Quản Bạ miền du lịch xanh hấp dẫn
BHG - Nắm bắt xu hướng du lịch xanh, huyện Quản Bạ tập trung phát triển du lịch gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mang bản sắc riêng.
Huyện Quản Bạ có sự độc đáo của những điểm di tích, danh lam thắng cảnh đã trở thành địa chỉ đỏ để những chuyến đi của du khách có những trải nghiệm khó quên. Một vùng đất với những gam màu của một bức tranh hài hòa từ cảnh sắc, thiên nhiên, con người. Đó là “Thổ canh hốc đá” trên những dãy núi đá tai mèo cao hơn 1.200 m so với mực nước biển; miếu Làng Đán và đền Bình An để cầu cho một hành trình khám phá vùng cao sắp tới an toàn và gặp nhiều may mắn. Hay nhóm đá Thạch Sơn Thần với niên đại hơn 400 triệu năm trước công nguyên được tạo bởi 7 trụ đá gắn kết với nhau giữa một khoảng đất bằng phẳng, nằm đối diện với núi Bạch Mã sừng sững. Bên cạnh đó, huyện còn có hệ thống các hang động như hang Khố Mỷ, hang Lùng Khúy, những sắc màu hoa theo mùa như hoa đào, hoa mận, hoa cải, Tam giác mạch… có dòng sông Miện êm đềm chảy qua tạo nên một bức tranh non nước hữu tình mời gọi du khách.
Núi đôi Quản Bạ. |
Là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống với những nét văn hóa truyền thống, mang bản sắc riêng, được bảo tồn và phát triển, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm.
Các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch, như: Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc; Lễ hội ẩm thực xã Thanh Vân; Lễ hội dệt vải lanh; Lễ hội đan lát xã Thái An; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; Lễ Cấp sắc dân tộc Dao; Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày…
Những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt của các dân tộc đã tạo tiền đề quan trọng để Quản Bạ phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, huyện có Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm được UBND tỉnh công nhận OCOP 4 sao vào năm 2022.
Đến đây, du khách được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và hòa mình vào không gian văn hóa văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn như: Hát giao duyên, hát đối, đẩy gậy, kéo co, múa sạp, đốt lửa trại...
Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp H’Mong Vilage (Quản Bạ) được trao giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN 2022. |
Anh Lý Tà Chun, chủ một homestay tại Nặm Đăm chia sẻ: “Từ năm 2019, nhận thấy những tiềm năng du lịch của địa phương, gia đình tôi đã cải tạo ngôi nhà trình tường truyền thống làm homestay đón khách lưu trú. Quá trình làm du lịch, gia đình còn cung cấp các dịch vụ tắm lá thuốc, trải nghiệm văn hóa người dân địa phương. Thông qua kênh bán phòng, book phòng trên nền tảng số, lượng khách du lịch tìm tới sử dụng dịch vụ của gia đình tương đối ổn định. Trong năm 2022 gia đình tôi đã làm thêm 8 căn bungalow để đón khách du lịch. Nhờ làm du lịch mà mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập trên 300 triệu đồng”.
Đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin: Phát triển du lịch xanh bền vững trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được xác định là một trong những giải pháp quan trọng để du lịch Quản Bạ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của huyện. Vì vậy, huyện chỉ đạo các xã phát triển du lịch đúng định hướng, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; hỗ trợ kinh phí để các xã phục dựng, tái hiện một số lễ hội truyền thống, đặc sắc của các dân tộc, vừa bảo tồn được những nét văn hóa đặc trưng, giới thiệu văn hóa, con người Quản Bạ, tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.
NGUYỄN DỊU
Ý kiến bạn đọc