Hoa Ban theo chiều dài Tây Bắc

15:00, 19/04/2007

Suốt chặng hành trình từ Sơn La tới Điện Biên, du khách thả tầm mắt theo những cánh rừng, nơi những cây ban đang tấu hết mình khúc nhạc mùa xuân của núi rừng Tây Bắc bằng một mùa hoa đang ở kỳ sung sức.


                        

Sẽ không đầy đủ khi nói về Tây Bắc nếu không nhắc đến hoa ban. Và, với những người đã có dịp đến với Tây Bắc thơ mộng, được vòng theo những điệu xèo Thái, nhịp nhàng bước theo từng bước sạp, cũng như những người mới chỉ biết xứ sở này qua sách vở, đều muốn nghe một nhà Tây Bắc học giải thích về sự hiện diện của hoa ban. Một cán bộ của ngành văn hóa tỉnh Điện Biên – gia đình anh đã sinh sống ở đây nhiều thế hệ cho rằng, vì Tây Bắc thường một ngày có 4 mùa nên mới sản sinh ra loài hoa ban đặc biệt này ứng với 4 màu trên một bông hoa: trắng, phơn phớt hồng, hồng và đỏ. Và anh nói thêm, hoa ban không phải chỉ có một màu trắng như trong thơ văn bấy lâu nay! Vâng, đấy là một cách nghĩ, chỉ là một cách nghĩ thôi chứ chưa thể gọi là một cách giải thích. Nhiều người cho rằng hoa ban là sản phẩm của sương gió Tây Bắc. Thượng tá Quàng Văn Hưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên, người dân tộc Thái gắn bó lâu đời với Điện Biên thấy điều này có lý, dù anh không khẳng định.

Hoa ban có một số đặc tính rất dễ nhận thấy: ưa độ cao, thích sự thoáng đãng, càng sương càng gió càng có vẻ đẹp tinh khiết, vậy nên có người đã cho rằng nó mang tâm hồn người dân đồng bào Tây Bắc. Nhưng nếu theo con đường Tây Bắc huyền thoại lên Điện Biên vào tháng ba, hẳn bạn đọc dễ nhận thấy loài hoa dịu dàng ấy có một sức sống rất mãnh liệt. Qua 7km đèo Sơn La, giữa những rừng trúc vào mùa rụng lá ảm đạm, là những suối hoa êm đềm chảy giữa đồi lá khô kia. Dọc đèo Pha Đin, hoa trắng rừng. Hoa nở rộ giữa những vùng cây khô khốc vì sương muối. Bên những lối ngoặt khuỷu tay áo đường đèo, hoa san sát tầm với.

Có dịp gặp lại một cựu chiến binh từng luồn rừng chiến đấu suốt chín năm kháng chiến để cùng cả nước này làm nên một Điện Biên lừng lẫy năm châu, trong ký ức của ông không chỉ là súng, là đạn, là "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt", mà còn đó màu trắng rực trời của hoa ban núi rừng Tây Bắc. Ông nói: "Thấy hoa ban nở lại nghĩ về sự thanh bình. Tuổi trẻ một đời người cũng như một mùa hoa, tại sao lại không giữ lấy, mà để giữ được khi ấy thì phải chiến đấu". Vâng, chính vì suy nghĩ của bao nhiêu con người như vậy nên đã có một thời người ta gọi hoa ban Điện Biên là hoa ban đỏ. Thực ra, cũng có một loại hoa màu đỏ thật. Nhưng cái mầu đỏ gọi chung cho hoa ban là mầu đỏ bởi máu, bởi lòng dũng cảm của các chiến sĩ Điện Biên Phủ đã đổ xuống cho một Điện Biên Phủ đi vào huyền thoại.

Và 5 năm nay, cây ban đã được trồng trở lại ở Điện Biên sau một thời gian vắng bóng. Nếu tính chung, hiện nay trên địa bàn TP. Điện biên có gần 2000 cây hoa ban, ở cơ quan công sở và ở các gia đình.

Tại một số cơ quan cũng như nghĩa trang đồi A1, nếu nhìn kỹ có những cây ban tuổi đời đã tính đến hàng chục. Nếu không có chiến tranh thì biết đâu hôm nay TP. Điện Biên vẫn đang là một rừng ban, có thể lắm chứ. Và người ta đã trồng lại cây ban trên Thành phố này. Trong chương trình phủ cây xanh khuôn viên tượng đài chiến thắng trên đồi D1, khi hỏi loại cây nào thích hợp nhất thì ai cũng nghĩ đến cây ban. 


vtr.org.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ngày 28-4-2007, khai mạc liên hoan du lịch Hải Phòng chủ đề "Đồ Sơn biển gọi"
Ngày 26-3 tại thị xã Đồ Sơn, UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo giới thiệu liên hoan du lịch Hải Phòng năm 2007 với chủ đề "Đồ Sơn biển gọi" diễn ra từ ngày 28-4 đến 01-5-2007. Dự họp báo có nhiều cơ quan báo chí Trung ương và Hải Phòng, các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng.
29/03/2007
“Chìa khóa” cho thị trường du lịch Xín Mần
(HGĐT)- Để khơi dậy tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, năm 2006 tỉnh ta liên tục mở nhiều đợt hội chợ quy mô lớn để xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư.
27/02/2007
Hấp dẫn Hà Giang
Ai về thăm quê hương tôi, nơi biên cương là đây, có đường đi mây, lên tới cổng trời. Đây Hà Giang, đây Hà Giang quê chúng tôi”, lời một bài hát về quê hương Hà Giang đã thực sự tạo được ấn tượng sâu đậm đối với du khách khi lên thăm mảnh đất nằm ở vùng cực bắc của Tổ quốc thân yêu.
26/03/2007
Pú Đao: Đẹp nhất Đông Nam Á
Một bản người Mông nhỏ bé với 887 người dân ở tỉnh Lai Châu được khách hàng của một hãng lữ hành nước Anh bầu là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Xã Pú Đao (tiếng Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”) thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay 13km
26/02/2007