Nét văn hoá truyền thống trong làng, bản người Tày

09:41, 19/10/2007

(HGĐT)- Đến với Vị Xuyên, du khách không chỉ được thưởng thức những trái cam sành nổi tiếng, nhẩn nha với hương vị tuyệt vời của chè shan tuyết Thượng Sơn, Cao Bồ, đắm mình trong dòng nước khoáng Quảng Ngần, vãn cảnh chùa Sùng Khánh, thăm hang động Tùng Bá, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang mướt mát quanh năm... mà còn có cơ hội được tìm hiểu vốn văn hoá truyền thống của dân tộc Tày - dân tộc có dân số đông thứ 2 (sau dân tộc Mông) ở Hà Giang.


Theo các nhà nghiên cứu thì ở Phương Thiện, Phương Độ, Phương Tiến, Đạo Đức... là những địa bàn đã tồn tại những cư dân Tày cổ, cư trú ở đó từ rất lâu đời. Các cụ già ở xã Phương Thiện thì nói họ Nguyễn người Tày đã có mặt ở đó trên 700 năm. Được xác định là một trong những cư dân bản địa sống lâu đời trên đất nước Việt Nam song cho đến tận ngày nay, người Tày vẫn giữ được vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình, biểu hiện khá đậm nét trong sinh hoạt cộng đồng làng, bản.

 

Cùng với Bắc Quang, Vị Xuyên là một trong những địa phương có nhiều dân tộc Tày sinh sống nhất. Đồng bào thường tập trung sinh sống thành các bản. Làng, bản của người Tày thường nằm ởchân núi, cạnh cánh đồng hay ven sông, suối lớn... Tên bản thường đặt theo tên đồng ruộng, khúc sông, đồi núi như: Nà ngần, Nà Khằm, Nà Tông, Bó Lếch...

 

Nói đến làng, bản người Tày thì không thể không nhắc đến nhân vật trung tâm đó là ngôi nhà sàn. Đây là loại nhà phổ biến nhất của người Tày, nó đòi hỏi khá nhiều công sức, tiền của. ở Vị Xuyên vẫn còn có nhiều ngôi nhà sàn rất đẹp, được xây dựng khá công phu và tốn kém. Nhà được dựng toàn bằng gỗ quí, có trạm trổ các hình chim thú, hoa văn đẹp mắt, lợp ngói âm dương hoặc lá cọ... thoáng mát về mùa Hè, ấm áp về mùa Đông. Nhà sàn của người Tày ở vị xuyên có nét đặc trưng đó là cột được làm bằng gỗ xẻ vuông, và thấp so với nhà sàn người Tày Bắc Quang với cột gỗ xẻ tròn to. Mỗi ngôi nhà sàn thường có 5 gian, mỗi gian đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể và được tất cả các thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm túc. ở đầu hồi, ngay sát cầu thang lên xuống, bao giờ người ta cũng làm thêm sàn để phơi phóng lúa, gạo... Ngay dưới chân cầu thang còn có sàn nhỏ để dặt các ống nước hoặc bắc máng nước để khách rửa tay chân, mặt mũi trước khi lên nhà. Trước đây, dưới gầm sàn bao giờ cũng là nơi chăn nhốt gia súc, gia cầm nhằm bảo vệ chúng khỏi thú rừng, kẻ trộm... nhưng hiện nay, việc đưa chuồng trại gia súc, gia cầm ra xa nhà đã được đông đảo bà con hưởng ứng, tạo nên một cảnh quan, môi trường mới cho các làng, bản người Tày.

 

Mỗi bản trung bình có khoảng 30 nóc nhà, bản lớn có thể lên đến 60- 70 nóc nhà. Dù sống riêng hay chung với các dân tộc khác thì tình nghĩa làng xóm luôn được người Tày coi trọng. Tục ngữ người Tày cũng cho rằng “ Anh em xa, không bằng anh em làng xóm ở gần nhà”. Đồng bào thường có tục đổi sức để cùng nhau làm những việc lớn như dựng nhà, lấy chồng, gả vợ cho con cái, cấy hái... Mỗi khi gia đình nào trong bản có phụ nữ ở cữ đều được bà con đến thăm hỏi, giúp đỡ khi thì bó củi, con gà, gạo nếp... Đó là những truyền thống tương thân, tương ái rất tốt đẹp vẫn được đồng bào gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày hôm nay. Cũng nhằm đoàn kết giúp đỡ nhau mà người Tày có tục kết bạn thân (hết tồng) cùng năm sinh tháng đẻ, không phân biệt dân tộc miễn là hợp nhau. Khi đã kết bạn tồng thì được coi như người nhà và được gia đình, anh em họ hàng chấp nhận và tôn trọng. Đặc biệt, tình làng nghĩa xóm của đồng bào còn được cố kết bởi những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc này. ở mỗi bản, người Tày còn thờ thổ công, thờ các vị thánh trong vùng. Hàng năm những vị thần này sẽ được thờ cúng vào dịp tết Nguyên Đán, rằm tháng 7. Ngoài ra, hàng năm, vào mùa xuân, người ta thường mở hội xuống đồng (lồng tồng) trên một đám ruộng nhất định trước bản, mỗi gia đình đều có mâm lễ gồm thịt, rượu, các loại bánh, xôi nhuộm ngũ sắc... nhằm cầu co mưa thuận gió hào, mùa màng tươi tốt bội thu. Sau lễ hội, các trò chơi như tung còn, đánh quay, kéo co, hát cọi,hát yếu... thu hút rất đông bà con đến tham gia. Đây là những lễ hội rất đặc trưng của một nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, cũng là nét văn hoá riêng của dân tộc Tày, trong đó, những yếu tố văn há truyền thống của dân tộc này được bộc lộ rõ nét, sinh động.

 

Đến với các làng, bản người Tày ở Vị Xuyên nói riêng, người Tày ở tỉnh ta nói chung, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, lắng nghe những làn điệu lượn cọi, ngắm nhìn các thiếu nữ đằm thắm trong chiếc áo dài màu chàm, chìm đắm trong một không gian yên bình, thuần khiết với những tiếng cọn nước kẽo kẹt, tiếng cối giã gạo nước ụp xoà ngày đêm...

 

Với những giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ cho đến tận hôm nay, các làng, bản người Tày thực sự là điểm hấp dẫn khách du lịch nếu như chúng ta quan tâm đầu tư đúng hướng.


Yến Khanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các tuyến du lịch
(HGĐT)- Từ thị xã Hà Giang du khách có thể thực hiện các tua du lịch lý tưởng. Lấy thị xã làm trung tâm, cách 20 – 30 km về các phía, du khách có thể đi tắm suối nước nóng Thanh Hà, đi thăm hang động ở Tùng Bá, tới thăm cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy (thuộc huyện Vị Xuyên).
29/08/2007
VN lọt vào nhóm 20 điểm du lịch được yêu thích nhất
Lần đầu tiên Việt Nam đã lọt vào danh sách 20 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2007 theo khảo sát của tạp chí du lịch Conde Nast Traveller - một trong những tạp chí nổi tiếng dành cho giới thượng lưu trên thế giới.
27/09/2007
Lũng Cú - Gian khó mà kiêu hãnh!
Trong rất nhiều chuyến đi, ấn tượng đọng lại trong tôi có lẽ sâu sắc hơn cả là những địa danh đặc biệt. Đó là Mũi Cà Mau - cực nam và Cột cờ Lũng Cú - cực bắc của đất nước Việt Nam. ở những nơi đó, dường như mỗi tấc đất đều được nâng niu trong tâm khảm người dân đất Việt bởi ý nghĩa thiêng liêng - nơi địa đầu Tổ quốc...
27/08/2007
Việt Nam đón hơn 2,8 triệu du khách quốc tế
Trong tháng 8, Việt Nam đã đón 340 nghìn lượt du khách quốc tế, nâng tổng số du khách quốc tế đến nước ta từ đầu năm đến nay lên hơn 2,8 triệu lượt người, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
27/08/2007