Đồng Văn phát huy vai trò đội văn nghệ ở cơ sở
BHG - Chú trọng phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, những năm qua, huyện Đồng Văn đã thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ tại khắp các thôn, tổ dân phố. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương từng bước phát triển về số lượng, chất lượng; góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo tầng lớp Nhân dân.
Đội văn nghệ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú có 30 thành viên, gồm cả nam và nữ ở các độ tuổi khác nhau. Cứ mỗi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, tại nhà văn hóa thôn lại vang lên tiếng trống, tiếng khèn và những lời ca, điệu múa của các thành viên đội văn nghệ để phục vụ du khách lưu trú tại thôn. Đội đã lựa chọn những tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Lô Lô, với nội dung ca ngợi Đảng, quê hương, đất nước… Những tiết mục được dàn dựng công phu đem đến cho khán giả nhiều trải nghiệm vô cùng ấn tượng. Thông qua các buổi biểu diễn phục vụ khách du lịch, từng bước tạo ra được việc làm và có thu nhập ổn định cho các thành viên trong đội văn nghệ.
Đội văn nghệ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú biểu diễn phục vụ du khách. |
Anh Vàng Dỉ Đại, Đội trưởng Đội văn nghệ thôn Lô Lô Chải cho biết: Thành viên đội văn nghệ đều là những người con của đồng bào Lô Lô sống trong thôn. Nhóm sẽ bầu ra đội trưởng, đội phó để sắp xếp, lên kế hoạch, chương trình biểu diễn. Tuy không phải là đội văn nghệ chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản nhưng mọi người đều rất ham học hỏi, nên sau thời gian biểu diễn cho du khách lưu trú tại thôn đều được ghi nhận và đánh giá cao. Chúng tôi thường biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới; việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Theo ông Sình Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải: Đây là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt không chỉ giúp du khách có trải nghiệm đặc biệt tại thôn mà còn góp phần tạo không khí phấn khởi, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Trong các chương trình văn nghệ của huyện, xã vào các dịp lễ hội, kỷ niệm, dịp tết… đều có sự tham gia đóng góp các tiết mục của đội. Hiện, kinh phí duy trì hoạt động như mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn của đội văn nghệ do các nhà hàng, nhà nghỉ, homestay trong thôn đóng góp. Đến nay, đội văn nghệ của thôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần tích cực trong phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, du lịch của địa phương.
Được biết, hiện, toàn huyện Đồng Văn có 19 Hội nghệ nhân dân gian tại 19 xã, thị trấn; có 225 đội văn nghệ tại các thôn, tổ dân phố. Mỗi đội văn nghệ tại các thôn, tổ dân phố sẽ có từ 15 - 30 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau, sinh hoạt trên tinh thần đam mê, yêu thích và tự nguyện. Ngoài ra, huyện có thêm 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hỗ trợ thành lập theo chương trình mục tiêu quốc gia tại 4 thôn: Khía Lía, xã Thài Phìn Tủng; thôn Chúng Pả A, xã Phố Cáo; thôn Khó Chớ, xã Vần Chải; thôn Tráng Chá Phìn, xã Lũng Phìn.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Đội văn nghệ dân gian tại các thôn trên địa bàn huyện đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giúp người dân ý thức hơn về vai trò của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất. Đặc biệt, các đội văn nghệ thôn, bản với nét đặc trưng riêng giúp giới thiệu, quảng bá, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Hàng năm, huyện đều chỉ đạo phòng chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, mời nghệ nhân truyền dạy dân ca, dân vũ cho các đội văn nghệ; tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các đội. Từ đó xây dựng đội ngũ hạt nhân văn nghệ tích cực, có kỹ năng cơ bản, là “đầu tàu” dẫn dắt và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc