Tiềm năng du lịch và những giải pháp phát triển TM-DV-DL ở Quản Bạ
(HGĐT)- So với một số huyện trong tỉnh, Quản Bạ là huyện được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan, sản vật... làm nền tảng cho việc phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ một cách bền vững.
Núi Cô Tiên Quản Bạ (Ảnh: Văn Phát)
Quản Bạ có lợi thế là huyện cửa ngõ của vùng cao núi đá phía Bắc; có các danh thắng thiên nhiên như: Cổng Trời, núi Cô Tiên, hang Khố Mỷ; rượu ngô Thanh Vân, thảo quả muối, chè Tùng Vài, hồng không hạt, thổ cẩm Lùng Tám... không những nổi tiếng trong vùng, trong tỉnh, trong nước mà còn vượt ra khỏi biên giới Quốc gia.
Khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài khi đến Quản Bạ không khỏi ngỡ ngàng khi đón những làn gió mát mẻ, tinh khiết trên đỉnh Cổng Trời, dõi tầm mắt xuống chiêm ngưỡng núi Cô Tiên; không thể không ngạc nhiên trước vẻ đẹp lung linh của hang Khố Mỷ mà tạo hóa đã ban tặng; rượu ngô Thanh Vân sẽ làm du khách ngây ngất trong hương đất, hương trời Quản Bạ. Du khách sẽ hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc huyện Quản Bạ khi đến với Làng Văn hóa người Tày, người Mông ở Hợp Tiến (Lùng Tám), Phô Lô Phìn (Cán Tỷ)... Được thưởng thức các sản phẩm tinh tế như thổ cẩm, khèn, sáo... được làm ra bằng những bàn tay tài hoa, điêu luyện của đồng bào ở các làng nghề trong huyện.
Với tiềm năng đó, những năm qua, Quản Bạ đã thu hút được khá đông khách du lịch trong nước cũng như nước ngoài đến tham quan, du lịch cũng như tìm cơ hội đầu tư dịch vụ - thương mại. Để phát triển lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ – Du lịch hơn nữa, huyện đã xây dựng kế hoạch,mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp như: Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, hệ thống chợ, đường giao thông đến các điểm du lịch, các làng văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống để phục vụ khách du lịch. Tôn tạo Núi Cát, Núi Đôi, hang Khố Mỷ, khai thác các hang động của địa phương, trồng rừng cảnh quan tại các điểm quy hoạch vùng du lịch, mở rộng các tuyến du lịch. Xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng người Tày, người Mông gắn với cảnh quan thiên nhiên, làng nghề truyền thống ...
Tập trung khai thác có hiệu quả chợ trung tâm huyện lỵ là chợ đầu mối thu hút và cung cấp hàng hóa cho các chợ nông thôn, chợ biên giới, giao lưu trao đổi, mua bán và phát triển các dịch vụ sản xuất, dịch vụ đời sống ở các vùng; nâng cao sức cạnh tranh một số sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm có giá trị kinh tế đưa và sản xuất, chế biến thành hàng hóa có chất lượng phục vụ nhu cầu của nhân dân và khách tham quan.
Vấn đề nữa cần quan tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực thương mại, du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc. Thiết lập mạng lưới kinh doanh, tăng cương liên kết, liên doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường; đẩy mạnh súc tiến đầu tư, khuyến khích hoạt động thương mại, du lịch của thương nhân, áp dụng các chính sách về ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; chính sách về phát triển thương mại, du lịch miền núi, vùng đồng bào dân tộc.Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia như: Làm thủ tục cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng; miễn thuế năm đầu cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động chưa có lãi. Huy động mọi nguồn lực, mở rộng liên doanh, thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí; xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, Làng văn hóa dân tộc đủ tiêu chuẩn về ăn, nghỉ; khai thác triệt để các món ẩm thực của địa phương... để phục vụ khách du lịch.
Biết khai thác thế mạnh của mình bằng những giải pháp đúng hướng, phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, miền, từng thời điểm... trong những năm tới, huyện Quản Bạ sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công trong lĩnh vực Thương mại - Du lịch - Dịch vụ, góp phần vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
Ý kiến bạn đọc