Thao thức Đồng Văn

16:40, 15/07/2024

BHG - Đồng Văn là huyện biên giới cực Bắc của Tổ Quốc nơi có tới 87% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Do hầu hết là đá tai mèo và đồi núi dốc, địa hình Đồng Văn bị chia cắt dữ dội cộng với thời tiết khắc nghiệt khiến nơi đây trở thành một vùng khó khăn đặc biệt về mọi mặt. Bằng nội lực của mình, Đảng bộ huyện Đồng Văn đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc đoàn kết thực hiện thắng lợi chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát huy thế mạnh du lịch; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia và đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”…

Con đường Quốc lộ 4C tiếp tục lên cao, cheo leo, đầy cua tay áo hiểm trở, một bên vách đá, một bên vực sâu hun hút rợn người… Vượt cổng trời Thẩm Mã, dốc Chín khoanh, cổng trời Sà Phìn, rồi bất ngờ nghiêng xuống những thung lũng bằng phẳng, đẹp như mơ… Dáng cây Sa mộc, thông Mã Vĩ thấp thoáng giống cảnh sắc một vùng Bắc Âu mà tôi đã từng gặp ở đâu đó. Mùa Xuân hoa mận, hoa đào, hoa lê nở tràn, dâng đầy trên các triền núi mờ sương. Sang Thu, hoa tam giác mạch trắng, hồng bên các triền đồi. Hoa cải, hoa cúc dại vàng miên man như những thảm nắng còn sót lại sau ngày. Mùa Đông khi cỏ cây tàn lụi hết, lại là mùa của hoa Bạc hà tím mềm như câu hát của người con gái Mông đang vào tuổi yêu… Những cánh ong cần mẫn hút nhụy, để rồi cho con người một loại đặc sản tinh khiết màu hổ phách có hương vị của đất trời nức tiếng gần xa với tên gọi thân quen Mật ong Bạc hà… Bản làng mờ khuất trong mây, khói đốt cỏ làm nương vào mùa vụ mới, bay lẫn mây bông, cuồn cuộn trắng một miền trời…

Một góc của phố cổ Đồng Văn.
Một góc của phố cổ Đồng Văn.

Con đường Hạnh Phúc dài 184 cây số với những bức tường đá, vực thẳm hun hút, núi nối liền mây trên độ cao trung bình từ 1.000 mét đến 1.600 mét so với mặt nước biển thì lên Cao nguyên đá quả là một cuộc thám hiểm kỳ thú và nhiều bất ngờ. Văn nghệ sỹ của nhiều vùng miền Tổ quốc khi lên Đồng Văn thường thích dùng xe máy để chủ động trong việc đi lại và sáng tác. Kể từ những năm 1960 khi nhà văn Nguyễn Tuân lên “mỏm đất tột Bắc” để treo tấm bản đồ lên vách nhà một người mẹ Mông và buông quả dọi thẳng vào xóm Mũi (Cà Mau) thì vùng đất này đã trở thành niềm kỳ thác của giới văn nghệ cả nước. Đây cũng là vùng đất thử thách ý chí, tình cảm của mọi người.

Đồng Văn có 17 dân tộc anh em, nhưng dân tộc Mông chiếm hơn 87%. Trong lịch sử, người Mông đến Cao nguyên này bầu bạn với các dân tộc thiểu số khác làm nên một vùng dân cư đầm ấm. Họ sống và đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với kẻ thù để vươn lên giữ cho biên cương bền vững. Các dân tộc Đồng Văn vừa phải bảo vệ mình trước hòn tên mũi đạn, vừa phải gồng mình lao động cực nhọc để cống nạp cho chúa đất. Ách này chưa qua ách kia đã tới, thực dân Pháp xâm lược nước ta lại tròng thêm một cái gông nữa lên số phận nhỏ bé của những con người hiền lành. Chúng dùng chính sách chia để trị rất dã man. Thực dân lấy bạc già, dầu, muối cho bọn tay sai trong vùng và dùng chúng để cai trị đồng bào ta. Những kiếp người đục đá làm đường, cõng nước phục dịch lính Pháp và cả những cô gái đẹp bị bắt phục vụ quan Tây cuộc đời tàn theo mỗi mùa hoa thuốc phiện… Mấy chục năm trời đồng bào các dân tộc Đồng Văn sống cực nhọc, khổ đau, rên xiết trên Cao nguyên đá ngàn trùng xa cách…

Rồi tức nước ắt phải vỡ bờ… đồng bào Đồng Văn đã hun đúc trí căm thù, nuôi lớn lòng dũng cảm từ những đau thương ấy. Năm 1903, Sùng Mí Chảng đã tụ quân trên núi Tù Sán để đánh đuổi giặc Pháp. Anh Chảng cùng em gái là Sùng Thị Mỷ vận động đồng bào góp lương thực, súng, gươm… cùng nhau đánh Pháp. Tiếng súng Sùng Mí Chảng là dấu hiệu của lòng tự do, không chịu khất phục, là tiền đề cho những cuộc khởi nghĩa giải phóng cao nguyên sau này do Đảng lãnh đạo.

Cao nguyên đá đau thương và hùng vĩ cũng đã trải qua nạn phỉ tàn hại. Đó là cơn nội tặc, là một vết chém trong lịch sử bi tráng của dân tộc Mông. Một số người Mông đã nghe lời kẻ xấu xúi giục đi làm phỉ rồi quay về cướp bóc, quấy nhiễu chính gia đình, bản làng mình. Nhưng bằng lòng dũng cảm và trí thông minh, chàng trai người Mông Sùng Dúng Lù đã lập được thành tích dụ phỉ ra hàng. Đó là tên phỉ đầu sỏ Vàng Vạn Ly trốn trên núi Sảo Há, xã Vần Chải. Đây là toán phỉ cuối cùng của cả vùng biên giới rộng lớn đã ra hàng và trở về làm ăn với gia đình, làng xóm. Sùng Dúng Lù sau đó được phong tặng danh hiệu Anh hùng và được về Hà Nội gặp Bác Hồ tại Đại hội các anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ Ba. Sau này, con trai Sùng Dúng Lù và con gái Vàng Vạn Ly đã cùng lớn lên trên quê hương thanh bình và họ yêu nhau, lấy nhau. Mọi hận thù đều được bỏ qua như truyền thống tốt đẹp của người Mông.

Mỗi lần qua ngã ba Lũng Phìn trên con đường Hà Giang - Mèo Vạc, tôi lại thấy bồi hồi về một quãng thời gian đen tối của cung đường. Đây là trạm chung chuyển thuốc phiện lớn nhất trốn lính Pháp về xuôi, ra nước ngoài - đẫm máu và chết chóc… Loài độc dược này từ Phó Bảng (Hồng Kông thu nhỏ) đến Lũng Phìn về Yên Minh, Quản Bạ rồi tuồn về Hải Phòng ra biển sang trời Tây… Cao nguyên Đồng Văn ngày trước là một vùng núi đá rộng lớn, chỉ có một đơn vị hành chính cấp huyện đóng ở Phó Bảng. Nguồn sống chủ yếu của đồng bào là ngô và thuốc phiện, bởi thiên nhiên ở đây rất thuận lợi cho loại cây dược liệu này. Rồi Đồng Văn được tách làm 4 đơn vị hành chính cấp huyện là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để tiện cho việc quản lý và lãnh đạo.

Đồng Văn cũng đã gồng mình, hùng dũng và oanh liệt trong chiến dịch mở đường xuyên cao nguyên. Con đường bi tráng mang trên Hạnh Phúc dài 184 km nối Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc được khai thông năm 1965, trải qua 5 năm đào đất, phá núi để nối vùng biên giới mênh mông với miền xuôi rộng lớn, mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân các dân tộc vùng cao…

Vùng địa đầu Tổ quốc viết cả đời cũng chưa đủ. Đồng Văn luôn gợi cho tôi sức sống quật cường của một dân tộc, bởi thành tựu lao động kiến tạo quê hương trong những năm qua và danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” huyện được Nhà nước phong tặng đã chứng minh điều này.

Đồng Văn - Mảnh đất biên cương, địa đầu Tổ quốc đang thao thức trong sự chuyển mình của đất nước.

Bút ký: Cao Xuân Thái

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thi cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch Chi nhánh tỉnh Hà Giang năm 2024
BHG - Sáng 29.6, tại Trung tâm tổ chức sự kiện PHOENIX center tỉnh Hà Giang, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức hội thi Cán bộ Agribank tài năng – thanh lịch năm 2024. Dự có lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và một số sở, ban, ngành cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Agribank Chi nhánh tỉnh, Agribank Chi nhánh các huyện, thành phố.
29/06/2024
Triển khai Nghị định số 49 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở
BHG - Sáng 28.6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc 4 cấp (T.Ư - tỉnh - huyện – xã) triển khai thực hiện Nghị định số 49/2024/NĐ-CP Quy định về hoạt động thông tin cơ sở (TTCS). Dự tại điểm cầu Sở TT&TT có đồng chí Trần Kim Ngọc, Phó Giám đốc sở và đại diện các phòng chuyên môn.
28/06/2024
Mỗi người dân là một đại sứ du lịch cho quê hương
BHG - Nằm trong sản phẩm du lịch “Wow - Hà Giang”, huyện Quang Bình nổi tiếng là vùng đất trù phú với những vườn cam ngọt ngào và hệ thống sinh thái, sông, suối, hang động hùng vĩ, nên thơ. Cùng với đó là những nét văn hóa truyền thống được đồng bào các dân tộc giữ gìn và bảo tồn nguyên vẹn. Với tinh thần mỗi người dân là một đại sứ du lịch, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận sự thân thiện, mến khách, an toàn trong hành trình khám phá cảnh đẹp miền quê Quang Bình.
28/06/2024
Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi): Bổ sung thêm 2 loại Giải mới
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh vừa ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi).
27/06/2024