Du lịch Hà Giang và tấm lòng những người con xa xứ

15:58, 07/02/2007

Vừa qua, tôi có dịp đi chơi xa với hai người anh họ bên nhà vợ, họ là những Việt kiều yêu nước mới về thăm quê.


Lúc đầu tôi muốn khai thác đề tài du lịch Hà Giang, nhưng thấy khó thực hiện, bởi tiềm năng du lịch Hà Giang quá lớn không thể diễn tả bằng ngôn ngữ văn chương, mà cần phải có một hoạch định nghiêm túc, một nghiên cứu sâu sắc về quy hoạch tổng thể và chi tiết về một vùng trời đất “Độc nhất vô nhị”.

Ngồi uống rượu dưới quán cá bên dòng Lô Giang ở thị xã Hà Giang, tôi hứa với mấy bạn trẻ người địa phương đưa đường và hai anh sẽ viết một phóng sự về Du lịch Hà Giang… Bất cứ ai đến đây khi trở về đều lưu giữ những kỷ niệm đẹp. Với tôi hình như đã bắt đầu cảm nhận: Mình như đang nợ gì đó với mảnh đất này.

 

Ngắm những rặng núi đá đẹp đến kỳ lạ, ấn tượng trong mây mù, mờ ảo như trong chốn thần tiên… chúng tôi thấy choáng ngợp phong cảnh hai bên đường. Đến đây ta mới thấm thía về thuyết Ngũ Hành mà từ xa xưa các đấng tiên tri khi giải thích về sự hình thành của trái đất chỉ đề cập đến: Kim – Mộc – Thủy – Hoả - Thổ, còn Thạch, tức là đá thì các cụ cho đó là quà tặng của trời, là Thiên thạch biểu hiện của sức mạnh vô biên. Đến Hà Giang ta cứ tạm hiểu rằng: Trời đã ban tặng cho mảnh đất này một lượng đá đồ sộ, hoành tráng. Phong cảnh ở Hà Giang, chỗ nào cũng có thể phát triển ngành du lịch, sẽ rất khó khăn khi hoạch định bởi vẻ đẹp nơi đây dàn trải trong phạm vi hàng trăm cây số với núi non, sông ngòi.

 

Qua Mã Pì Lèng, một con đường hiểm trở nối huyện Đồng Văn với Mèo Vạc, chúng tôi dừng xe để thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Tôi kể cho mọi người nghe về bài thơ “Mã Pì Lèng” lúc sinh thời, cố thi sỹ Xuân Diệu đã từng ngợi ca và kể cho bọn trẻ chúng tôi về con đường này sau khi ông đi thực tế ở Hà Giang. Tôi chụp hình quang cảnh đèo Lộc Phục, dưới thung lũng xa kia là dòng sông Nho Quế, bé nhỏ như một dải lụa xanh thơ mộng giữa núi non bạt ngàn…

 

Tôi xin kể về hai ông anh của vợ tôi. Vì không có tua du lịch lên Hà Giang, nên tôi nảy ý định lấy xe của nhà đưa hai anh lên vùng biên thuỳ này. Qua cuộc đi tôi thấy được phần nào nỗi lòng của những người con xa xứ, ai cũng yêu đất nước, yêu tổ quốc, yêu đồng bào nhưng mỗi cá nhân lại mang đậm những nét riêng. Trước hết là người anh thứ nhất nặng tình với quê hương. Ông là người thành đạt, đã đi khỏi Hà Nội từ năm 1954, được tu nghiệp tại Pháp, Mỹ, ông có chức sắc ở một Viện nghiên cứu chống ung thư trong Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông đã về hưu, hàng năm thường đi du lịch khắp thế giới. Ở độ tuổi ngoài 70, nhưng ông đã về Việt Nam nhiều lần, đợt này ông tỏ ra vui sướng hơn khi trực tiếp thấy sự đổi thay của đất nước, nhất là dịp Hà Nội chào đón Hội nghị APEC và chứng kiến việc Việt Nam là thành viên chính thức thứ 150 của tổ chức WTO. Xa tổ quốc lâu năm, nhưng ông lại trau dồi cho mình một kiến thức khá rộng về lịch sử dân tộc. Ông kể với tôi về ý định tốt đẹp là sẽ giúp quê hương ông “xoá đói giảm nghèo” một cách thiết thực. Trước đây ông đã giúp xã ông làm một con đường. Đã giúp ngôi trường làng một số trang thiết bị để giảng dạy và học tập như nhiều dàn vi tính. Học bổng cho những học sinh giỏi và ông tự hào rằng từ ngôi trường ấy đã có những em học sinh tốt nghiệp là bác sỹ, kỹ sư rồi… Sau mấy ngày đi đường, tình thân giữa chúng tôi được thiết lập. Trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và đất trời, con người có xu hướng gắn kết với nhau hơn. Trước hôm về ở Mèo Vạc – một địa danh xa lắc trên bản đồ Việt Nam, ông có khen tôi về sự hiểu biết và có ý định hợp tác cùng tôi làm từ thiện đối với làng quê ông. Lần này ông quyết định đầu tư tiền của, thuê thầy thuê thợ để dạy những chàng trai, cô gái ở quê ông nghề đan lát mây tre đan xuất khẩu, ông đã tìm được đầu ra ở một vài quốc gia trong tổ chức WTO. Trong chuyến đi Hà Giang này, ông thấy khả năng cung cấp vật liệu mây tre là vô tận, ông muốn tôi tham gia chương trình với tư cách là một đầu mối cung cấp vật tư mây tre đan cho tập đoàn sản xuất trong tương lai...


Còn người anh thứ hai cùng đi với tôi lên Hà Giang, chính ông là người khởi xướng cho chuyến du lịch này. Đến Hà Giang ông vẫn choáng ngợp bởi sự kỳ lạ của những ruộng bậc thang, những con đường đèo hiểm trở và hệ thống núi đá kỳ lạ. Trong chuyến du lịch Hà Giang, ông đặc biệt thích thú khi nghiên cứu về các dân tộc. Chúng tôi đến thăm dinh thự của họ Vương, ngắm nhìn ngôi nhà cổ bên rừng cây Su Mu. Đến nay dinh thự này lại là một điểm du lịch hấp dẫn cho du khách. Còn phiên chợ "Khau Vai" ở huyện Mèo Vạc một năm chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng 3 (âm lịch), đây mới thực là phiên chợ tình dành cho những người yêu nhau mà không lấy được nhau. Ông anh tôi bảo, có lẽ đây là một tập tục, hay đúng hơn là một nét văn hóa hôn nhân có một không hai trên hành trình của chúng ta. Năm nào ông cũng trở về tổ quốc 1 - 2 lần, ông bảo tôi chuẩn bị sang năm khi ông trở về ta sẽ lại đi du lịch theo kiểu này. Tôi thấy bí vì ở miền Bắc này khó lòng có được nơi nào đẹp như Hà Giang.

Trước khi rời huyện Quản Bạ, một địa danh có phong cảnh kỳ thú, chúng tôi cho dừng xe để chụp ảnh lưu niệm hai ngọn núi đôi. Chỉ có điểm dừng này trên cao gần Cổng trời chúng ta mới đủ tầm ngắm để chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của tạo hoá, đó là hai trái núi lớn mang dáng hình đôi bầu sữa tròn trặn và khéo léo, đẹp đến lạ lùng. Tôi rất sợ khi nghe rằng, có một kiến trúc sư nào đó đề xuất phương án trồng hoa lên hai bầu vú sữa đó… Nếu như vậy thì sợ quá, sự nhiệt tình này, sự tốn kém này sẽ lại phá vỡ cảnh quan mất thôi. Với riêng tôi chỉ cần mở rộng thêm điểm ngắm núi đôi và tu bổ điểm ngắm tiện nghi cho du khách dừng chân…

 

Các ông anh tôi trở về ai cũng phấn khởi, nhân chuyến du lịch này trước khi bàn đến chuyện tôi muốn xáo xới cảm xúc của mình về mảnh đất có rất nhiều tiềm năng phát triển các hình thái du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch hoang dã… Sao lúc này, khi ngồi viết tôi lại thấy rạo rực và nhớ Hà Giang như thế?


KTS. Trương Việt Thường

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Năm Du lịch 2007: Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc
Bắt đầu từ 1.1.2007, tỉnh Thái Nguyên sẽ là tâm điểm của các hoạt động quảng bá du lịch. Năm Du lịch 2007 sẽ có chủ đề "Về Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc", vừa là để kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về An toàn khu Định Hoá, Thái Nguyên, chỉ đạo cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa nhằm thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh Thái Nguyên.
25/01/2007
Các tour du lịch chính trong tỉnh
(HGĐT)- 1. Bắc Quang - Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Mèo Vạc - Đồng Văn: Thăm làng dân tộc thiểu số PàThẻn, La Chí; tắm suối khoáng Quảng Ngần, khu du lịch sinh thái Thanh Hà; núi cô tiên; cổng trời Quản Bạ; làng dệt lanh Lùng Tám; dinh nhà Vương; làng dân tộc Lô Lô hoa; cột cờ Lũng Cú; đỉnh Mã Pì Lèng..ĐT
22/01/2007
Tuyên Quang khai xuân với "Tuần Văn hóa - Du lịch"
"Du Xuân trên Thủ đô Kháng chiến" là chủ đề hoạt động của tuần “Văn hoá- Du lịch” thứ nhất, dự kiến sẽ diễn ra từ 20/02 đến 26/02 (tức mồng 4 - 10 Tết âm lịch), trong khuôn khổ "Tuần Văn hóa - Du lịch Tuyên Quang năm 2007".
16/01/2007
Những di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Bắc Kạn
Hiện nay trên toàn tỉnh Bắc Kạn có 11 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận gồm: di tích lịch sử Nà Tu, Đồn Phủ Thông (Bạch Thông); di tích chiến thắng Đèo Giàng (Ngân Sơn). Riêng huyện Chợ Đồn có 6 di tích lịch sử ATK là: Bản Ca, Đồi Nà Pậu, Khuổi Linh, Đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân… trong đó có 2 di tích danh lam thắng cảnh là: Động Nàng Tiên (Na
16/01/2007