Chiếc ba lô bộ đội Cụ Hồ
BHG - Một trong những hành trang quan trọng nhất của người lính đó là chiếc ba lô. Chiếc ba lô con cóc đã đi theo suốt trong hành trình 80 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là người bạn tri kỷ, chứa đựng những kỷ niệm của người lính trong cuộc đời quân ngũ, trở thành một kỷ vật của bộ đội Cụ Hồ.
Bước vào quân ngũ, một trong những vật dụng đầu tiên được phát là chiếc ba lô con cóc. Một hành trang giúp người lính thực hiện tốt nhiệm vụ trong đời quân ngũ của mình. Với mỗi người lính, chiếc ba lô giống như một chiếc hồ lô thu đựng rất nhiều vật dụng thiết yếu để phục vụ cho những năm tháng quân ngũ; chiếc ba lô làm bạn qua bao mùa hành quân, trở thành điểm tựa, giúp người lính chinh chiến qua bao gian khổ.
Ba lô làm bạn cùng người lính trong những giờ phút nghỉ ngơi. |
Hồi chúng tôi còn nhỏ, đất nước còn chiến tranh, trong rất nhiều lần được chứng kiến các đơn vị quân đội hành quân qua làng, cùng với cây súng, các chú bộ đội ai cũng khoác trên lưng chiếc ba lô căng phồng. Các túi đựng xung quanh chứa đủ thứ để phục vụ cho sinh hoạt. Chính chiếc ba lô căng phồng đó là vật dụng chứa đựng cả tính kỷ luật quân đội, luyện rèn sức dẻo dai của người lính. Chiếc ba lô của lính với chất vải tốt, chuẩn chất lượng quân dụng mà mỗi chúng ta hay ca ngợi, tham gia vào nhiều hành trình của đời lính. Để đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, người lính rắn rỏi, vững vàng trở về với chiếc ba lô xờn bạc màu thời gian.
Tôi còn nhớ hồi học xong cấp III, lũ bạn có mấy đứa vào lính, khoác chiếc ba lô khỏe khoắn bước lên xe về đơn vị, để lại đằng sau những giọt nước mắt của mẹ, của người thân và cả người yêu. Mỗi lần bạn tôi về phép đều đeo chiếc ba lô với nhiều vật dụng, trong đó có hình ảnh gia đình, bạn bè và cả những bức thư tình bạn gái viết cho. Và không thiếu trong ba lô của bạn tôi là cuốn nhật ký ghi lại những tâm tình đời lính. Ngày các bạn tôi xuất ngũ, tôi đi đón và khoác hộ chiếc ba lô sờn bạc, căng đầy những kỷ vật đời bộ đội. Sau mấy chục năm rời quân ngũ, đến nay nhiều đứa bạn tôi vẫn giữ chiếc ba lô đựng trong đó những kỷ niệm quân ngũ.
Tôi sinh ra trong gia đình có bố và nhiều chú ruột tòng quân. Bố tôi trải qua quân đội với hơn 10 năm ở các chiến trường C, B. Chiếc ba lô theo bố tôi từ miền Bắc vượt Trường Sơn “bên nắng đốt, bên mưa quây”, rồi sang tận Campuchia và về miền Nam ruột thịt. Hơn 10 năm chưa bao giờ được về phép và may mắn ông đã cùng chiếc ba lô có chỗ bị mảnh đạn xé rách trở về quê nhà. Mẹ tôi kể lại, ngày bố tôi về gầy gò, đen sạm, đeo chiếc ba lô còn to hơn người, trong đó có chiếc dù pháo sáng thu được của bọn Mỹ, chiếc lược làm từ nhôm máy bay, những chiếc lọ hoa làm từ vỏ đạn pháo. Quý giá và tự hào nhất thời bấy giờ là một chiếc đài con, phần thưởng cho chiến công bố tôi bắt sống 2 tên địch. Buộc trên đỉnh chiếc ba lô bố tôi đeo về đặc biệt có 2 con búp bê rất đẹp, có đôi mắt biết cụp lên cụp xuống. Bà nội tôi để 2 con búp bê đó trên nóc tủ giữa nhà, bà con ai đến chơi cũng đều khen đẹp.
Những chiếc ba lô cùng người lính chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. |
Nhưng kỷ vật quan trọng nhất vẫn là chiếc ba lô rất bền, dù đã xờn bạc màu thời gian bởi sự quăng quật nơi chiến trường. Anh em chúng tôi giờ đã gần 50 tuổi, nhưng vẫn thấy bố giữ gìn chiếc ba lô có tuổi đời còn nhiều hơn cả chúng tôi. Bọn trẻ thấy chiếc ba lô của ông nội hỏi tôi rằng đó là cái gì mà cũ thế bố!? Tôi cười và đùa rằng, đó là “người tình trăm năm” của ông nội đấy con à!
Trong một câu chuyện về Bác Hồ có liên quan đến chiếc ba lô, năm 1967 Người có ước muốn được trở lại miền Nam để động viên đồng bào, chiến sỹ. Để thực hiện ước muốn đó, vượt được dãy Trường Sơn, Bác hàng ngày rèn luyện sức khỏe bằng cách đeo chiếc ba lô đựng đồ đạc nặng 25 kg, rồi đi bộ hành quân khoảng 5 – 10 km. Tiếc rằng, ước muốn trở lại miền Nam của Người chưa thành hiện thực. Nhưng, những người lính Cụ Hồ với chiếc ba lô huyền thoại đã thực hiện được mong mỏi của Người trong Di chúc thiêng liêng, đó là giải phóng miền Nam, thống nhất 2 miền đất nước.
Chiếc ba lô trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đã cùng các chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam làm nên những chiến thắng vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Một vật dụng đơn sơ, nhưng chứa trong đó nhiều giá trị to lớn. Chính vì thế, chiếc ba lô và người lính đã xuất hiện rất nhiều trong thơ ca. Trong bài hát Mẹ của nhạc sỹ Phan Long có câu từ xúc động: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội/ Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương/ Và những vết thương trên ngực cha/ Cứ trở gió lại đau nhức nhối/ Chiếc ba lô gió sương đã bạc/ Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi…”!
Trong thời kỳ đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chiếc ba lô bộ đội Cụ Hồ vẫn tiếp bước hành quân cùng người lính, để viết tiếp những trang sử vẻ vang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Bài, ảnh: Huy Toán
Ý kiến bạn đọc