Thức giấc trong sương

Tùy bút của Đỗ Bích Thúy

14:22, 23/02/2007

(HGĐT)- Tôi có thói quen sáng nào đến cơ quan cũng liếc một lượt các đầu báo mới ra trong ngày. Và một trong những buổi sáng như vậy, tôi đọc được một mẩu tin rất ngắn: Xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã được Chính phủ kí quyết định ra khỏi chương trình 135.


Thú thực, đây là một trong những mẩu tin tôi cảm thấy ý nghĩa nhất trong suốt cả buổi sáng hôm đó. Cách đây mười năm, khi còn cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp các bản làng bằng… chân, chúng tôi vẫn thường nói với nhau: Không biết bao giờ vùng đất này của chúng ta mới thoát khỏi cái đói nghèo dường như đã thành định mệnh. Đất ít, nước ít, chỉ thấy trên đá dưới đá, đá triền miên, đá tít tắp, nên có những điều rất bình dị đối với miền xuôi thì đối với mảnh đất này lại là ước mơ xa vời. Ước mơ lớn nhất của tôi lúc đó mới chỉ dám dừng ở một chữ “đường”. Vâng, đúng là chỉ dám dừng ở một chữ đó. Chỉ một con đường liên huyện, liên xã cho ra dáng con đường, nghĩa là có hình thù, bằng phẳng một chút, rộng rãi một chút để ô tô, xe máy, ngựa thồ gặp nhau không phải lựa, không bị lở lói, sống trâu, tắc nghẽn vào mùa mưa, chỉ dám ước mơ thế thôi, mà lúc đó đã cảm thấy xa vời lắm. Vì quê mình nghèo, mà làm đường miền núi thì tốn kém vô cùng. Tôi nhớ khi đó, muốn xuống chợ huyện phần đông bà con vẫn phải đi từ hôm trước, hoặc từ nửa đêm, thế nên phiên chợ nào cũng tan từ lúc 2-3 giờ chiều. Tan sớm vì ai cũng phải vượt qua một chặng đường rất dài, lại là đường ngựa đi, khúc khuỷu, chênh vênh. Vậy mà vẫn con đường từ Hà Giang đi Đồng Văn, tôi từng có lần phải đứng một chân trên xe gần trăm con người lèn như lèn cối suốt từ bốn giờ sáng đến bảy giờ tối mới đến nhìn thấy phố huyện vì đường hỏng, xe hỏng… thì bây giờ chỉ cần 3- 4 tiếng đồng hồ đã đến. Những đoạn cua, con dốc chênh vênh chóng mặt đã không còn là nỗi kinh hoàng đối với các bác tài nữa.

 

Trở lại mẩu tin mà tôi đọc được vào một buổi sáng rất đỗi bình thường, trong những ngày tháng xa quê dằng dặc. Cảm giác của tôi buổi sáng đó rất khó tả. Mừng vui thì đã đành rồi, phấn khởi lại càng đúng, nhưng còn cả tự hào và lại có phần tủi thân nữa. Tự hào vì rốt cuộc người dân quê mình cũng từng bước vượt qua được thử thách, từng bước thoát nghèo, còn tủi vì niềm tự hào của mình còn giản dị quá. Ngườimiền xuôi đưa tin xã này, phường kia tăng trưởng mấy chục phần trăm, còn mình được đưa tin vì không phải đứng dưới cái ô trợ cấp của chính phủ nữa, mà đã đảm bảo được cuộc sống của chính mình. Nhưng lớn hơn cả vẫn là cảm giác tự hào. Cứ như thế này, dần dần rồi cuộc sống sẽ khá lên nhanh chóng. Và bây giờmới thấy rõ nhất vị trí, tầm quan trọng của con đường. Chỉ mấy chục km thôi, nhưng có được nó là chúng ta đã rút ngắn được thời gian chạy khỏi cái nghèo những mấy thập kỉ. Con đường, không đơn thuần chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại, mà quan trọng hơn nó là cầu nối giữa các vùng, tiểu vùng kinh tế – văn hoá với nhau. Kinh tế hàng hoá muốn phát triển, một trong những điều kiện tiên quyết phải là con đường. Cách đây vài năm trong một chuyến đi thực tế ở Sa Pa (Lào Cai), tới một trong những xã được coi là giàu nhất ở đây nhờ trồng thảo quả, trong xã thậm chí có người mua được ô tô, còn xe máy thì mỗi hộ vài ba chiếc, nhưng vào mùa mưa đường bị sạt lở, cả ô tô lẫn xe máy phải đi trong … gầm sàn. Không hiểu tại sao cho đến thời điểm đó mà một con đường dẫn từ huyện lị vào chưa đầy 50km vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn. Đến mùa thảo quả bà con người Dao lại lũ lượt chở thảo quả bằng xe máy, ô tô ra ngã ba đường, gặp chỗ tắc thì tiếp tục gùi bộ ra Sa Pa, bán cho dân buôn. Dám chắc, chỉ một con đường như đường đến các xã vùng cao của chúng ta hiện nay thôi thì nhất định số tiền hàng năm các hộ thu về không phải hàng chục mà hàng trăm triệu. Và xã này dù giàu, nhưng vẫn thua Bạch Đích ở chỗ nhiều thôn, xóm ở Bạch Đích còn tự bỏ tiền, bỏ công để có đường rộng về đến cổng nhà. Người cảm thấy sung sướng nhất khi có đường mới có lẽ là trẻ em, vì chúng không còn phải xắn quần quá đầu gối bì bõm lội bùn đến trường nữa.

 

Càng ngày người Mông, người Dao, người Tày… vùng cực Bắc chúng ta càng biết cách làm cho cuộc sống của mình khấm khá hơn. Đó là nhờ cái đầu. Vấn đề không phải ở chỗ thiên nhiên có chiều theo ý mình không mà là chúng ta có biết cách chế ngự thiên nhiên, khắc phục nó, lách theo nó, tìm những “điểm yếu” của nó để phát triển “thế mạnh” của mình hay không. Tôi đã thấy người Vị xuyên quê tôi mang bò vùng núi đá về nuôi ngay trên vườn đất ẩm ướt, mưa nhiều của mình. Tôi đã thấy rượu vang mận hậu Xín Mần có bán ở Hà Nội, cả hoa hồng Đồng Văn với mác hoa hồng Đà Lạt. Tôi đã tíu tít lên khi được nói chuyện với một chị phụ nữ Mông ở Lùng Tám (Quản Bạ) bên quầy hàng thổ cẩm trong triển lãm Giảng Võ (Trung tâm triển lãm lớn nhất thủ đô)… Đó chính là một vài trong số những sản phẩm được con người Hà Giang tạo ra ngay trong những điều kiện thiên nhiên tưởng như không thể khắc phục được. Rất nhiều sản phẩm địa phương đã trở thành hàng hoá, thậm chí là hàng hoá có giá trị kinh tế, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao. Ngoài tuyến quốc lộ 2 đã được nâng cấp ngoài sự mong đợi, tôi rất ước ao một ngày nào đó Hà Giang của chúng ta lập được tuyến giao thông đường không. Trước mắt có thể không thường xuyên mà mỗi tuần 1 – 2 chuyến. Tuyến này không chỉ phục vụ người Hà Giang xa quê như tôi trở về dễ dàng, hay phục vụ cho cán bộ Hà Giang đi công tác mà quan trọng hơn cả là đón khách đến với Hà Giang. Kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, mời mọc khách du lịch trong nước, quốc tế. Đối với không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới, du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói mang lại nguồn thu rất lớn.Cái duy nhất Hà Giang chúng ta có mà nơi khác không thể có chính là cảnh sắc thiên nhiên vô cùng kì diệu. Tạo hoá bắt người Mông ta phải sống hàng trăm năm với đá, chết cũng vùi trong đá, bắt người Mông ta phải dạy cho con bò biết cày trên mảnh đất chỉ bằng manh chiếu, nhưng đá cũng chính là thứ mà tạo hoá không thể ngờ trong nó ẩn chứa một tiềm năng kinh tế rất đáng kể. Giờ đây, tám mươi triệu dân Việt Nam chỉ cần nhìn thấy trên màn hình ti vi hình bóng một vài thiếu phụ người Mông khom lưng làm cỏ ngô trên những triền núi đá lởm chởm đã biết ngay đó là Hà Giang. Vậy, đá chính là thương hiệu, là lô - gô du lịch của chúng ta. Tôi có một người bạn Nga, khi tôi nói quê tôi ở Hà Giang, anh ta nói: Đá, rất nhiều đá, nhọn như tai mèo! Tôi xúc động vô cùng.

 

Một mùa xuân mới lại đang đến với Hà Giang và đây cũng là dịp mà những người xa quê như tôi muốn được trở về nhất trong năm, được đếm đến mỏi mắt mỏi miệng những bắp ngô treo quanh gác bếp, được nếm một chút rượu pha mật o­ng ông anh, bà chị mang về từ Mèo Vạc, nhấm nháp cả một vài miếng bò khô nướng trong bếp than thơm lừng nữa. Nếu người bạn Nga không từ chối, tôi sẽ mời anh ta, cùng với vợ chồng con cái chúng tôi lên Hà Giang, để anh ta được thưởng thức “đặc sản” Hà Giang, đó là hoa đào trên núi đá. Anh ta, mặc dù rất to béo, nhưng ăn không quan trọng bằng đi, ngắm, nghe ngóng, tập nói vài câu tiếng địa phương, nhất định anh ta sẽ mê Hà Giang như mê một cô gái đang dần tỉnh giấc trong màn sương vô cùng kì ảo.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Năm Du lịch 2007: Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc
Bắt đầu từ 1.1.2007, tỉnh Thái Nguyên sẽ là tâm điểm của các hoạt động quảng bá du lịch. Năm Du lịch 2007 sẽ có chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc", vừa là để kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về An toàn khu Định Hoá, Thái Nguyên, chỉ đạo cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa nhằm thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Thái Nguyên.
25/01/2007
Các tour du lịch chính trong tỉnh
(HGĐT)- 1. Bắc Quang - Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Mèo Vạc - Đồng Văn: Thăm làng dân tộc thiểu số PàThẻn, La Chí; tắm suối khoáng Quảng Ngần, khu du lịch sinh thái Thanh Hà; núi cô tiên; cổng trời Quản Bạ; làng dệt lanh Lùng Tám; dinh nhà Vương; làng dân tộc Lô Lô hoa; cột cờ Lũng Cú; đỉnh Mã Pì Lèng..ĐT
22/01/2007
Tuyên Quang khai xuân với "Tuần Văn hóa - Du lịch"
"Du Xuân trên Thủ đô Kháng chiến" là chủ đề hoạt động của tuần “Văn hoá- Du lịch” thứ nhất, dự kiến sẽ diễn ra từ 20/02 đến 26/02 (tức mồng 4 - 10 Tết âm lịch), trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2007".
16/01/2007
Những di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Bắc Kạn
Hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Kạn có 11 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận gồm: di tích lịch sử Nà Tu, Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); di tích chiến thắng Đèo Giàng (Ngân Sơn). Riêng huyện Chợ Đồn có 6 di tích lịch sử ATK là: Bản Ca, Đồi Nà Pậu, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân… trong đó có 2 di tích danh lam thắng cảnh là: Động Nàng Tiên (Na
16/01/2007