu hò, ngắm cảnh núi non, sông nước và thưởng thức văn hóa ẩm thực tại các làng của người Di (tựa như các làng văn hóa - du lịch của ta). Người Khâu Bắc cũng rất giỏi làm du lịch: Hồ Phổ Nhĩ Hách dài là thế, dân cư sinh sống hai bên bờ nhưng môi trường cảnh quan được tổ chức giữ gìn rất tốt, không có người lấn chiếm lòng hồ để phục vụ lợi ích cá nhân. Dọc trên hồ, nhiều người lần đầu đến đây sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì những cây cầu được tạo dựng có hình dáng giống như những cây cổ thụ đổ vắt ngang hai bên bờ. Bằng cách tổ chức cho các hộ dân luân phiên tham gia các hoạt động dịch vụ, khu du lịch đã góp phần rất lớn trong việc tạo việc làm, nâng cao mức sống người dân. Khách sạn, nhà hàng được đầu tư khang trang; đội ngũ nhân viên phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp và mang đậm bản sắc địa phương. Vào tầm tháng 7, sen dưới hồ nở rộ hoa, toả hương thơm ngây ngất khiến cho du khách đi thuyền trên hồ tưởng như đang ở nơi tiên cảnh. Ngoài hồ Phổ Nhĩ Hách, Khâu Bắc còn có hồ Bản Nông tựa như hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, có nguồn nước tự nhiên rất lớn, nhiều đảo đẹp; cũng đang được đầu tư xây dựng trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Anh Triệu Đình Giang, Bí thư Đảng, Giám đốc Nhật báo Vân Sơn sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở Khâu Bắc, nguyên là Bí thư huyện Khâu Bắc. Trong một buổi tối mời các bạn Báo Hà Giang thưởng thức văn hóa ẩm thực tại làng dân tộc Di, anh Giang cùng với đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy Khâu Bắc đã rất hồ hởi giới thiệu về đặc sản rượu vang nho được sản xuất tại quê hương anh. Khách quan mà nói, những chai rượu vang nho Khâu Bắc có mẫu mã đẹp, chất lượng rượu ngon, có lẽ không kém rượu vang nho Boóc - đô của Pháp là bao.


Ngoài thế mạnh về du lịch, Khâu Bắc còn nổi tiếng là vùng đặc sản ớt, vùng trồng nho, trồng cây thuốc lá của châu. Diện tích trồng nho ở đây hiện có khoảng 10 vạn mẫu, trong thời gian tới sẽ được nâng lên khoảng 30 vạn mẫu. ớt được xuất khẩu sang nhiều nước, nhiều nhất là sang Nhật Bản. Được biết, ớt xuất khẩu không những để chế biến gia vị mà còn để chế màu sắc cho một số loại sơn...


Khai thác khoáng sản cũng là một thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế rất lớn ở châu Vân Sơn. Khoáng sản ở đây chủ yếu là quặng sắt, nhôm, thiếc, được khai thác, chế biến với qui mô công nghiệp.


Những ngày chúng tôi ở Vân Sơn đúng vào dịp châu vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập ( tháng 4 năm 1958 - 4 năm 2008). Sau 50 năm, một châu Văn Sơn cường thịnh đang dần hiện hữu. Cũng giống như ở tỉnh ta, việc giao cho các cơ quan, ban, ngành phụ trách giúp đỡ các xã khó khăn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tốc độ xây dựng ở đây cũng để những ấn tượng mạnh mẽ. Tôi còn nhớ, vào khoảng năm 1997, được đi cùng đoàn công tác của tỉnh ta, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Đình Châm dẫn đầu sang châu Vân Sơn, con đường từ cửa khẩu Thiên Bảo vào châu và từ châu đến Khâu Bắc còn nhỏ, mặt đường cũng không được tốt. Sau hơn 10 năm trở lại, hệ thống giao thông đã phát triển có thể nói là lý tưởng, rất thuận lợi. Thành phố Vân Sơn với diện tích trên20km2, dân số khoảng 20 vạn người đã trở thành một thành phố bề thế, sầm uất, mang dáng dấp hiện đại. Việc qui hoạch xây dựng thành phố được thực hiện nghiêm. Người dân vẫn được mua đất làm nhà nhưng khi xây dựng bắt buộc phải theo thiết kế qui hoạch chung của từng dãy phố. Sân vận động trung tâm mới được khánh thành, có khoảng trên 20.000 chỗ ngồi. Theo bạn cho biết, số tiền đầu tư xây dựng là 100 triệu Nhân dân tệ. Đây cũng là khu liên hợp thể thao, có cả khách sạn, có khả năng đáp ứng cho những sự kiện thể thao lớn giống như sân vận động Mỹ Đình của Hà Nội. Quảng trường Hoa Tam Thất cũng vừa được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập châu - một quảng trường rộng lớn, được xây dựng đẹp, hài hòa với kiến trúc xung quanh, vừa là nơi dạo chơi thư giãn lý tưởng cho người dân thành phố, vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Gần quảng trường có Làng dân tộc cũng mới được xây dựng. Làng dân tộc có thể coi như một “bảo tàng sống” về văn hóa các dân tộc của châu vì sẽ có các gia đình đại diện cho 11 dân tộc anh em của châu vào đây sinh sống, phát triển các dịch vụ mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Buổi tối, vào mùa này, lên tháp Vang Bút cao tới 999 bậc, nhìn ngắm toàn cảnh thành phố với những ánh đèn như sao sa, cảm giác thật mát và thoải mái. Theo anh bạn Hùng, cán bộ của Văn phòng Chính phủ châu - phiên dịch cho đoàn giới thiệu, được biết: Tháp Vang Bút đã có lịch sử hàng trăm năm. Tháp là nơi tôn vinh truyền thống hiếu học từ những thế hệ xưa trước, để đời đời con cháu nhìn đó làm gương phấn đấu học tập. Thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, tháp Vang Bút bị phá bỏ, mãi đến năm 1993 mới được tôn tạo lại và đến năm 1997 mới được xây dựng thành 7 tầng như hiện nay. Người dân thành phố Vân Sơn nhìn lên tháp Vang Bút, không quên một thời kỳ bi thương đã đi vào lịch sử, đồng thời luôn tự hào về một truyền thống tốt đẹp, từ đó càng quyết tâm đoàn kết học tập để xây dựng thành phố ngày càng giàu, đẹp hơn...


... Và tình cảm của những người làm báo Vân Sơn:


Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập quay sang nói với tôi trên đường về khách sạn, sau khi kết thúc hội nghị trao đổi nghiệp vụ báo chí giữa Báo Hà Giang và Nhật báo Vân Sơn: “Chuyến đi rất thành công”. Là thành viên tham gia Hội nghị, tôi hiểu được sự thành công đó. Phải khách quan nói rằng, nếu theo cấp độ đơn vị hành chính thì các cơ quan báo chí của tỉnh Hà Giang giống như các cơ quan báo chí của tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, về qui mô thì không phải như vậy. Tuy là cơ quan báo chí ở một châu nhưng Nhật báo Vân Sơn phát triển rất mạnh. Toàn cơ quan báo có trên 100 nhân viên, trong đó phóng viên và biên tập viên có trên 60 người, 95% có trình độ đại học trở lên, có 5 nghiên cứu sinh. Báo có Nhà máy in riêng. Nhật báo Vân Sơn có 4 trang, phát hành mỗi kỳ 4 vạn bản; ngoài các số hàng ngày còn thêm số cuối tuần 8 trang. Bên cạnh tờ Nhật báo Vân Sơn, tờ Báo Tem Vân Sơn cũng được phát hành 6 kỳ một tuần, dành cho đối tượng chính là người dân thành phố Vân Sơn, đưa những thông tin phù hợp với nhu cầu của người dân thành phố. Báo Tem Vân Sơn ra đời từ năm 2000, khi mới ra số lượng phát hành chỉ khoảng 1000 đến 2000 bản, hiện nay đã đạt con số trên 1 vạn bản. Báo điện tử phát trên mạng Internet và phát trên mạng điện thoại di động cũng phát triển rất mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ châu, Nhật báo Vân Sơn ngày càng phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của châu. Về công tác tuyên truyền đối ngoại, Nhật báo Vân Sơn đã mở chuyên mục tuyên truyền về các nước Đông Nam á, nhất là về Việt Nam (tuyên truyền về các chủ trương, chính sách đổi mới của Việt Nam; về các doanh nghiệp của châu hoạt động ở Việt Nam; tuyên truyền về sự hợp tác bảo vệ môi trường ở biên giới). Trong Hội nghị, Tổng Biên tập Nhật báo Vân Sơn Diễn Hưng Quốc và Tổng Biên tập Báo Hà Giang Lê Trọng Lập đã rất cởi mở, chân thành trao đổi với nhau những kinh nghiệm làm báo của hai bên; đồng thời trên tinh thần “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, hai Tổng Biên tập đã nhanh chóng “gặp nhau” ở điểm mà hai bên cùng quan tâm. Đó là thống nhất trong thời gian tới, Báo Hà Giang và Nhật báo Vân Sơn sẽ thường xuyên có những hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao nghiệp vụ báo chí, phát triển hơn nữa tình hữu nghị giữa hai báo, góp phần xây dựng tình hữu nghị Việt - Trung ngày càng bền chặt. Châu Vân Sơn và Hà Giang có rất nhiều điểm giống nhau, như: Cùng là vùng cao biên giới; có nhiều dân tộc ít người; đời sống, dân trí của đồng bào vùng cao còn thấp; điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt... cho nên làm báo ở Vân Sơn cũng có nhiều điểm giống như làm báo ở Hà Giang. Nhật báo Vân Sơn nằm trong Hội đồng quản trị Hiệp hội báo chí các vùng dân tộc của Trung Quốc và Tổng Biên tập Diễn Hưng Quốc là Phó Chủ tịch Hiệp hội. Khi nghe nói, Báo Hà Giang cũng luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nên đã có sự lớn mạnh cả về hình thức lẫn nội dung; số lượng phát hành ngày càng tăng, đến cả các đối tượng là trưởng thôn bản; nhiều chuyên mục tuyên truyền phù hợp với thực tiễn cuộc sống người dân, đã có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, nhà nước; Tổng Biên tập Diễn Hưng Quốc tỏ ý rất vui mừng và coi đó là những kinh nghiệm quí để tiếp tục phát triển tờ báo của mình.


Phải nói, tình cảm, sự quan tâm của các đồng nghiệp làm báo Vân Sơn dành cho chúng tôi thật ấm áp, chu đáo. Khi chuẩn bị sang, do không có phiên dịch đi cùng, thật lòng tôi thấy hơi lo lắng. Lo bởi cả Tổng Biên tập và tôi đều không biết tiếng Trung Quốc, vì vậy rất khó chủ động và không thuận lợi trong trao đổi công việc. Tuy nhiên, việc báo bạn bố trí phiên dịch và tổ chức đón đoàn rất trân trọng, thân mật ngay tại cửa khẩu Thiên Bảo đã xóa tan những lo lắng ban đầu. Trong suốt quá trình làm việc, thăm quan khảo sát, bạn luôn bố trí hai phiên dịch, đồng thời tạo những điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất về nơi nghỉ, nơi ăn, khiến cho chúng tôi luôn có cảm giác như đang làm việc ở nhà mình. Anh Hùng (cán bộ văn phòng Chính phủ châu) và chị Lan (giáo viên trường Trung cấp Nông nghiệp châu Vân Sơn do biết tiếng Việt, được báo bạn mời giúp phiên dịch cho đoàn cũng đã rất nhiệt tình, trách nhiệm. Chính họ là những người đã đem lại sự thành công cho Hội nghị giữa hai báo về cả phương diện nghiệp vụ lẫn tình cảm, tình hữu nghị thắm thiết. Chị Lan nói với Tổng Biên tập Lê Trọng Lập rằng, tới đây có lẽ sẽ xin chuyển nghề sang làm báo. Tôi nghĩ, đó là câu nói thật, ít nhất là thật về tình cảm, bởi lẽ chị đã cảm nhận được cái tình của của những người làm báo Hà Giang và châu Vân Sơn dành cho nhau thật sự thân thiện, nồng ấm...


Chia tay Nhật báo Vân Sơn, Tổng Biên tập Diễn Hưng Quốc tiễn đến tận cửa khẩu Thanh Thuỷ. Ngồi trên xe ô-tô suốt chặng đường dài, tôi luôn nghĩ về những cái bắt tay chân thành, ấm áp, những gương mặt cởi mở, ngoài của các anh lãnh đạo như Triệu Đình Giang, Bí thư Đảng, Giám đốc Nhật báo; Tổng Biên tập Diễn Hưng Quốc; Phó Tổng Biên tập Lưu Quốc Hoa còn có cả các anh biên tập viên, phóng viên là Chu Vị Hồng, Khuất Ba, Dụ Truyền Hồng... Và tôi nghĩ, những mong muốn của Tổng Biên tập Lê Trọng Lập cùng Tổng Biên tập Diễn Hưng Quốc về một sự giao lưu hợp tác chắc sớm thành hiện thực vì nó góp phần tích cực cho sự phát triển tình hữu nghị giữa hai Đảng, nhà nước và nhân dân hai nước.


    
    Đồng chí: Diễn Hưng Quốc TBT Nhật báo Vân Sơn, ông Lôi Thiệu Võ Giám đốc Trung tâm chế biến đặc sản châu Vân Sơn; cùng Tổng biên tập  Báo Hà Giang Lê Trọng Lập và thành viên trong đoàn thăm sân vận động trung tâm châu Vân Sơn. Ảnh: P.V
      
      
       Đường cao tốc nối liền châu Vân Sơn với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) mới được hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế trong vùng phát triển. ảnh: Trung Thu.


Trung Thu

Cùng chuyên mục

Bước khởi đầu khẳng định đẳng cấp thương hiệu du lịch VN
Dư âm của những màn trình diễn giữa 2 đội VN và Hồng Kông đêm trước vẫn còn phảng phất. Tối 28.3, hàng vạn khán giả lại được tiếp tục thưởng ngoạn phần thi của 2 đội Canada và Malaysia.
30/03/2008
“Cháy” tour du lịch trong dịp Tết Mậu Tý
Đó là nhận định của hầu hết trung tâm lữ hành trong đợt Tết Mậu Tý này. Xu hướng đi du lịch trong những ngày Tết đang hút khách, khiến cho khôngnhữngtourtrong nước, mà cả các tour đi nước ngoài đều “cháy”...
27/01/2008
Cho phép đoàn du lịch caravan vào Việt Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cho phép tổ chức các đoàn Caravan vào Việt Nam tham quan, du lịch và khảo sát du lịch.
25/03/2008
Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc
(HGĐT)- Hà Giang, miền đất cổ xưa được xác nhận là một trong những vùng đất văn hóa sớm nhất Việt Nam. Ngự trị trên vĩ độ cao nhất cực Bắc đất nước Việt Nam nơi có chấm son cột cờ Lũng Cú ngày đêm tung bay giữa gió ngàn cao nguyên, trung tâm tỉnh lỵ cách thủ đô Hà Nội 320 km về phía Bắc dọc theo tuyến quốc lộ 2.
25/02/2008