Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch
BHG - Ngày 18.5.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch (DL) hiệu quả, bền vững. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh ta đã quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm DL Hà Giang.
Lao động trên lĩnh vực DL được coi là thị trường mới nổi, nhu cầu sử dụng lao động tăng cao, trở thành điều kiện thuận lợi để xây dựng lực lượng lao động đông đảo với tuổi nghề trẻ, năng động, ham học hỏi, thông minh, khéo léo, ứng xử linh hoạt. Tuy nhiên nguồn nhân lực tỉnh ta còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển DL, nhất là trong giai đoạn hiện nay, như: Số lượng nhân lực ít, cơ cấu chưa đồng bộ, hợp lý, năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp, hay thay đổi, mang tính thời vụ. Nhân lực có trình độ cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ. Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học và nhiều lĩnh vực còn thiếu nhân lực…
Hướng dẫn viên du lịch Hà Giang giới thiệu các sản phẩm du lịch tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo định hướng của Nghị quyết 82/NQ-CP về các giải pháp cụ thể cần thực hiện đối với các bộ, ngành liên quan như: Phát triển nguồn nhân lực DL hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm, tổ chức không gian; xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực DL, đa dạng các hình thức đào tạo; tăng cường nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới... Xác định được những thách thức và sự chuyển mình, tỉnh ta đã xây dựng phát triển nguồn nhân lực DL theo cơ cấu hợp lý, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Đến nay, tổng số lao động trong ngành DL là 12.000 người, trong đó lao động trực tiếp 6.000 người.
Thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực DL tỉnh Hà Giang đến năm 2025, toàn tỉnh đã mở được 47 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ DL cho 1.782 người. Số lao động được đào tạo tập trung vào các lĩnh vực: Quản lý lưu trú, buồng, phòng, lễ tân, chế biến món ăn, dịch vụ DL tại các làng DL cộng đồng, tiếng Anh giao tiếp, hướng dẫn viên DL… Bên cạnh đầu tư của nhà nước đã huy động cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh vào hoạt động đào tạo phát triển nhân lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo.
Truyền dạy thổi khèn Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn, vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống, vừa phát triển du lịch. Ảnh: PV |
Là hướng dẫn viên được đào tạo chuyên nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Trung tâm xúc tiến DL tỉnh chia sẻ: “Là người yêu thích di chuyển, xê dịch nên tôi chọn ngành DL ngay từ khi học xong THPT. Trong quá trình làm việc, để đáp ứng yêu cầu về kỹ năng nghề nghiệp, tôi đã học lớp liên thông chuyên ngành văn hóa DL; ngoài ra bản thân còn tham gia nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đến nay tôi đã có thẻ hướng dẫn viên DL nội địa, có cơ hội được học hỏi về văn hóa, lịch sử địa phương cũng như kỹ năng giao tiếp và tổ chức tour DL một cách chuyên nghiệp”.
Ngành DL đang trên đà tăng trưởng, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh. Bởi vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực DL theo hướng đảm bảo cả về lượng và chất là giải pháp quan trọng để DL Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.
Trọng Đạt
Ý kiến bạn đọc