Đời sống tinh thần của đồng bào La Chí ở Bản Díu được nâng cao
BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, Đảng bộ, chính quyền và các hội, đoàn thể xã Bản Díu (Xín Mần) chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, thay đổi các tập quán lạc hậu trong đời sống sinh hoạt, giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Tết Khu cù tê của đồng bào La Chí xã Bản Díu được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm. |
Với đồng bào dân tộc La Chí tại xã Bản Díu, Tết Khu cù tê có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống. Bởi, nói đến người La Chí người ta sẽ nghĩ ngay đến Tết Khu cù tê và ngược lại. Năm 2014, Tết Khu cù tê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cứ vào đầu tháng 7 âm lịch hàng năm, đồng bào La Chí trên địa bàn xã lại sửa soạn, chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày Tết. Trước đây, Tết Khu cù tê thường diễn ra 12 ngày thì những năm gần đây giảm xuống còn 7 ngày và đang dần thu gọn lại. Năm nay, Tết Khu cù tê dự kiến sẽ tổ chức từ ngày 1 – 7.7 âm lịch, các thủ tục và nghi thức được thực hiện đúng nội quy, quy định của Ban tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đồng chí Vương Ngọc Kiên, Bí thư Chi bộ thôn Díu Thượng cho biết: Những năm qua, đồng bào dân tộc La Chí luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 27 của tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, Chi bộ thường xuyên đưa nội dung vào sinh hoạt, quán triệt và tuyên truyền cho đảng viên và nhân dân trong thôn để thực hiện. Đồng thời ký cam kết giữa ban quản lý thôn, người dân và chính quyền địa phương trong việc xây dựng nếp sống văn minh. Nhờ đó, các lễ hội, việc cưới, việc tang đều được cắt giảm những thủ tục rườm rà, không cần thiết và hạn chế việc uống rượu, bia trong ngày lễ. Mâm cỗ trong lễ cúng tổ tiên Tết Khu cù tê đơn giản hơn, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Cụ thể hóa nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền xã Bản Díu tập trung lãnh đạo, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, nêu cao vai trò người đứng đầu và vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, phát huy vai trò của các hội, đoàn thể, cán bộ phụ trách thôn, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép các buổi họp thôn; qua hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền miệng tại chợ phiên… Vận động người dân chấp hành tốt quy ước, hương ước của thôn, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định. Hàng năm, xã phát động thi đua giữa các thôn, trong đó một số nội dung được tuyên truyền và ký cam kết thi đua như: Không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; không đòi hỏi lễ vật thách cưới tốn kém, tổng số lễ vật quy ra tiền không vượt quá 25 triệu đồng/đám cưới. Thời gian tổ chức lễ cưới không quá 1,5 ngày. Thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu... vừa đảm bảo theo phong tục, tập quán của dân tộc, địa phương, vừa tiết kiệm chi phí.
Đối với việc tang, đồng bào dân tộc La Chí đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua. Người dân ở các thôn đã thực hiện việc tổ chức đám tang không để người chết trong nhà quá 48 giờ và tiến hành cho vào quan tài sau khi chết từ 4 đến 6 giờ. Không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm và không tổ chức ăn uống trong khi tổ chức tang lễ… Nếu như trước đây, anh em, làng xóm đến chia buồn gia đình có đám tang thường mang rượu, bia thì bây giờ đã được tuyên truyền bãi bỏ. Trong đời sống tinh thần của đồng bào La Chí cũng có quy định rõ ràng về việc cúng lễ, được đưa vào hương ước, quy ước để thực hiện. Đặc biệt, khi gia đình có người ốm thì đưa đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh, không đi xem bói, cúng bái… Không tham gia tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và giữ vệ sinh, môi trường.
Bí thư Đảng ủy xã Bản Díu Tẩn Văn Đức chia sẻ: Đảng bộ, các chi bộ trực thuộc đưa các nội dung thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể. Coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm. Trong sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cơ quan thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, nghiêm khắc phê bình đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc