23N105E - Phía trước là Cổng trời

10:43, 23/03/2007
Chúng tôi quyết định đi du lịch “tìm chấm” ở Hà Giang cùng với những người bạn ở box Otofun. Đây là một trong những cái “chấm” khó chinh phục nhất ở miền núi phía Bắc. Nếu chuyến đi thành công, chúng tôi sẽ là những người “bóc tem” tọa độ 23N105E.

Xuất phát lúc 1g chiều, từ Hà Nội, chúng tôi thẳng tiến. Ăn tối ở Hà Giang, lại tiếp tục lên xe đi về phía Cổng trời Quản Bạ, nghỉ đêm tại ngôi nhà đẹp nhất thị trấn Tam Sơn.

Chúng tôi dậy sớm ăn sáng và rời thị trấn Tam Sơn, đi ngược về phía cổng trời Quản Bạ. Đứng giữa cổng trời, chúng tôi quay nhìn về thị trấn xinh xắn và ấm cúng nằm giữa những dãy núi đá tai mèo xám xịt. Thung lũng tựa như một bức tranh dịu êm với màu xanh của mạ mới gieo, màu nâu của đất núi và sắc vàng cuống rạ.

Chúng tôi gặp chợ phiên Quyết Tiến cách cổng trời hơn 5km. Sau khi nghiên cứu bản đồ, chúng tôi gửi xe ôtô ở sân của UBND xã Quyết Tiến và tìm đường đi vào thung lũng phía sau quả núi trước mặt. Tìm gặp một cậu bé tên Phà dẫn đường, rất ít nói nhưng thông thạo khắp các ngang cùng ngõ hẻm ở vùng này.

Vượt qua ngọn núi đầu tiên, chúng tôi gặp một thung lũng bồng bềnh trong mây. Đường đất ướt đẫm sương, bùn bám chặt vào đế giày. Đi hết thung lũng thì gặp một con đường dốc đá, có một cây cầu gỗ đơn sơ không tay vịn bắc ngang dòng suối đổ ra sông Miệm. Từ đó đường chỉ có đi lên cao, mũi tên trên máy GPS vẫn chỉ về phía trước.

Chúng tôi đến căn nhà cao nhất và xa nhất trên bản, trong nhà chỉ có hai cô bé dân tộc Mông. Hai cô bé chỉ chúng tôi đường lên ngọn núi. Lúc này khoảng cách trên máy GPS thông báo còn cách “chấm” 900m, đồng hồ chỉ gần 11g trưa.

Còn cách chấm 500m, trời mù sương, chúng tôi dò dẫm đi. Tôi được phân công đánh dấu đường, hai người bạn thì một người đi đầu mở đường, người còn lại thì phát đường cho quang đãng hơn. Chúng tôi nhích từng bước, từng bước trong không gian mịt mù và gió thổi lạnh buốt. Việc di chuyển chậm làm cho mũi tên chỉ đường trên máy GPS bắt đầu quay lộn xộn.

Chúng tôi xem lại vị trí, xác định lại hướng đi bằng các kỹ thuật sử dụng góc đi GPS kết hợp với la bàn. Khi GPS báo khoảng cách còn 95m (theo quy định của trang Degree Confluence Project viết tắt là DCP thì khoảng cách <100m là coi như đã đến chấm), chúng tôi hét lên sung sướng. Sau bốn tiếng tìm kiếm không mệt mỏi, con đường “tìm chấm” đang rộng mở. Niềm hân hoan đã nhanh chóng đưa chúng tôi chiếm lĩnh tọa độ khó khăn nhất từ trước đến nay: 23N105E. Phía trước là cổng trời.


Mạng du lịch

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

“Chìa khóa” cho thị trường du lịch Xín Mần
(HGĐT)- Để khơi dậy tiềm năng về phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại, năm 2006 tỉnh ta liên tục mở nhiều đợt hội chợ quy mô lớn để xúc tiến, quảng bá và thu hút đầu tư.
27/02/2007
Pú Đao: Đẹp nhất Đông Nam Á
Một bản người Mông nhỏ bé với 887 người dân ở tỉnh Lai Châu được khách hàng của một hãng lữ hành nước Anh bầu là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Xã Pú Đao (tiếng Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”) thuộc huyện Sìn Hồ, cách thị xã Mường Lay 13km
26/02/2007
Năm Du lịch 2007: Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc
Bắt đầu từ 1.1.2007, tỉnh Thái Nguyên sẽ là tâm điểm của các hoạt động quảng bá du lịch. Năm Du lịch 2007 sẽ có chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc", vừa là để kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về An toàn khu Định Hoá, Thái Nguyên, chỉ đạo cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa nhằm thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Thái Nguyên.
25/01/2007
Tùy bút của Đỗ Bích Thúy
(HGĐT)- Tôi có thói quen sáng nào đến cơ quan cũng liếc một lượt các đầu báo mới ra trong ngày. Và một trong những buổi sáng như vậy, tôi đọc được một mẩu tin rất ngắn: Xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ kí quyết định ra khỏi chương trình 135.
23/02/2007