Mở tour đi Hà Giang
Đầu tháng 7, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức chuyến khảo sát tuyến điểm du lịch Hà Giang cho các doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng tour du lịch mạo hiểm, sinh thái và khám phá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ảnh: Minh Tâm
Đây là một chuyến đi khá vất vả, kéo dài tới 7 ngày, 6 đêm với lịch trình khảo sát dày đặc qua những địa danh hiểm trở của tỉnh Hà Giang như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Bà Nguyễn Thị Minh Thu, Giám đốc Công ty Du lịch Mekong tại Hà Nội, thành viên tham gia đoàn khảo sát cho biết, yếu tố hàng đầu để có được một sản phẩm - tour du lịch - hoàn chỉnh là công việc khảo sát.
Chính vì vậy mà hầu như tour khảo sát nào bà Thu cũng trực tiếp lên đường. Ở cùng dân địa phương để tìm hiểu kỹ tất cả các chi tiết nhỏ nhất liên quan đến một tuyến du lịch mới, từ nếp sinh hoạt của người dân, văn hóa bản địa đến nơi ăn chỗ nghỉ, cơ sở hạ tầng, y tế.
Nguồn khách chính của Mekong là người châu Âu, Mỹ. Theo bà Thu, điều quan trọng nhất khi xây dựng tour cho các khách du lịch này là sự an toàn trong toàn bộ chuyến đi và điều kiện vệ sinh tại những nơi mà họ đi qua, đặc biệt là các bản làng.
Hà Giang có nhiều bản làng còn khá hoang sơ và được giữ gìn gần như nguyên vẹn, bản sắc văn hóa, chưa bị cơn lốc thương mại cuốn đi, như bản Tha, bản Tiến Thắng của người Tày cách thị xã khoảng 5 ki lô mét, bản Sáng Pảng A của người Lô Lô ở thị trấn Mèo Vạc… Du khách nước ngoài đặc biệt say mê những cảnh đẹp tự nhiên ở Xín Mần, những cánh rừng nguyên sinh kỳ thú có nhiều loại gỗ quý.
Sau chuyến đi, bà Thu đã lên kế hoạch về một tour độc đáo 6 ngày 5 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm tùy theo nhu cầu của khách. Trong đó, cao nguyên đá Đồng Văn, bản Tiến Thắng, Xín Mần… sẽ là điểm đến chính.
Công ty Mekong sẽ bố trí những chiếc xe Land Cruiser cho đoàn khoảng năm khách đi theo những cung đường ngoằn ngoèo, nhiều cua gấp liên tục để khách chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên Hà Giang.
Bà Thu cho rằng, tổ chức những tuyến du lịch như thế cho khách nước ngoài không khó. Ở những bản làng dân tộc mà khách nghỉ đêm chỉ cần có nệm sạch, phòng vệ sinh sạch sẽ, tủ lạnh có đồ uống, có những món ăn đặc sản địa phương và bán các sản phẩm lưu niệm cho khách.
Tham gia đoàn khảo sát còn có Công ty cổ phần Thương mại Du lịch Sen Rừng với hơn mười năm kinh nghiệm trong việc xây dựng các tour du lịch khám phá cho khách nước ngoài tới Việt Nam. Bà Trần Thị Huyền Thanh, Giám đốc công ty nói rằng loại hình du lịch khám phá như thế này giúp cho du khách tiếp cận nhiều làng bản, phong cảnh nguyên sơ và cuộc sống đời thường của các dân tộc Việt Nam.
Sen Rừng đã để mắt đến Hà Giang từ hai năm nay và chuyến khảo sát hồi đầu tháng 7 này là cơ hội tốt để xây dựng một điểm đến an toàn và thú vị. Thông qua thực tế chuyến đi, bà Huyền Thanh đưa ra ý tưởng là các công ty du lịch và địa phương nên đầu tư thiết lập một số điểm du lịch ngủ tại bản kết hợp với tour đi bộ không quá 20 km/ngày, kéo dài trong vài ngày để giúp các công ty lữ hành giới thiệu sản phẩm này tới du khách quốc tế.
Bà Huyền Thanh cho biết Sen Rừng sẽ thiết kế ít nhất hai chương trình tham quan riêng biệt cho tuyến điểm Hà Giang, bao gồm tour 4-5 ngày kết nối Tuyên Quang với khu vực phía Nam của Hà Giang và tour 5-7 ngày cho vùng cao nguyên đá Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Bà Vũ Thị Thanh Hà, người đi mở tour của Công ty Du lịch Exotissimo Vietnam nhận xét Hà Giang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch vì có cảnh quan hùng vĩ, bản sắc văn hóa 22 dân tộc thiểu số và người dân rất mến khách. Nhưng để biến những tiềm năng này thành các sản phẩm du lịch thu hút khách thì còn nhiều việc cần làm.
Chia sẻ suy nghĩ này, ông Kevin Từ Quý Thành, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Liên Bang Travelink cho rằng có ba yếu tố mà Hà Giang cần cải thiện ngay là an toàn giao thông, điều kiện vệ sinh và y tế.
Ông Thành cũng góp ý chính quyền tỉnh nên đặt những biển báo, bảng chỉ dẫn giới thiệu các địa danh và xây hàng rào tại những cung đường gấp khúc với nhiều đoạn cua liên tục để đảm bảo an toàn cho khách vì Hà Giang là tỉnh có địa hình đồi núi, nhiều đoạn đường rất khó đi.
Không có hình thức quảng bá nào cho ngành du lịch Việt Nam tốt hơn cách thông qua chính du khách. Vì thế chính ngành du lịch và địa phương phải đầu tư nhiều hơn nữa cho các dịch vụ, nâng cấp đường sá, xây các điểm vệ sinh, trạm nghỉ chân dọc đường.
Ý kiến bạn đọc