Hà Giang nỗ lực phát triển du lịch

15:11, 28/12/2007

(HGĐT) Lượng khách du lịch đến Hà Giang, trong năm 2007, đạt gần 164 ngàn lượt người, trong đó khách nước ngoài trên 32 ngàn lượt người, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 132 tỷ đồng, vượt 2 tỷ đồng so với kế hoạch và tăng 27 tỷ đồng so với năm 2006…


     

Có thể những con số trên còn khá khiêm tốn so với các tỉnh khác. Tuy nhiên với một tỉnh vùng cao như Hà Giang thì đây là kết quả cả một quá trình cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

 

Trong những năm qua, tỉnh ta luôn xác định du lịch là một trong thế mạnh của tỉnh cần được đầu tư khai thác. Từ lâu Hà Giang được biết đến là vùng đất biên viễn xa xôi của Tổ quốc, với các địa danh nổi tiếng như: Dốc Mã Pì Lèng, sông Nho Quế, cổng trời Quản Bạ, núi cô Tiên… Địa hình hiểm trở, hùng vĩ đã từng một thời là trở ngại cho con người trong việc giao thương buôn bán thì nay trở thành thế mạnh cho loại hình du lịch sinh thái. Khí hậu giá rét quanh năm lại là điều kiện để Hà Giang có thể sản xuất các loại rau hoa trái vụ được thị trường ưu chuộng; để Hà Giang phát triển các loại cây đặc sản như: Chè shan tuyết, cam sành, mật o­ng bạc hà… Nhưng điểm tạo nên sức hút cho du lịch Hà Giang lại chính là những con người hồn hậu nơi đây. Đất lành chim đậu, từ lâu, Hà Giang đã là nơi quy tụ sinh sống của 22 cộng đồng dân tộc. Mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng của mình, tạo nên cho vùng đất này bản sắc văn hoá độc đáo mà không phải vùng đất nào cũng có được. Nhận thấy tiềm năng to lớn này, các địa phương đã chú trọng xây dựng các làng văn hoá du lịch cộng đồng. Trong đó, những giá trị văn hoá truyền thống của từng dân tộc sẽ được gìn giữ và phát huy. Xây dựng nên những làng văn hoá mang sắc thái riêng của từng dân tộc, từng vùng. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 25 LVH du lịch cộng đồng. Có thể khẳng định, việc khai thác vốn văn hoá truyền thống trong phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn nếu như chúng ta dám đầu tư một cách thoả đáng.

 

Với du khách trong và ngoài nước thì Hà Giang vẫn là một vùng đất lạ, đầy sức hút. Rất nhiều du khách đến với Hà Giang nhiều lần vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên nơi đây. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, giá rét, khô hạn quanh năm, diện tích canh tác thì đá chiếm quá nửa… con người nơi đây vẫn kiên cường bám trụ. Họ vẫn hồn hậu, yêu đời, lên nương, xuống chợ với những làn điệu dân ca say đắm lòng người.

 

Nhằm khai thác tốt thế mạnh này, năm qua, tỉnh ta đã có rất nhiều nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư cho du lịch. Hàng loạt các hoạt động được diễn ra từ đầu năm đến nay, như: Tổ chức tốt Hội chợ văn hoá, thời trang, ẩm thực vùng Đông Bắc; hội nghị tư vấn phát triển du lịch Hà Giang tại Đồng Văn; lễ hội chợ tình Khâu Vai; khánh thành khu du lịch sinh thái Pan Hao tại xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì); tổ chức thành công lễ hội văn hoá Trà và hội chợ khuyến nông 2007… Hội chợ thương mại các huyện đã gắn kết được thương mại, văn hoá, du lịch và xúc tiến đầu tư. Cùng đó, hàng loạt các chợ nông thôn, chợ biên giới được mở đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với kinh tế thị trường, thúc đẩy sản xuất hàng hoá. Riêng trong năm 2007, tỉnh ta đã mở mới 30 chợ trung tâm xã, nâng tổng số chợ cả tỉnh lên 143 chợ. Trong đó, 7 chợ được xây dựng kiên cố, 25 chợ bán kiên cố và 111 chợ xép. Các địa phương cũng đã chú trọng đến việc tổ chức sản xuất, giới thiệu các sản phẩm văn hoá truyền thống, các mặt hàng đặc sản. Có thể nói kết quả thu được từ những họat động này không chỉ được tính bằng giá trị kinh tế mà cái được nhất chính là đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về lĩnh vực du lịch. Người dân đã thấy được hiệu quả từ những hoạt động du lịch đem lại. Điều đó là cực kỳ quan trọng để có thể phát triển ngành công nghiệp không khói này.

 

Kết quả trên chỉ là bước đi ban đầu, nhưng để Hà Giang trở thành địa danh quen thuộc trên bản đồ du lịch thì tỉnh ta cần có những tác động tích cực hơn nữa. Để năm 2008 trở thành điểm nhấn của du lịch, tỉnh ta xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch, quy hoạch chi tiết các điểm du lịch; mở rộng liên kết trong phát triển du lịch; đầu tư cho các làng văn hoá du lịch gắn với các ngành nghề thủ công truyền thống; vận động các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này… Đặc biệt, cần đầu tư thoả đáng cho công tác quảng bá bởi đây là điều kiện tiên quyết phát triển du lịch. Thực tế hiện nay vẫn còn không ít người chỉ biết đến Hà Giang như là một vùng đất nghèo khó. Không mấy ai biết đến cột cờ Lùng Cú, đỉnh cao thiêng liêng của Tổ quốc; biết đến cao nguyên đá, từng một thời sầm uất nổi tiếng với phố cổ Đồng Văn hàng trăm năm tuổi; biết đến dinh Xà Phìn, nơi ở của một người được mệnh danh là vua Mèo một thời; biết đến những phiên chợ sặc sỡ sắc màu hoa văn với bao thứ ngôn ngữ lạ lẫm…

 

Làm tốt công tác tuyên truyên, quảng bá cộng với cơ sở hạ tầng du lịch tốt, chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai của ngành công nghiệp không khói này. Đây sẽ là động lực để tỉnh ta bứt phá vươn lên.


Yến Khanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tự hào “Quê đá”
(HGĐT)- Cao nguyên Đồng Văn bao gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đây là cao nguyên độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có đến hơn 90% diện tích trong tổng số khoảng 2300km2 là núi đá vôi, chính vì vậy cao nguyên Đồng Văn còn được gọi với các tên khác là Cao nguyên đá.
30/10/2007
Vùng du lịch kỳ thú
Sa Pa - tiếng Quan thoại gọi Sa Pả, nghĩa là bãi cát, người phương Tây phát âm không có dấu nên thành Sa Pa. Được phát hiện năm 1903, vùng du lịch Sa Pa luôn là nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi khí hậu trong lành, mát mẻ và phong cảnh thơ mộng, vẻ đẹp quyến rũ. Đây còn là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những nghệ sỹ, thi sỹ về vùng đất luôn ẩn chứa bao điều
28/11/2007
Mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch
(HGĐT)- Năm 2007, được sự quan tâm của T.Ư, của tỉnh, với cơ chế chính sách thông thoáng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hòa nhập với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch.
26/11/2007
2007: năm phát triển du lịch chống đói nghèo
Với tốc độ phát triển đáng kể 4%/năm của du lịch thế giới và ngành này đã chứng tỏ là nguồn lực xóa bỏ đói nghèo hiệu quả, giúp phát triển bền vững, LHQ đã quyết định lấy năm 2007 là Năm phát triển du lịch chống đói nghèo.
24/10/2007