Du lịch Hà Giang : Sẽ không chỉ là tiềm năng

10:58, 24/07/2007

Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới Việt - Trung dài 274km. Đây là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, nhiều thắng cảnh ngoạn mục, hùng vĩ; có 22 dân tộc sinh sống, với những nét văn hóa đậm đà bản sắc. Với sự cố gắng của chính quyền và nhân dân, Hà Giang đang dần trở thành điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.


        
                                  Chợ cổ ở Đồng Văn. Ảnh: Minh Tâm

Năm 2006, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Theo đó, Hà Giang sẽ phát triển theo các hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá. Công tác chuẩn bị hạ tầng, mở tour, qui hoạch các tuyến điểm đang được gấp rút thực hiện. Theo qui hoạch này, Hà Giang có 3 cụm du lịch: vùng cao núi đá phía Bắc, vùng cao núi đất phía Tây và vùng thấp. Cao nguyên đá Đồng Văn với bạt ngàn đá núi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với nét bản sắc đậm đà như người Mông, Lô Lô, Tày... Từ thị xã Hà Giang, theo Quốc lộ 4C, qua Cổng trời Quản Bạ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vùng Tam Sơn đẹp thơ mộng, có khí hậu quanh năm mát mẻ. Nổi bật giữa thị trấn là núi Cô Tiên xanh mướt mang nhiều truyền thuyết huyền bí. Cách huyện lỵ Đồng Văn không xa, từ Cổng trời Sà Phìn, du khách có thể quan sát được Khu di tích văn hóa lịch sử nhà họ Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn). Nơi đây đã đón hàng ngàn du khách tham quan mỗi năm. Đến Hà Giang, ai cũng muốn được một lần đặt chân tới đỉnh Lũng Cú, điểm cực Bắc của đất nước. Tại chân núi Lũng Cú, làng dân tộc Lô Lô đang được đầu tư để trở thành làng du lịch với những nét sinh hoạt cộng đồng đậm đà bản sắc, những làn điệu dân ca đặc trưng. Đồng Văn còn có thị trấn Phố Bảng, nơi quanh năm khí hậu mát mẻ, thích hợp với nhiều loại cây, hoa, quả, từng được mệnh danh là Hồng Công của Hà Giang.

        
                                   Nhà cổ ở Đồng Văn. Ảnh: Minh Tâm

Tới Đồng Văn vào những ngày 14-15 âm lịch hằng tháng, vừa được tham quan chợ cổ Đồng Văn, du khách vừa được tham dự hội đêm rằm phố cổ với lung linh ánh đèn lồng. Vào những ngày này, bạn sẽ được đắm mình trong những làn điệu dân ca của người Pu Péo, thưởng thức những món ăn đặc trưng của các dân tộc, tham gia những trò chơi dân gian của nhiều dân tộc sinh sống trong vùng. Hà Giang đang cùng Viện Địa chất Việt Nam lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là Di sản thế giới về thiên nhiên địa chất.

Từ Đồng Văn, qua dãy Tây Côn Lĩnh hùng vĩ với đỉnh Mã Pì Lèng cao 2.000m, được coi là “đệ nhất hùng quan”, khách sẽ được trải nghiệm những cảm giác qua cung đường cheo leo, hiểm trở nhất Việt Nam. Vượt qua 28km, bạn sẽ tới huyện Mèo Vạc có chợ tình Khâu Vai nổi tiếng, với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, rừng chè shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những bản làng còn nguyên nếp sinh hoạt nguyên sơ...

Theo qui hoạch, vùng núi thấp sẽ được đầu tư du lịch lòng hồ Bắc Mê, sông Gâm khi thủy điện Na Hang hoàn thành... Bãi đá người Việt cổ ở xã Nấm Dẩn (huyện Xín Mần) được làm đường mới. Để đón lượng khách nước ngoài đi môtô từ Sa Pa sang, làng văn hóa cộng đồng Quảng Nguyên đang xây dựng các đội văn nghệ dân gian, dịch vụ lưu trú. Không lâu nữa, du khách sẽ được tham quan các làng văn hóa cộng đồng ở bản Tùy (cách thị xã Hà Giang 3km), thôn Tha của người Tày, thôn Lùng Táo (của người Dao huyện Vị Xuyên), hồ Noong, di tích lịch sử Căng Bắc Mê, suối nước nóng Thanh Hà. Bên cạnh đó, hệ thống hang động huyền ảo, kỳ bí nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đã và đang được khai thác, cũng góp phần đáng kể làm nên sự hấp dẫn của tỉnh cực Bắc Hà Giang.

Với cảnh quan phong phú, đa dạng, thiên nhiên hùng vĩ, trữ tình, với những con người chân tình, mến khách, sự đa dạng về văn hóa sắc tộc, Hà Giang đang là điểm hẹn của du khách trong và ngoài nước.


mangdulich.com

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang vùng đất giàu tiềm năng du lịch
(HGĐT)- Là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên dài 274 km giáp với Trung Quốc; điều kiện địa hình bị chia cắt bởi những dãy núi cao, suối sâu tạo nên phong cảnh núi non hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những hàng động kỳ thú; nơi sinh sống của 22 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số còn giữ được bản sắc văn hoá phong phú và nguyên sơ...
30/06/2007
Nét độc đáo trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn
Ở nước ta, dân tộc Pà Thẻn có khoảng6 nghìn người, sống chủ yếu ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Văn hóa vật chất, tinh thần của người Pà Thẻn có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc thiểu số khác trong vùng như Tày; Nùng, Dao, Mông... Khác biệt rõ nét nhất là trang phục của người phụ nữ. Mặc dù sinh sống ở vùng thấp, tiếp xúc nhiều với văn hóa miền xuôi, phụ nữ Pà Thẻn
26/06/2007
Năm du lịch Quốc gia 2008 sẽ khai mạc vào 21/2/2008
Hôm qua, 23/5, Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia “Mekong - Cần Thơ 2008” đã có kết luận thống nhất chọn 21/02/2008 và 31/12/2008 là ngày tổ chức Lễ công bố và Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2008.
25/05/2007
Sở Thương mại và du lịch triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007
(HGĐT)- Sáng 23.7, Sở Thương mại và du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thương mại - du lịch (TMDL) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007. Đồng chí Hoàng Đình Châm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đến dự.
23/07/2007