Hà Giang vùng đất giàu tiềm năng du lịch

08:22, 30/06/2007

(HGĐT)- Là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên dài 274 km giáp với Trung Quốc; điều kiện địa hình bị chia cắt bởi những dãy núi cao, suối sâu tạo nên phong cảnh núi non hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những hàng động kỳ thú; nơi sinh sống của 22 dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc thiểu số còn giữ được bản sắc văn hoá phong phú và nguyên sơ...


      
                           Ngựa thồ xuống chợ Lũng Phìn (Đồng Văn).

Những yếu tố đó, đã tạo cho Hà Giang có được tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch mạo hiểm; du lịch cộng đồng... Nguyên những tiềm năng đó đã thu hút được du khách quan tâm và đến với Hà Giang.

 

Điều kiện tự nhiên đã chia cắt Hà Giang thành 3 vùng rõ nét: Vùng cao núi đá phía Bắc gồm các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; vùng cao núi đất phía Tây gồm các huyện: Xín Mần, Hoàng Su Phì; vùng thấp gồm thị xã Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. ở mỗi vùng, dù có điều địa hình, điều kiện khí hậu khác nhau nhưng đều có những lợi thế riêng để phát triển du lịch. Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ với miên man, bạt ngàn đá núi và cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số còn những nét văn hoá rất đặc sắc như: dân tộc Mông, Lô Lô. Hiện nay, tỉnh phối hợp với Viện Địa chất Việt Nam đang lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận đá núi Đồng Văn là di sản thế giới về thiên nhiên địa chất. Trên cao nguyên, còn rất nhiều điểm du lịch mang đậm bản sắc vùng cao nữa. Đi dọc quốc lộ 4C, vượt qua cổng trời Quản Bạ, nhìn xuống là thị trấn Tam Sơn, một thị trấn vùng sơn cước đẹp và thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ và nổi bật trong lòng thị trấn là núi Cô Tiên ẩn chứa nhiều huyền tích. Đi tiếp, qua Yên Minh, qua cổng trời Sà Phìn có thể nhìn thấy khu di tích văn hoá lịch sử nhà họ Vương ở xã Sà Phìn (Đồng Văn), nơi đã đón hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi năm. Cũng ở vùng đất địa đầu này, còn có nhiều điểm đến hấp dẫn khác: Đó là đỉnh Lũng Cú, nơi đánh dấu điểm cực Bắc trên bản đồ Tổ quốc, đây cũng là nơi sinh sống của dân tộc Lô Lô, với những làn điệu dân ca, những nét văn hoá đặc sắc từ xa xưa còn lưu giữ và đôi trống đồng cổ; đó là thị trấn Phố Bảng quanh năm khí hậu trong lành và là nơi sinh trưởng, phát triển của nhiều loài hoa thơm, quả ngọt; may mắn cho ai được lên trung tâm huyện lỵ Đồng Văn vào những đêm trăng tròn, cả thị trấn trở nên thơ mộng và huyền ảo với hàng ngàn chiếc đèn lồng đỏ hoà cùng ánh trăng, được thưởng thức những món ăn dân tộc đặc sắc như thắng cố; thịt hun khói, rượu ngô, được nghe những làn điệu dân ca do người dân địa phương biểu diễn... Tiếp quốc lộ 4C, qua đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ đến với Mèo Vạc, vùng đất có lễ hội chợ tình Khâu Vai... Nếu phía Bắc là những dãy núi đá trùng điệp thì phía Tây là nơi ngự trị của dải Tây Côn Lĩnh với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những rừng trè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Vùng đất này thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái. Cụ thể, tại xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) đã được đầu tư xây dựng làng du lịch sinh thái PanHou. Đặc biệt, ở Xín Mần còn có bãi đá của người Việt cổ. Vùng núi thấp cũng không thiếu những điểm du lịch hấp dẫn như: Hồ Noong, thị xã Hà Giang; Căng, lòng hồ thuỷ điện Tuyên Quang (Bắc Mê); tiểu khu cách mạng Trọng Con (Bắc Quang); khu du lịch suối nước nóng Thanh Hà, chùa Sùng Khánh (Vị Xuyên); còn rất nhiều làng văn hoá- du lịch của các dân tộc trên địa bàn: Làng văn hoá du lịch dân tộc Pà Thẻn, thôn Mí Bắc (Quang Bình); làng văn hoá du lịch người Tầy, thôn Tha (thị xã Hà Giang); làng văn hoá du lịch dân tộc Dao, thôn Lùng Táo (Vị Xuyên)... Ngoài những nét riêng của từng vùng, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm hang động huyền ảo và kỳ bí, trong đó có hơn 10 hang động có thể khai thác làm các điểm du lịch như: Hang Nậm Má, hang Bản Mào (Vị Xuyên); hang Khố Mỉ (Quản Bạ); hang Động Nguyệt (Đồng Văn); đặc biệt, tại Bắc Mê có hang Đán Cúm và hang Nà Chảo là những hang động mà các nhà khảo cổ xác định là nơi sinh sống của người Việt cổ cách đây hàng vạn năm...

 

Những tiềm năng đó đã và đang được tỉnh, các tổ chức, các nhân quan tâm đầu tư phát triển, nhưng đó mới chỉ là giai đoạn đầu cho sự phát triển. Dù vậy thì những tiềm năng du lịch sẵn có đã góp phần thu hút lượng khách đến với Hà Giang mỗi năm một tăng. Năm 2002, cả tỉnh mới chỉ có trên 51 nghìn khách, không có khách nước ngoài mà chủ yếu là khách đi thăm thân, công tác, đến năm, 2006 đã có trên 104 nghìn khách, trong đó khách Trung Quốc có trên 30 nghìn người, khách Quốc tịch khác là gần 1.500 người, lượng khách đến với Hà Giang trong vai trò là khách du lịch thuần đã tăng hơn trước nhiều. Lượng khách tăng, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch đã được hình thành và phát triển, bước đầu đã tạo được sự chuyên nghiệp. Năm 2002 tỉnh chỉ có 27 cơ sở lưu trú, có 387 lao động hoạt động du lịch, chủ yếu chưa qua đào tạo thì đến nay đã có 78 cơ sở lưu trú và hơn 450 lao động làm du lịch, trong đó lao động qua đào tạo chiếm trên 70%. Doanh thu từ du lịch - dịch vụ năm 2002 chỉ có trên 31 tỷ, đến năm 2006 dã tăng lên trên 110 tỷ. Tốc độ tăng trưởng du lịch hàng năm đạt trên 20%, du lịch đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự tăng trưởng GDP toàn tỉnh...


Khánh Toàn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiềm năng du lịch và những giải pháp phát triển TM-DV-DL ở Quản Bạ
(HGĐT)- So với một số huyện trong tỉnh, Quản Bạ là huyện được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan, sản vật... làm nền tảng cho việc phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ một cách bền vững.
27/04/2007
Nét độc đáo trên trang phục của phụ nữ Pà Thẻn
Ở nước ta, dân tộc Pà Thẻn có khoảng6 nghìn người, sống chủ yếu ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Văn hóa vật chất, tinh thần của người Pà Thẻn có nhiều nét khác biệt so với các dân tộc thiểu số khác trong vùng như Tày; Nùng, Dao, Mông... Khác biệt rõ nét nhất là trang phục của người phụ nữ. Mặc dù sinh sống ở vùng thấp, tiếp xúc nhiều với văn hóa miền xuôi, phụ nữ Pà Thẻn
26/06/2007
Năm du lịch Quốc gia 2008 sẽ khai mạc vào 21/2/2008
Hôm qua, 23/5, Ban tổ chức Năm du lịch quốc gia “Mekong - Cần Thơ 2008” đã có kết luận thống nhất chọn 21/02/2008 và 31/12/2008 là ngày tổ chức Lễ công bố và Lễ bế mạc Năm du lịch quốc gia 2008.
25/05/2007
Thử một lần đến với chợ phiên Hoàng Su Phì (Hà Giang)
Nằm dưới chân đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, chợ phiên Hoàng Su Phì (Hà Giang) họp vào ngày chủ nhật hàng tuần. Hàng hóa trao đổi trong phiên chợ là những vật phẩm trong sinh hoạt hằng ngày như thực phẩm, rau quả, vải vóc, chỉ thêu, vật dụng làm nương rẫy...
23/05/2007