Lũng Cú - Gian khó mà kiêu hãnh!
Trong rất nhiều chuyến đi, ấn tượng đọng lại trong tôi có lẽ sâu sắc hơn cả là những địa danh đặc biệt. Đó là Mũi Cà Mau - cực nam và Cột cờ Lũng Cú - cực bắc của đất nước Việt Nam. ở những nơi đó, dường như mỗi tấc đất đều được nâng niu trong tâm khảm người dân đất Việt bởi ý nghĩa thiêng liêng - nơi địa đầu Tổ quốc...
Đoàn cán bộ Báo Hà Tây và Báo Hà Giang tại cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn).
Ở đó, dường như thấy mình quá nhỏ bé trước sự bao la, hùng vĩ của biển, của rừng, của núi... và được đắm mình giữa tình cảm đằm thắm của đồng nghiệp, của những con người hồn hậu, thân thiện, mến khách, để khi trở về cứ nao nao trong mình nỗi nhớ nhung... Đó là tâm trạng chung của Đoàn Nhà báo Báo Hà Tây trong chuyến đi đầy ý nghĩa vừa qua. Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang) - nơi đây, ngày đêm ngọn cờ Tổ quốc Việt Nam kiêu hãnh tung bay trong gió, thể hiện dấu hiệu đầu tiên thiết lập chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Cùng với mũi Cà Mau thì đây chính là địa danh mang ý nghĩa tinh thần quan trọng với mọi c”ng dân Việt Nam mà ai cũng muốn một lần được đặt chân tới...
Rời khỏi thị xã Hà Giang yên bình, xinh đẹp, trong lành, men theo dòng sông Miện như dải lụa mềm vắt qua, là con đường trải nhựa khá bằng phẳng nhưng quá nhiều khúc "cua tay áo". Phong cảnh hiện ra vô cùng kỳ thú như bức tranh sơn thủy hữu tình: Một bên đường sừng sững những vách núi đá cao vút với những thảm ngô xanh bạt ngàn, nặng bắp đang vào mùa thu hoạch của đồng bào Mông; Một bên là thung lũng mây trắng bồng bềnh tưởng chừng như đang được cưỡi mây bay du ngoạn cảnh trên tiên giới; Thấp thoáng dưới thung lũng mây trắng là dòng sông Miện, sông Nho Quế như một nét vẽ tuyệt đẹp giữa xanh tươi của ngô và những cánh rừng tái sinh. Lác đác có một vài nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nằm nép giữa sườn núi đá chênh vênh như nét chấm phá giữa hùng vĩ hoang sơ. Không ồn ã chen chúc như dưới miền xuôi, nơi đây thảng hoặc có một nhóm người, đa số là phụ nữ và trẻ em lửng thửng gùi ngô, củi khô, cỏ tươi cho bò, dê... từ trên núi về. Lưng đeo gùi, tay họ vẫn thoăn thoắt se lanh. Phụ nữ dân tộc Mông chịu thương chịu khó vô cùng, họ không để rảnh tay, rảnh lưng lúc nào vì luôn nghĩ "một công đôi việc" hay "mình về nhà thì nó (ngô, củi, cỏ tươi) cũng về cùng"... - anh bạn đồng nghiệp báo Hà Giang giải thích trước cái nhìn ngạc nhiên của chúng tôi. Còn những thanh niên, sau khi kết thúc công việc nặng nhọc của trụ cột gia đình, họ chỉ thích la đà cùng bạn bè bên nồi thắng cố ở các chợ phiên trong khi những người vợ nhẫn nại đợi chồng tan men say...
Xã Lũng Cú hiện có 9 thôn, bản nằm ở độ cao trung bình từ 1.600m trở lên so với mặt nước biển, bởi vậy, mùa đông rất lạnh và khô. Với diện tích tự nhiên khoảng 3.500ha và hơn 3.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô sinh sống với nghề làm sợi lanh, dệt vải và chủ yếu là canh tác nương rẫy trồng ngô. Không bỏ qua một khoảng đất núi đá nào, tít trên đỉnh núi cao vợi, đều thấy từng mảng màu xanh của ngô, cho thấy dấu chân của con người nơi đây đã chinh phục độ cao đến kinh ngạc. "Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối người Mông" - trong câu chuyện của mình, anh bạn đồng nghiệp Báo Hà Giang đã truyền lại câu nói của người Mông với chúng tôi trên chặng đường ngoằn ngoèo giữa cao nguyên đá và ngô kỳ vĩ! Lũng Cú có hơn 16km đường biên giáp Trung Quốc. Trước đây giao thông vô cùng khó khăn. Theo lời kể lại thì con đường mà chúng tôi đang đi mới được mở cách đây 48 năm và được mang tên "Đường Hạnh phúc Hà Giang - Mèo Vạc". Đoàn chúng tôi đã dừng lại khá lâu trên đoạn đường có dựng tấm bia ghi dấu chiến công và hy sinh của những người tham gia mở đường. Trên đó, những nét chữ khắc rõ nét với những nội dung vô cùng xúc động: "Nhân dân vùng núi tiến kịp vùng xuôi. Trung ương Đảng khi về Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Ngày khởi công: 10/9/1959. Ngày hoàn thành: 10/3/1965. Thành phần mở đường gồm 10 dân tộc ở các tỉnh: Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Nam Định, Hải Dương. Riêng dốc Mã Pí Lèng, công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường". Đồng nghiệp ở báo Hà Giang còn cho chúng tôi biết thêm: Đã có nhiều gương anh dũng hy sinh khi treo mình trên sườn núi trong quá trình mở con đường này... Chúng tôi, những người hậu thế sau khi thăm viếng nơi này đều dành 1 phút trong lặng lẽ để tưởng niệm và thầm biết ơn những đóng góp công sức mồ hôi, xương máu của những chiến sĩ cho con đường Hạnh Phúc hôm nay!
Từ đó đến nay, con đường này liên tục được nâng cấp, trải nhựa phẳng phiu. Cùng với đó là dòng điện đã kịp về đây để phục vụ đồng bào và sứ mạng của địa đầu Lũng Cú. So với xưa kia, đời sống của bà con đã được cải thiện rõ rệt. Có đường, có điện, bà con bớt đi sự hiu hắt, gập ghềnh dốc núi đá và ngọn đèn leo lét thắp sáng hàng đêm đã được thay bằng ánh sáng điện văn minh. Từ đó, cơ khí hóa cũng đã dần dần len lỏi vào trong sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân miền núi nơi đây.
Hiện nay, chính quyền và các đoàn thể đã rất nhiều lần vận động bà con xuống núi để sinh sống nhưng họ tỏ ra rất dè dặt. Cho dù ở trên núi cao thiếu thốn cả vật chất và tinh thần: Thức ăn chỉ có mèn mén (bánh bột ngô) và rất ít tiếp cận với các phương tiện thông tin, nhất là thiếu nước sạch cho sinh hoạt, nhưng có lẽ do tập quán ăn sâu vào tiềm thức từ xa xưa... Theo thống kê, tỉ lệ là 5km2/hộ dân. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, chính quyền và các đoàn thể còn hỗ trợ xây dựng các bể chứa nước sạch đặt theo vùng, phần nào giúp bà con khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, giảm bớt các bệnh truyền nhiễm và ngoài da. Đây chính là một trong những vấn đề đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Hà Giang tiếp tục quan tâm tháo gỡ thông qua các chương trình, dự án...
Vượt qua chặng đường hơn 155km với bao đèo cao, dốc đá ngoằn ngoèo, tưởng chừng có lúc bác tài chỉ xao lãng một chút thôi là xe sẵn sàng lao xuống vực, cuối cùng Đoàn chúng tôi cũng đã lên tới đỉnh Lũng Cú. Lồng lộng ở độ cao 1.600m so với mặt nước biển, Cột cờ hiện ra hiên ngang, kiêu hãnh với lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc đang tung bay trong gió. Dù đã thấm mệt, nhưng ai cũng háo hức vượt qua các bậc đá để lên Cột Cờ, tận mắt chứng kiến nơi khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thân yêu. Ngự trên đỉnh núi Rồng, Cột có chiều cao gần 20m, chân bệ có sáu mặt phù điêu, có nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn; Lá cờ với diện tích 54m2 biểu tượng cho 54 dân tộc Việt Nam. Và Cột Cờ Lũng Cú đã trở thành niềm tự hào của xã Lũng Cú nói riêng và cả nước nói chung. Chính vì vậy, cùng với cán bộ, nhân dân, ngày đêm các chiến sĩ biên phòng luôn luôn tuần tra, canh gác, bảo vệ ngọn cờ, giữ biên cương Tổ quốc...
Lũng Cú tự hào và kiêu hãnh tuy vẫn còn nhiều gian nan. Dù vậy, Lũng Cú không hề xa xôi trong lòng dân tộc. Bởi, ngày càng nhiều Đoàn là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân tìm về nơi đây để thêm tự hào và yêu mến mảnh đất thiêng mang ý nghĩa bảo tồn sông núi từ thuở các vua Hùng "dựng nước" cho cháu con và cũng là tâm nguyện của Bác Hồ đã gửi gắm thế hệ sau trong sự nghiệp "giữ nước". Cũng chính vì vậy mà ngoài nhiệm vụ cao cả canh gác, bảo vệ để ngọn cờ trên đỉnh Lũng Cú luôn bay cao thì Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Hà Giang đã và đang có chiến lược bài bản để khai thác tiềm năng du lịch từ chính cao nguyên đá tuyệt đẹp với sông Lô, sông Miện, sông Nho Quế, núi Cấm, núi Mỏ Neo... kết hợp với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của đồng bào vùng cao. Đó cũng là một trong những giải pháp giúp bà con nâng cao chất lượng cuộc sống ở chính nơi họ đang gắn bó tự ngàn xưa. Đặc biệt, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ sẽ chính là bức tranh tuyệt đẹp để nâng giá trị tinh thần dân tộc mà Cột Cờ Lũng Cú sẽ là biểu tượng mãi trường tồn cùng đất nước.
Ý kiến bạn đọc