Làng văn hóa du lịch cộng đồng: Điểm đến không thể bỏ lỡ

09:54, 23/12/2024

BHG - Trên hành trình khám phá vùng đất Hà Giang tươi đẹp và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, những làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) chắc chắn sẽ là điểm đến không thể bỏ lỡ đối với mỗi du khách khi đặt chân đến nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc.

Du khách có dịp đến thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú (Đồng Văn), ghé vào Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú chắc hẳn sẽ có cảm giác như lạc vào ngôi làng trong truyện cổ tích. Ngôi làng là nơi sinh sống của gần 120 hộ, trong đó đa số là người Lô Lô – 1 trong 14 dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người tại Việt Nam. Đến Lô Lô Chải, du khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường cổ kính được xây dựng từ đất nện, mái ngói âm dương đặc trưng và những bức tường đá xếp tự nhiên. Không chỉ vậy, bản làng còn rực rỡ trong sắc màu của trang phục truyền thống được thêu tay tinh xảo, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Lô Lô, tạo cảm giác đặc biệt cho mỗi du khách ghé thăm. Ngoài khung cảnh yên bình, Lô Lô Chải còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội và phong tục độc đáo như: Lễ cầu mưa, múa trống đồng, hay các điệu hát dân gian mộc mạc. Đây không chỉ là dịp để du khách khám phá văn hóa mà còn cảm nhận được sự hiếu khách, chân thành của người dân nơi đây.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).
Du khách tham quan, trải nghiệm tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn).

Rời Lô Lô Chải, du khách di chuyển về Phố cổ Đồng Văn, sau đó đi thêm khoảng 15 km qua đèo Mã Pì Lèng sẽ đến Làng VHDLCĐ dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc). Ngôi làng được thiết kế ấn tượng theo hình lục giác, cấu thành bởi những ngôi nhà trình tường mang đậm kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Hiện nay, ngôi làng có 26 hộ đang sinh sống trong đó có 18 hộ làm dịch vụ homestay. Mỗi hộ làm du lịch đều có gian trưng bày đồ lưu niệm như thổ cẩm dân tộc, các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, các homestay còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như: Lưu trú, ăn uống, tắm lá thuốc, xông hơi. Đặc biệt, nếu đến Làng Pả Vi Hạ đúng thời điểm tổ chức Lễ hội Gầu tào dịp đầu năm, du khách sẽ được hòa mình vào không gian sôi động, náo nhiệt của mùa lễ hội. Chắc chắn những điệu múa khèn, nhảy đưa chân, quay đổi chỗ của những chàng trai, cô gái người Mông sẽ làm du khách không thể rời mắt.

Tuy không được ôm trọn bởi vẻ đẹp hùng vĩ của vùng Cao nguyên đá như Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải và Pả Vi Hạ nhưng Làng VHDLCĐ thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) vẫn sở hữu nhiều nét đẹp đặc trưng và sức hút riêng. Ngôi làng nằm dưới chân dải núi Tây Côn Lĩnh, được bao quanh bởi những đồi cọ, ruộng lúa, bãi ngô. Gần 100% số hộ sinh sống ở đây là đồng bào dân tộc Tày. Khi đến Làng VHDLCĐ thôn Tha, du khách sẽ được khám phá vẻ đẹp nguyên sơ như một bức tranh sơn thủy hữu tình mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương này. Trong bức tranh ấy, du khách sẽ được tham quan những ngôi nhà sàn mang đặc trưng riêng của người Tày, trong đó có nhiều ngôi nhà cổ kính với mái nhà phủ đầy rêu xanh theo thời gian. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như gà đồi, cá Bỗng, vịt làng; tìm hiểu kho tàng văn hóa khổng lồ của đồng bào qua các làn điệu hát Then, đàn Tính, hát Cọi, hội lẩu Then.

Hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc).
Hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc).

Ngoài các làng VHDLCĐ trên, toàn tỉnh còn có gần 40 làng VHDLCĐ khác cũng là điểm dừng chân hấp dẫn du khách như: Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm, xã Sủng Là (Đồng Văn); Làng VHDLCĐ thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ); Làng VHDLCĐ thôn Khiềm, xã Quang Minh (Bắc Quang); Làng VHDLCĐ thôn Nà Ràng, xã Khuôn Lùng (Xín Mần)… Mỗi làng đều mang trong mình những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số như Mông, Tày, Dao và nhiều nhóm dân tộc khác. Những làng này không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn bởi các hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống như tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực địa phương; hay tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, hái chè, hay chế biến các món ăn đặc sản.

Với chủ trương “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa”, từ năm 2017, tỉnh ta tập trung phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng phát triển bền vững, trong đó chỉ đạo xây dựng các làng VHDLCĐ tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều làng VHDLCĐ đã và đang từng bước hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời tạo sản phẩm du lịch và là nền tảng vững chắc phục vụ phát triển ngành Du lịch của địa phương.

Hà Giang không chỉ là một điểm đến du lịch mà còn là một nơi để khám phá, học hỏi những giá trị sống, giá trị văn hóa và những câu chuyện về một vùng đất đầy tiềm năng nhưng cũng vô cùng bình dị. Những làng VHDLCĐ nơi cực Bắc Tổ quốc sẽ tiếp tục là một dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách, giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống và tạo nên nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lưu giữ “hương rừng" Tây Côn Lĩnh
BHG - Mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ thì trên các ban thờ của mỗi gia đình không thể thiếu đi những nén hương trầm thơm ngát. Ẩn sâu bên trong hương thơm nồng ấm ấy không chỉ là lòng hiếu kính, biết ơn của con cháu dành cho tổ tiên mà còn thể hiện những câu chuyện riêng về truyền thống văn hóa dân tộc.
29/11/2024
Hỗ trợ người dân phát triển du lịch
BHG - Quản Bạ là một huyện nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. Với thế mạnh là nhiều danh lam thắng cảnh, điểm check in mới lạ và đa dạng văn hóa các dân tộc. Thời gian qua chính quyền địa phương cùng người dân đã tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
28/11/2024
Rêu đá - Thức quà của dòng suối trong lành
BHG - Trong tiếng Tày,  “Quoẹ húc” chỉ loại rêu quý hiếm, mọc bám vào các gờ đá nơi thượng nguồn con suối. Là thức quà của dòng suối trong lành, rêu đá gắn liền với cuộc sống của người Tày xã Xuân Giang và xã Bằng Lang (huyện Quang Bình) từ bao đời nay. Trong năm 2024, món rêu đá nướng của người Tày Quang Bình đã được vinh danh với giải Nhất trong cuộc thi Chấm món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố tại Lễ hội Văn hóa, Du lịch, Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ I. 
27/11/2024
Lưu giữ nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Cờ Lao
BHG - Dân tộc Cờ Lao là một trong số ít các dân tộc thiểu số sinh sống ở chân dải Tây Côn Lĩnh, thuộc địa phận xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) còn lưu giữ được nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Cờ Lao đã tạo ra những sản phẩm với màu sắc và hoa văn phong phú, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi vạt áo, gấu quần được thêu họa tiết tỉ mỉ, chỉn chu bởi sự sáng tạo của những người phụ nữ gửi gắm biết bao tâm tình, nét đẹp trong đời sống văn hóa, được coi là “hồn cốt” góp phần tạo nên bản sắc đặc trưng của người Cờ Lao.
22/11/2024