Vùng du lịch kỳ thú

21:44, 28/11/2007

Sa Pa - tiếng Quan thoại gọi Sa Pả, nghĩa là bãi cát, người phương Tây phát âm không có dấu nên thành Sa Pa. Được phát hiện năm 1903, vùng du lịch Sa Pa luôn là nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi khí hậu trong lành, mát mẻ và phong cảnh thơ mộng, vẻ đẹp quyến rũ. Đây còn là nơi khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những nghệ sỹ, thi sỹ về vùng đất luôn ẩn chứa bao điều kỳ thú.


 

 Thông cầu Hồ Kiều II.

Từ thành phố Lào Cai, vượt quãng đường đã được nâng cấp hơn 30 km là đến Sa Pa - “thành phố trong sương”, vùng đất du lịch kỳ thú, luôn tạo những điều kỳ diệu cho du khách mỗi lần khám phá. Nằm ở độ cao trung bình 1.500 m- 1.800 m nên khí hậu ở Sa Pa mát mẻ với nhiệt độ trung bình 15- 180C, đậm sắc thái của xứ ôn đới.


Đến Sa Pa, du khách được đắm mình trong phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ với những dãy núi, đồi đan xen; làn mây mỏng bảng lảng trôi - theo tưởng tượng của thi sĩ - như dáng thiếu nữ nhẹ nhàng, uyển chuyển, thêm phần quyến rũ. Sa Pa lúc nào cũng như bức tranh được bố cục chặt chẽ, thơ mộng và hấp dẫn. Thoắt đất trời sáng bừng, nắng nhẹ làm ửng hồng đôi má cô gái vùng sơn cước. Thoắt chìm trong mây mù, người và cảnh vật ẩn hiện trong mờ mờ ảo ảo.


Đến Sa Pa, điểm thăm đầu tiên của du khách là khu du lịch Hàm Rồng. Ngay những bước chân đầu tiên lên Hàm Rồng đã như lạc cõi mê với những loài hoa, giỏ hoa muôn màu khoe sắc rực rỡ. Mây lan nhẹ như muốn níu kéo du khách vào bồng lai tiên cảnh. Đứng trên đỉnh thỏa tầm mắt ngắm toàn cảnh thị trấn SaPa sôi động, thung lũng Mường Hoa e ấp và dãy Hoàng Liên có đỉnh Phan Xi Păng quanh năm mây phủ.Bên tai văng vẳng tiếng nhạc, tiếng khèn, hát giao duyên mang đậm nét văn hóa các dân tộc ở Sa Pa réo rắt trên đỉnh Hàm Rồng.


Rời Hàm Rồng, du khách tiếp tục thăm bãi đã cổ Hầu Thào và Tả Van. Rải rác bên thung lũng Mường Hoa, xen giữa những thửa ruộng bậc thang là những tảng đá với nhiều lớp chạm khắc đa dạng. Vùng di tích này rộng 8 km2, khoảng trên 200 phiến đá kích cỡ khác nhau. Thăm bãi đá cổ, du khách có thể khám phá những truyền thuyết lưu truyền từ xửa xưa, thú vị, lãng mạn. Di tích đang được các nhà khảo cổ quan tâm, nghiên cứu, hy vọng hé mở bí mật của một di sản từ cư dân Việt cổ. Khu đá cổ này đã được xếp hạng di tích Quốc gia và đang được Nhà nước đề nghị xếp hạng di sản thế giới.


Ngược đường lên Ô Quý Hồ quanh năm lộng gió sẽ tới Thác Bạc tuôn những dòng nước tạo thành âm thanh núi rừng, ào ào thác chảy, mưa nhỏ nhẹ như thủ thỉ tâm tình. Đứng nơi đây thỏa sức phóng tầm mắt thu gọn cả thị trấn Sa Pa lung linh huyền ảo trong nắng chiều với từng làn sương mỏng bay la đà. Phía trên cao kia là lừng lững dãy Hoàng Liên, có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m luôn hấp dẫn, mời gọi những du khách ưa khám phá, thích mạo hiểm để leo lên chinh phục “nóc nhà” Tổ quốc. Trên dãy Hoàng Liên phong phú các loại dược liệu quý, gỗ quý và nhiều loài chim thú. Khu rừng Quốc gia Hoàng Liên - vườn di sản ASEAN gần 1.000 loài chim, thú, côn trùng, có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam”; 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.


Ngay trung tâm thị trấn Sa Pa có nhà thờ cổ, những con đường uốn lượn, những công trình kiến trúc đẹp, thi thoảng lại chìm trong sương mờ. Nơi đây tối thứ bảy hàng tuần thu hút du khách dập dìu tìm về chợ tình trong réo rắt tiếng đàn môi, tiếng khèn trầm bổng quyến rũ.


Sa Pa là “vương quốc” của hoa trái, như đào hoa, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa lay dơn, hoa mận, hoa lê, hoa đào, hoa cúc, hoa hồng… đặc biệt là hoa phong lan. Đây là một loài hoa vô cùng phong phú về chủng loại, về hình dạng, màu sắc. Vườn lan trên núi Hàm Rồng có tới hơn 200 loài phong lan với những vẻ đẹp độc đáo. Nơi đây sưu tầm đủ các loài phong lan nổi tiếng, có cả những loài thật hiếm. Hương thơm từ ngôi vườn phong lan quyện theo gió tỏa khắp đất trời.


Đến Sa Pa là đến với văn hóa bản địa đặc sắc. Khắp bản làng, khắp đường phố luôn rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc: Mông, Dao, Tày… Những cô gái váy áo sặc sỡ xuống chợ phiên trong thời tiết se lạnh, đôi má ửng hồng, bước chân theo nhịp khèn môi. Những chàng trai của núi mải mê nâng khèn lên môi tìm bạn da diết nỗi nhớ thương, mộc mạc với tấm lòng người vùng cao. Những câu hát bất chợt ngân lên, lách trong màn sương, níu kéo bước chân khách tụ hội về trung tâm huyện - nơi gặp gỡ của những sắc màu văn hóa.


Dạo qua những di tích, thắng cảnh trong vùng, du khách thích khám phá những làng bản văn hóa - du lịch thì ngược núi đến Tả Van, Bản Hồ, Tả Phìn…Cuộc sống của người dân còn bình dị, còn nguyên sơ nét dân dã nhưng đầy sức quyến rũ, làm say mê du khách tìm về. Những nếp nhà sàn xinh xắn nép dưới tán rừng, sản vật phục vụ du lịch đậm riêng từng dân tộc. Người địa phương mến khách, thân thiện tạo sự gần gũi với du khách trong khung cảnh thiên nhiên mới lạ, hấp dẫn. Du khách còn được thăm các làng nghề truyền thống: Dệt vải, may mặc, đan lát, chế tác đồ trang sức, đồ gỗ, rèn đúc… Đặc biệt, Sa Pa còn có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách ưa thích như: Món cá từ suối Mường Hoa, nấm hương, nhiều loại rau thơm (húng tía, dấp cỏ, rau mì chính, rau chua…), bánh dầy, măng chua, thịt sấy…


Sa Pa luôn mới, luôn hấp dẫn. Mỗi lần đến sẽ cảm nhận một Sa Pa thêm phần quyến rũ. Vùng đất du lịch này mời gọi du khách gần xa đến khám phá “thành phố trong sương”.


Hải Xuyên

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tự hào “Quê đá”
(HGĐT)- Cao nguyên Đồng Văn bao gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Đây là cao nguyên độc nhất vô nhị ở Việt Nam vì có đến hơn 90% diện tích trong tổng số khoảng 2300km2 là núi đá vôi, chính vì vậy cao nguyên Đồng Văn còn được gọi với các tên khác là Cao nguyên đá.
30/10/2007
VN lọt vào nhóm 20 điểm du lịch được yêu thích nhất
Lần đầu tiên Việt Nam đã lọt vào danh sách 20 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2007 theo khảo sát của tạp chí du lịch Conde Nast Traveller - một trong những tạp chí nổi tiếng dành cho giới thượng lưu trên thế giới.
27/09/2007
Mạnh dạn đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch
(HGĐT)- Năm 2007, được sự quan tâm của T.Ư, của tỉnh, với cơ chế chính sách thông thoáng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng hòa nhập với cơ chế thị trường, mạnh dạn đầu tư khai thác tiềm năng phát triển du lịch.
26/11/2007
2007: năm phát triển du lịch chống đói nghèo
Với tốc độ phát triển đáng kể 4%/năm của du lịch thế giới và ngành này đã chứng tỏ là nguồn lực xóa bỏ đói nghèo hiệu quả, giúp phát triển bền vững, LHQ đã quyết định lấy năm 2007 là Năm phát triển du lịch chống đói nghèo.
24/10/2007