Tầm quan trọng của liên kết ngành, vùng trong hoạt động du lịch lữ hành
Trong lĩnh vực lữ hành, để thu hút khách du lịch nhiều hơn, việc tăng cường khả năng liên kết ngành, vùng, nhất là trong lĩnh vực du lịch ngày càng trở thành nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của Du lịch Việt
Với sự hợp tác giữa ngành du lịch với các bộ, ban ngành khác đồng thời sự liên kết chặt chẽ, tránh sự trùng lặp về sản phẩm du lịch ở các địa phương đã giúp cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Trên thực tế, chúng ta đều thấy rằng những trung tâm du lịch lớn như Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh có rất nhiều lợi thế về các cơ sở lưu trú cao cấp, trong khi các tỉnh phụ cận lại có thể mở rộng các khu nghỉ dưỡng vì vậy việc liên kết giữa các địa phương là một tất yếu khách quan nhằm khai thác thế mạnh của các bên. Ở khu vực phía Nam, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai sự liên kết khá tốt. Ở khu vực phía Bắc, Hà Nội – Hà Tây - Hải Phòng - Quảng Ninh ... cũng vậy. Ngoài việc liên kết giữa các trung tâm du lịch lớn với các địa phương khác, các địa phương, các điểm du lịch cũng cần tăng cường hoạt động này.
Dưới sự chủ trì của Tổng cục Du lịch trong thời gian vừa qua, một loạt địa phương trong cả nước đã tiến hành khảo sát và đánh giá lại tiềm năng, chất lượng du lịch. Gần đây nhất là vào trung tuần tháng 8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát điều kiện thực tế và chất lượng dịch vụ tại 7 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng thời tổ chức các cuộc hội thảo tại khu vực này. Trên cơ sở đó, nhiều ý tưởng cho việc mở các tour, tuyến mới được hình thành, nhiều biện pháp được đề xuất nhằm phát triển du lịch theo hướng liên kết vùng, tránh sự trùng lặp các sản phẩm du lịch và phát hiện, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao. Những cố gắng tìm tòi đó giúp cho việc tổ chức khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương ngày càng hiệu quả. Cũng từ những kết quả này, các nhà đầu tư có hướng để tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng của các điểm đến. Nó cũng tạo ra sự đa dạng trong việc tổ chức các tour du lịch của các công ty lữ hành. Từ quá trình triển khai khảo sát này, một vấn đề được chú ý chính là làm thế nào để tìm ra những thế mạnh đặc trưng của từng cơ sở để tập trung khai thác du lịch theo chiều sâu và tạo "thương hiệu" du lịch cho địa phương. Trong việc phát triển du lịch biển là một ví dụ. Mỗi địa phương nên chọn chủ đề mà mình có lợi thế nhất ví dụ như Vũng Tàu có thể phát triển mô hình du lịch biển kết hợp các môn thể thao, văn hóa giải trí...; Phú Quốc trở thành tuyến điểm du lịch biển nghỉ dưỡng cao cấp; Nha Trang, Phan Thiết du lịch biển kết hợp mua sắm, hội nghị, hội thảo; Quảng Nam, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Thuận thích hợp mô hình du lịch biển kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam khi có điểm nhấn là các Di sản thế giới và các nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa độc đáo… Chính điều này, sẽ giúp cho hoạt động lữ hành dễ dàng xây dựng tour hơn và đáp ứng nhu cầu về chất lượng của du khách tốt hơn.
Sự liên kết ấy không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia, mà còn là sự liên kết quốc tế. Chúng ta nhận thấy rõ nhất trong thời gian gần đây là tại khu vực miền Trung với việc tăng cường hợp tác, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững của ngành du lịch 3 nước Đông Dương. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo quốc tế về “Hợp tác phát triển du lịch giữa các di sản văn hóa thế giới: Hội An - Mỹ Sơn - Huế - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Watphou - Luang Phrabang - Ăngkor”, tổ chức tại Hội An sáng 28/6/2007, trong khuôn khổ chương trình Lễ hội “Quảng Nam: Hành trình di sản” lần thứ 3-2007.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Nó đòi hỏi phải có sự liên kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh việc liên kết theo lãnh thổ, sự hợp tác giữa ngành Du lịch với các Bộ, Ban, ngành hữu quan khác cũng cần được quan tâm. Việc kết hợp chặt chẽ với ngành Hàng không trong thời gian vừa qua, đã đem lại lợi nhuận lớn cho cả hai lĩnh vực. Việc đưa ra các chương trình giảm giá vé, tổ chức tour mới, mở thêm các đường bay, tăng tần xuất chuyến bay đồng thời liên kết với nhiều doanh nghiệp du lịch, ngành Hàng không đang tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút khách trong và ngoài nước đi du lịch. Tháng 8 cũng là tháng cuối kỳ du lịch hè, mưa nhiều do ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 3 nhưng so với các năm trước, hoạt động du lịch năm nay đã có sự khác biệt, dần thu hẹp tính mùa vụ, lượng khách du lịch quốc tế vẫn tăng lên đáng kể. Hà Nội đón được 114.000 lượt khách du lịch quốc tế trong tháng vừa qua, tăng 2,7% so với cùng kỳ; TP.Hồ Chí Minh đón 210.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ; Hải Phòng đón được 59.000 lượt khách; Khánh Hoà đón 26.000 lượt khách...
Để hoạt động lữ hành được triển khai có hiệu quả, ngoài việc liên kết chặt chẽ với ngành giao thông, một số ngành khác cũng cần được ngành du lịch đặc biệt quan tâm là văn hóa, bảo hiểm, y tế, giáo dục, quốc phòng...Và việc phối hợp giữa các ngành muốn đạt hiệu quả cao, cần phải xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, hợp lý và chặt chẽ.
Ý kiến bạn đọc